Già làng tiêu biểu ở bản Kareng
Đến thăm bản Kreng, xã Hướng Hiệp hôm nay mới thấy được sự đổi thay, đời sống của người dân đã ổn định hơn trước, nhà nào cũng đua nhau làm ăn kinh tế để đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Hỏi mới biết, có được sự đổi thay ấy có sự đóng góp hết sức to lớn của Già làng Nhia mà người dân bản thân thương gọi là người cha của dân bản Kreng.  Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trong những ngày quê hương còn bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược, Hồ Văn Nhia đau đáu nghĩ về quê hương Đakrông, nơi quê cha đất ...

Già làng tiêu biểu ở bản Kareng

Đến thăm bản Kreng, xã Hướng Hiệp hôm nay mới thấy được sự đổi thay, đời sống của người dân đã ổn định hơn trước, nhà nào cũng đua nhau làm ăn kinh tế để đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Hỏi mới biết, có được sự đổi thay ấy có sự đóng góp hết sức to lớn của Già làng Nhia mà người dân bản thân thương gọi là người cha của dân bản Kreng. Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trong những ngày quê hương còn bị giày xéo dưới gót giày quân xâm lược, Hồ Văn Nhia đau đáu nghĩ về quê hương Đakrông, nơi quê cha đất tổ của mình. Học hết lớp 7 ở Trường Hai Giỏi (Quảng Bình), ông trở lại quê hương Đakrông sau ngày Quảng Trị được giải phóng. Năm 1975 ông tham gia Ban Mặt trận huyện Hướng Hóa. Năm 1978, ông trở về quê hương Hướng Hiệp sinh sống và lập nghiệp. Hơn 20 năm tham gia công tác tại HTX Kreng ông không một ngày nghỉ ngơi luôn tìm mọi cách để bà con mình không phải đói khổ. Ông vận động bà con xã viên thay đổi tập quán làm ăn lạc hậu để phát triển kinh tế. Chỉ nói mà không làm thì không có hiệu quả, vì vậy bản thân ông đã làm gương cho bà con làm theo. Đến năm 1997, ông nghỉ viêc ở HTX và bắt tay vào làm ăn kinh tế. Ban đầu, ông mua ống phế liệu chiến tranh để dẫn nước từ khe suối về làng rồi khai hoang đất làm ruộng nước. "Ban đầu tôi làm lúa nước không ai tin tôi làm được vì tập quán lâu nay của bà con đã quen với phát, đốt, cốt, trỉa, có ai làm lúa nước bao giờ. Vụ đầu tôi làm 3 sào, nhành lúa tốt được mùa trỉa hạt... Bà con ai cũng đến nhà tôi để được hướng dẫn cách làm, tôi hướng dẫn cho bà con khai hoang đất rồi giúp họ dẫn nước về. Dần dần nhà nào cũng có ruộng nước. Riêng gia đình tôi đã làm được hơn 1 mẫu ruộng, mỗi năm thu hoạch hơn 2 tấn lúa. Giờ không còn đói nghèo nữa mà chỉ lo làm giàu thôi"- Già làng Nhia vui vẻ kể... Tận dụng nguồn nước ông thêm đào ao nuôi cá, trong chuồng lúc nào cũng có 4-5 con lợn. Đặc biệt, ông đã khai hoang để trồng được hơn 20 ha rừng tràm. Năm 1999, ông được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm già làng và từ đó, cái tên “già làng Nhia” trở nên thân thuộc như người cha của dân bản. Ông vận động, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn kinh tế, mỗi nhà phải khai hoang được hơn 3 sào ruộng nước, có ăn rồi nhà nào cũng phải trồng rừng. Nhờ vậy mà đời sống của bà con ở thôn Kreng đã đổi thay đáng kể, từ 47/ 95 hộ nghèo năm 2004 nay giảm còn 23 hộ, toàn thôn có hơn 20 ha ruộng nước, 300 ha rừng, 250 con trâu bò...; hơn 30 hộ có đời sống khá giả. Không chỉ vận động và tìm hướng cho người dân phát triển kinh tế gia đình, già làng Nhia còn làm tốt công tác vận động bà con từ bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì thế mà kỷ cương của làng được đảm bảo, không còn tình trạng chặt phá rừng, không có tình trạng bạo lực gia đình, tình trạng tảo hôn cũng vì thế mà giảm hẳn. Tình đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau đã thể hiện rõ nét, nhà nào nghèo mà không có lao động thì làng vận động bà con giúp công để làm ruộng, nhà nào không có gạo ăn thì bà con nhường cơm sẻ áo... Từ đó, ai cũng cố gắng vươn lên. Từ những đóng góp của già làng Nhia với bà con dân bản, ông đã nhiều lần được nhận giấy khen của UBND huyện và UBND tỉnh, được khen thưởng trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lâm Phương