Nâng cao chất lượng đào tạo nghề để tạo việc làm cho người lao động
(QT) - Trong bối cảnh hội nhập toàn diện nền kinh tế như hiện nay thì chất lượng đào tạo và tay nghề của lao động khi tham gia vào các thành phần kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Mặt khác, công cuộc CNH,HĐH đất nước rất cần đến lực lượng lao động có tri thức và làm chủ KHCN. Những yêu cầu đó đặt ra một thách thức không nhỏ đối với công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho người lao động. Bởi lẽ trên thực tế có không ít lao động đã qua các lớp đào tạo nghề nhưng vẫn chưa tìm được việc làm hoặc làm việc không đúng với chuyên môn đào tạo. Lý giải về thực trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là chất lượng đào tạo nghề ở các Trung tâm dạy nghề cùng với sự thiếu thông tin về nhu cầu tuyển dụng nghề trong xã hội nên người lao động lựa chọn sai ngành nghề...
 |
Tìm hiểu thông tin tuyển sinh đào tạo và việc làm tại sàn giao dịch việc làm Quảng Trị. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 16 cơ sở dạy nghề và 13 Trung tâm, cơ sở dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề đã có sự nỗ lực trong việc tìm kiếm thông tin của thị trường tuyển dụng lao động để mở được nhiều nghề đào tạo mà thị trường lao động có nhu cầu. Cùng với việc đào tạo các nghề phục vụ cho các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động với những ngành nghề như: điện tử, điện công nghiệp và xây dựng, cơ khí động lực, hàn, cắt gọt kim loại, kỹ nghệ sắt, sửa chữa ô tô, xe máy, mộc, nề, CNKT lái xe, CNKT cầu đường, công nhân lái máy thi công công trình, may công nghiệp.... Nhìn chung nhu cầu học nghề của học sinh và người lao động ngày càng tăng, một số trường và trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và phát triển, chất lượng đào tạo nghề đã từng bước được củng cố, thực hiện đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Từ 2001 - 2009, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo được trên 41.000 người. Nhiều học sinh học nghề tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm ở trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động, đặc biệt là các ngành như may công nghiệp, xây dựng, cơ khí, gò hàn...Kết quả của công tác dạy nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương. Nếu so với năm 2001, cơ cấu lao động có sự chuyển biến tích cực. Nhóm ngành nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 68,23% năm 2001 xuống còn 55% năm 2009; tỷ lệ lao động trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 9,1% năm 2001 lên 15,5% năm 2009 và nhóm ngành dịch vụ tăng từ 22,7% năm 2001 lên 29,5% năm 2009. Tuy nhiên trên thực tế cơ cấu ngành nghề đào tạo những năm qua vẫn chưa thật phù hợp với cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động, chưa bổ sung thường xuyên các nghề đào tạo mới theo yêu cầu của thị trường lao động, chất lượng lao động thấp, thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế trọng điểm và cho xuất khẩu lao động. Thực tế công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho người lao động ở Quảng Trị vẫn còn tồn tại những hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần phải được quan tâm giải quyết. Cho dù tỉnh đã ban hành các chính sách về lao động, việc làm và học nghề nhưng chưa được triển khai thực hiện đầy đủ. Công tác giới thiệu việc làm, dạy học nghề và xuất khẩu lao động bước đầu đã thu được kết quả song việc tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, nhận thức về học nghề, tìm kiếm việc làm của người lao động còn hạn chế nên số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được thị trường lao động. Hiện nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề mới chỉ đạt khoảng 18%. Trong khi đó dự tính số thanh niên bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm là 49.000 người. Trong khi đó hiệu quả đích thực từ công tác đào tạo nghề và tuyển dụng lao động thông qua sàn giao dịch việc làm còn quá khiêm tốn. Và phải khách quan nhìn nhận rằng sàn giao dịch việc làm đã tạo ra một ""chợ" lao động mà ở đó có sự gặp gỡ giữa người tìm việc làm và cơ quan tuyển dụng. Nhưng trên thực tế chưa thật sự tạo ra thị trường tuyển dụng lao động đích thực và hiệu quả như mong đợi. Thành công của các sàn giao dịch việc làm được nhìn nhận ở góc độ thu hút một số lượng người chủ yếu là thanh thiếu niên tham gia thông qua tư vấn, tuyển dụng lao động, chứ trên thực tế số lượng lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp rất ít. Đơn vị, doanh nghiệp đến tham gia hội chợ đưa ra những thông số và nội quy tuyển dụng nhưng không chủ động phỏng vấn, chọn lựa và tìm kiếm lao động theo đúng yêu cầu, bằng cấp và nghề nghiệp cần tìm. Từ những tồn tại nêu trên vấn đề đặt ra cần đẩy mạnh tính hiệu quả của việc đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, bởi đây là nhu cầu bức xúc cho người lao động. Cần phải hiểu thêm rằng giải quyết việc làm cho người lao động không đơn thuần là hoàn thành công tác đào tạo nghề. Bởi vì có gắn việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm thành một chuỗi liên hoàn mới mang lại hiệu quả đích thực. Tạo việc làm ở đây cần phải đặc biệt chú trọng đến nhiều lĩnh vực như xuất khẩu lao động định kỳ, tư vấn giới thiệu việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm. Nếu triển khai tốt các hình thức tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp và liên kết chặt chẽ với các đơn vị xuất khẩu lao động mới hy vọng tạo ra việc làm thực sự cho người lao động mang lại thu nhập cao.
Theo đồng chí Lê Vũ Bằng, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh&Xã hội thì mục tiêu trong năm 2010 của tỉnh Quảng Trị là phải đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Dẫu biết rằng, trong bối cảnh thị trường lao động bị thu hẹp bởi tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng Trung tâm giới thiệu việc làm phải nỗ lực tìm kiếm các mô hình mới để thử nghiệm. Có thể chỉ cần chọn một xã hoặc một phường để tập trung làm điểm về xuất khẩu lao động. Phải trang bị một cách hoàn thiện mọi kỹ năng nghề nghiệp, vốn sống, ngoại ngữ cho người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động. Bởi vì có chú trọng đến chất lượng đào tạo nghề mới hy vọng tạo ra một chỗ đứng vững chắc cho người lao động khi tham gia vào thị trường lao động với những yêu cầu khắt khe từ các đơn vị sử dụng lao động. Bài, ảnh: Tân Nguyên