Xuân Mậu Thân - Bài ca bất diệt
(QT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, có ba mùa xuân đi vào lịch sử không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều ghi nhận, đó là mùa xuân năm 1968 với cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân long trời, lở đất làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng miền Nam. Tiếp đến là cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, một số huyện lỵ ở miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, ...

Xuân Mậu Thân - Bài ca bất diệt

(QT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, có ba mùa xuân đi vào lịch sử không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều ghi nhận, đó là mùa xuân năm 1968 với cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân long trời, lở đất làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng miền Nam. Tiếp đến là cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, một số huyện lỵ ở miền Nam và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng để có cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, trước hết phải nói đến cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, bởi đây vừa là cuộc tập kích chiến lược, vừa là sự chuẩn bị lực lượng và đúc rút kinh nghiệm cho những trận đánh có tính chất quyết định tiếp theo.

Mở đường vào chiến dịch. Ảnh: Đoàn Công Tính

Để đi đến cuộc tấn công xuân Mậu Thân, cần nhìn lại sự chuẩn bị lực lượng của ta trước đó. Năm 1963, quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương, quân và dân miền Nam đã đồng khởi nổi dậy, phá ấp chiến lược, diệt ác trừ gian, vừa khích lệ phong trào cách mạng của quần chúng, vừa tạo nên thế “cài răng lược” làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, mà tiêu biểu là cuộc đồng khởi ở tỉnh Bến Tre. Trước nguy cơ sụp đổ của chế độ tay sai Sài Gòn, năm 1965, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” và đưa quân đội viễn chinh Mỹ vào miền Nam, đồng thời dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Thực hiện âm mưu này, tháng 5/1965, Mỹ đưa 2.000 quân vào căn cứ Phú Bài (Huế) và Đông Hà (Quảng Trị) nhằm hỗ trợ cho quân ngụy càn quét bắn giết nhân dân ta và chuẩn bị chiến trường hoạt động của chúng ở Nam vĩ tuyến 17. Trước cục diện mới do đế quốc Mỹ gây ra, quân và dân Quảng Trị một lần nữa lại xác định rõ quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ; tổ chức nhiều trận đánh từ tập kích chớp nhoáng, phục kích, pháo kích đến những trận công đồn cùng với phong trào nổi dậy của nhân dân đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.

Sau chiến thắng mùa khô năm 1965 -1966, để đưa phong trào cách mạng ở Trị Thiên tiến lên mạnh mẽ, vững chắc, Bộ Chính trị quyết định thành lập Khu ủy và Quân khu Trị - Thiên nhằm tăng cường chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu ở mặt trận quan trọng này. Để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, cuối tháng 6/1966, Quân ủy Trung ương quyết định mở Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng Trị, hay còn gọi là Mặt trận B5 và điều động một số đơn vị chủ lực của Quân khu 4 vào tham gia chiến đấu, nhằm thu hút, phân tán lực lượng địch, trước hết là ngăn chặn âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Ngay sau khi đặt chân lên chiến trường Quảng Trị, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 đã chớp nhoáng tiến công tiêu diệt căn cứ Đầu Mầu. Bị đánh đau, Mỹ lập tức điều động quân từ căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài cùng với sự hỗ trợ của pháo hạng nặng từ Hạm đội 7 ra ứng cứu “phòng tuyến phía Bắc”. Mặc dù lực lượng được tăng cường, nhưng địch vẫn ở thế bị động trước những đòn tấn công sắc bén của quân và dân ta. Mỹ lại tiếp tục điều hai sư đoàn thủy quân lục chiến thiện chiến của quân đội viễn chinh Mỹ đang “bình định” ở đồng bằng sông Cửu Long và ven biền miền Trung ra Bắc Quảng Trị để đối phó.

Sau khi được tăng cường lực lượng, địch một mặt triển khai lập tuyến phòng ngự đường 9 nhằm ngăn chặn các đợt tiến công của ta, mặt khác dùng hỏa lực hải quân, không quân, kể cả máy bay chiến lược B.52 ra sức càn quét, bắn phá hòng lật ngược thế cờ và đẩy quân chủ lực của ta ra xa, bịt chặt con đường vận chuyển Bắc - Nam. Nhưng quân và dân Quảng Trị vẫn kiên cường đánh trả quyết liệt. Sau khi được tăng cường Sư đoàn 325, 2 trung đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật, quân và dân ta đã mở chiến dịch tấn công toàn diện vào tuyến phòng ngự cũng như các cuộc hành quân giải tỏa của địch. Sau các cuộc pháo kích dữ dội xuống căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên, cứ điểm 241, Khe Sanh, Đông Hà... quân ta đã tiêu diệt hàng nghìn lính Mỹ. Bước vào mùa thu năm 1967, quân và dân Quảng Trị lại tiếp tục tiến công vào hậu cứ sư đoàn 1 ngụy ở La Vang, tập kích tiêu diệt phái đoàn quân sự Mỹ ở Vườn hoa, giải phóng Nhà Lao thị xã Quảng Trị, chúng ta đã từng bước giành lại thế chủ động.

Căn cứ vào tương quan lực lượng giữa ta và địch, cuối năm 1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết mở chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vào tất cả các sào huyệt của địch trên chiến trường miền Nam, tạo bước chuyển biến nhảy vọt để đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn giành thắng lợi quyết định. Khu ủy Trị - Thiên và Tỉnh ủy Quảng Trị đã họp bàn hạ quyết tâm huy động toàn quân và toàn dân tích cực tham gia chiến dịch có ý nghĩa lịch sử này. Để nghi binh và tạo sự bất ngờ, ngày 13/1/1968, quân và dân Trị - Thiên mở mặt trận Khe Sanh để vây hãm và tiêu diệt lính Mỹ chốt giữ ở khu vực này. Giữa lúc tiếng súng vây ép Khe Sanh đang nổ ra giòn giã, ngày 31/1/1968, tức ngày mồng Một Tết Mậu Thân, quân và dân toàn miền đã thực hiện cuộc tập kích chiến lược đánh vào tất cả sào huyệt của địch ở các thành phố và thị xã miền Nam. Phối hợp với quân và dân toàn miền, 2 giờ 31 phút sáng ngày 31/1/1968, quân và dân Quảng Trị đã nổ súng tiến công vào thị xã Quảng Trị, chiếm Ty cảnh sát, dinh Tỉnh trưởng, nhà máy điện... Cùng thời gian trên, bộ đội địa phương 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ phối hợp với lực lượng dân quân du kích bao vây căn cứ Cam Lộ và một loạt vị trí từ Nam vĩ tuyến 17 đến căn cứ Đông Hà, Cửa Việt.

Trên mặt trận Khe Sanh, quân ta đã tiêu diệt chi khu Hướng Hóa, Huội San, Làng Vây và vây hãm Khe Sanh làm cho quân Mỹ ở đây lâm vào thế khốn quẩn. Không chịu nổi vòng vây ngày càng siết chặt, ngày 15/7/ 1968, quân Mỹ đã tháo chạy khỏi Khe Sanh.

Thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân có ý nghĩa đặc biệt đối với chiến trường miền Nam, nhất là đã làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, buộc địch phải xuống thang chiến tranh, thay đổi chiến lược quân sự từ chiến lược “tìm diệt” sang chiến lược “quét, giữ”, đặc biệt là buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 50 năm đã trôi qua, nhưng cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân sẽ mãi mãi đi vào lịch sử, thể hiện ý chí tiến công cách mạng, là bài học sâu sắc về tính bí mật, bất ngờ, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 thứ quân và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, chính xác, hiệu quả giữa các chiến trường. Thắng lợi của xuân Mậu Thân năm 1968 cũng chính là tiền đề, là bài học kinh nghiệm để quân và dân ta tiếp tục mở chiến dịch mùa xuân năm 1972 giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tạo đà, tạo thế cho cách mạng miền Nam đi tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 toàn thắng, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối.

Phan Sáu