Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào
Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào

Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào

(QT) - Nhằm tăng cường công tác điều phối, quản lý các chương trình/dự án liên quan đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh theo hướng bền vững, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ và UBND tỉnh; với sự tài trợ của tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (Norwegian Peoples Aids/NPA),vừa qua Đoàn công tác tỉnh Quảng Trị do đồng chí Nguyễn Đức Chính, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào. Tham gia Đoàn còn có đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh, Dự án RENEW, NPA. Mục đích của chuyến công tác nhằm nghiên cứu mô hình cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan điều phối hoạt động bom mìn quốc gia; khảo sát việc xây dựng, quản lý, khai thác và chia sẻ các thông tin liên quan đến bom mìn; tìm hiểu các phương pháp và quy trình, làm thế nào để xây dựng chiến lược hoặc kế hoạch hoạt động bom mìn có tính dài hạn và lồng ghép được với các chương trình phát triển và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; tìm hiểu thêm về các hoạt động hỗ trợ của NPA tại Lào để xem xét khả năng áp dụng mô hình và sự hợp tác tương tự tại tỉnh Quảng Trị. Ngoài các mục đích trên, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ Lào cho việc đầu tư vào Khu kinh tế biển Mỹ Thuỷ cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế Quảng Trị- Savannakhet, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có các buổi tiếp xúc và làm việc với đồng chí Xổm Xa Vạt - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ CHDCND Lào; thăm Đại sứ quán Việt Nam và trao đổi công việc với đồng chí Nguyễn Huy Quang, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại CHDCND Lào; làm việc với Cơ quan Điều phối Quốc gia Lào về công tác rà phá bom mìn (NRA) và Chương trình rà phá bom mìn Quốc gia Lào (UXO/Lào); Tìm hiểu việc điều phối hoạt động bom mìn và thăm hiện trường rà phá bom mìn của UXO/Lào tại tỉnh Khăm Muộn; Thăm và làm việc với đồng chí Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet; tìm hiểu về việc điều phối hoạt động bom mìn và thăm hiện trường rà phá bom mìn của UXO/Lào tại tỉnh Savannakhet. Được biết, với sự hỗ trợ của UNDP và các tổ chức quốc tế, Lào đã thành lập và vận hành cơ quan điều phối các hoạt động bom mìn nhân đạo (NRA) và Cơ quan triển khai hoạt động bom mìn nhân đạo (UXO Lào) tại Trung ương và 9 tỉnh bị nhiễm bom mìn nặng nề. Thống nhất được bộ máy quản lý, điều phối các hoạt động liên quan đến công tác rà phá bom mìn, bao gồm cả các chương trình quốc gia, quốc tế và dịch vụ từ cấp Trung ương xuống địa phương. Đảm bảo hệ thống thông tin dữ liệu tập trung. Xây dựng được chiến lược tổng thể về rà phá bom mìn áp dụng trên toàn quốc. Các dự án hỗ trợ nhân đạo đều hoạt động nhằm đạt mục tiêu của chiến lược tổng thể này. Việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như: máy định vị vệ tinh, bản đồ số hoá, liên kết mạng... đã giúp cho công tác quản lý hoạt động bom mìn và trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội như quản lý đất, dân cư... Do có chiến lược, chính sách và các tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong hoạt động rà phá bom mìn nên đã huy động được nhiều nguồn vốn tài trợ. Các hạn chế trong công tác điều phối và thực hiện của phía Lào, đó là việc phân cấp quản lý hoạt động bom mìn không mạnh dẫn đến việc các địa phương( cấp tỉnh) bị động trong công tác lập kế hoạch. Do vậy mô hình này trong xu thế phân cấp mạnh như ở Việt Nam chỉ phù hợp với việc áp dụng ở cấp tỉnh. Chi phí cho hoạt động hành chính gián tiếp cao. Không lồng ghép được các hoạt động hỗ trợ phát triển sau rà phá (xây dựng hạ tầng, nâng cao thu nhập...) tại các vùng dự án... Về công tác vận động hợp tác kinh tế: Phó Thủ tướng Chính phủ Lào ủng hộ và hứa sẽ đưa dự án Khu kinh tế biển Mỹ Thuỷ vào nội dung làm việc với Phân ban Hợp tác Kinh tế Việt Nam- Lào vào tháng 1/2009. Đồng thời, sẽ giới thiệu tập đoàn Giant Group (Malaixia) - tập đoàn này vừa ký với Chính phủ Lào về việc nghiên cứu, khảo sát xây dựng tuyến đường sắt nối Savannakhet, Lào đến Lao Bảo, Việt Nam. Đồng chí Phó Thủ tướng cũng đề cập phía Chính phủ Lào sẽ làm việc với Chính phủ Thái Lan để xây dựng tuyến đường sắt này nối từ Khon Kaen đến tỉnh Savannakhet và về tỉnh Quảng Trị. Như vậy tuyến đường sắt dọc hành lang Kinh tế Đông Tây sẽ vận hành hoàn chỉnh phục vụ các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh bên Lào. Đồng chí Phó Thủ tướng cũng nhận lời mời của tỉnh sẽ sắp xếp về thăm tỉnh Quảng Trị đồng thời khảo sát tình hình hoạt động hợp tác kinh tế trên hành lang kinh tế Đông Tây và khu kinh tế cảng biển Mỹ Thủy trong đầu năm 2009. Tại buổi làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet và trao đổi công việc với đồng chí Vilay Vanh Phom Khe, Bí thư -Tỉnh trưởng Savannakhet cho biết: Đầu tư nước ngoài vào Savannakhet đang tăng. Nhà máy đường của Thái Lan sắp đưa vào sản xuất. Trung quốc cũng đã đầu tư 400 triệu USD xây dựng nhà máy giấy và phát triển vùng nguyên liệu tại tỉnh. Ngoài ra, Nhật bản và Ấn độ đã đầu tư chương trình 500.000 ha rừng/mỗi nước tại Lào trong đó có tỉnh Savannakhet. Các công ty Việt Nam đã đầu tư trồng cao su và một số công ty khai khoáng đang nghiên cứu xin khai thác mỏ than. Hiện nay, tổng số hàng xuất nhập khẩu của tỉnh Savannakhet (qua cảng biển Thái Lan) khoảng 300.000-400.000 tấn. Trong những năm tới, sản phẩm từ các dự án sản xuất giấy, đường, thu hoạch mủ cao su và gỗ rừng trồng sẽ tăng sản lượng XNK của tỉnh Savannakhet có thể đạt gần 1 triệu tấn /năm. Vì vậy, cảng biển nếu được xây dựng tại Quảng Trị sẽ là cơ hội để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế lâu dài với tỉnh Savannakhet và các tỉnh khác của Lào. Đồng chí Vilavan Phôm Khê cho biết thêm, hiện tại các nhà đầu tư ở Lào và các doanh nghiệp Lào có xu hướng sử dụng nhiều các cảng biển ở Thái Lan. Một trong những nguyên nhân khiến việc sử dụng các cảng biển ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn ở Thái Lan là do các hạn chế về lưu thông xe tay lái nghịch, tốc độ xe bị hạn chế, kiểm tra kiểm soát tại cửa khẩu mất nhiều thời gian, sự xuống cấp của Đường 9 và các dịch vụ cảng ở Việt Nam chưa tốt... Cũng trong chuyến công tác, Đoàn đã làm việc với Giám đốc Chương trình tại Việt Nam và Lào của Quỹ hỗ trợ Nhân dân Nauy (NPA) đề xuất việc tiếp tục hỗ trợ các hoạt động giải quyết hậu quả bom mìn nhân đạo tại Quảng Trị. Trên cơ sở nhu cầu của tỉnh và hiệu quả của hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị trong thời gian qua, tổ chức NPA đã cam kết về nguyên tắc tiếp tục phối hợp với VVMF hỗ trợ hoạt động giải quyết hậu quả bom mìn phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh - dự án RENEW tại Quảng Trị năm 2008-2009 với tổng kinh phí khoảng 250.000 USD. Lê Hữu Phước