Giấc mơ hồi sinh Rú Lịnh
(QT) - Đã 35 mùa rừng cây thay lá cũng là ngần ấy năm anh Nguyễn Đình Trọng quyết tâm bám Rú Lịnh để giữ lại màu xanh đại ngàn cho mai sau. Anh được xem là khắc tinh của lâm tặc, là cái gai trong mắt của những người dân vốn thích hôi của rừng. Suốt cuộc đời giữ rừng, người đảng viên ấy đã dũng cảm vượt qua tất cả những mua chuộc lẫn đe dọa của những kẻ phá rừng. Chính vì điều đó mà giấc mơ hồi sinh Rú Lịnh của anh đã dần trở thành hiện thực ... Hy sinh thầm lặng Trong căn nhà nằm cuối thôn Tân Hoà, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chúng tôi gặp anh Nguyễn Đình Trọng - người có thâm niên giữ rừng 35 năm nay. Trò chuyện với anh, chúng tôi nhận ra một điều, hễ đề cập đến chuyện giữ rừng là anh Trọng trở nên hào hứng, sôi nổi. Anh nói rằng, tấm bằng khen lớn nhất của đời anh là Rú Lịnh đang dần hồi sinh.
 |
Anh Nguyễn Đình Trọng thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về Rú Lịnh. |
Anh Nguyễn Đình Trọng sinh năm 1955, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh. Thuở niên thiếu, anh phải tản cư ra Bắc sinh sống, ngày hoà bình lập lại cũng vừa lúc anh bước sang tuổi đôi mươi. Trở về quê nhà, anh Trọng xin vào làm công nhân của Công ty thủy lợi 6 thuộc Bộ Thủy lợi. Thời điểm bấy giờ, Rú Lịnh đang bị lâm tặc hoành hành, khiến lực lượng kiểm lâm phải nhiều phen điêu đứng. Những cây gỗ nguyên sinh đã dần dần bị hạ, các loại thú rừng quý đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tuổi thơ anh được rừng bao bọc nên hay tin Rú Lịnh bị tàn phá, lòng anh như quặn thắt lại. Năm 1977, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng nên Rú Lịnh thuộc quyền quản lý của hai xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Ngày ấy, anh Trọng là người đầu tiên tình nguyện xin được giữ rừng để hỗ trợ thêm cho cán bộ kiểm lâm (CBKL), được Hạt kiểm lâm và UBND xã Vĩnh Hiền chấp nhận. Những tháng ngày đó đối với anh thật gian khổ, anh cùng CBKL lập được nhiều chiến công, ngăn chặn được những băng nhóm lâm tặc quy mô trong vùng. UBND xã Vĩnh Hiền trả lương cho anh 8 nghìn đồng, tương đương với 30 kg thóc. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng với tinh thần tự nguyện, anh đã vượt qua tất cả và tiếp tục công việc của mình. Người giữ rừng bấy giờ phải trèo đèo, lội suối, thức đêm để tuần tra, canh gác bọn lâm tặc, không đêm nào ngủ ngon giấc. Nhiều đêm phát hiện địa điểm lâm tặc chuẩn bị khai thác, anh cùng CBKL chuẩn bị cơm nắm, băng rừng, nằm lá, ngủ sương để phục kích. Lâm tặc nhiều khi sử dụng vũ khí nóng nên anh em trong tổ tuần tra hết sức thận trọng. Để hoàn thành nhiệm vụ giữ rừng đòi hỏi mỗi người phải đam mê và yêu nghề, hơn nữa là cái tâm với rừng. Tất cả những điều đó đã có thừa trong anh.
 |
Chuẩn bị hành trang vào rừng. |
Anh Trọng nhớ như in trận bão kinh hoàng năm 1985. Sau khi di tản vợ con đến nơi an toàn, anh khoác vội chiếc áo tơi rồi băng mưa gió đi về hướng Rú Lịnh. Trước mắt anh là cảnh hoang tàn, đổ nát, những cây gỗ lâu năm bị gió xé tan từng nhánh một, nằm trơ cả gốc rể; những dãy cây rừng thấp bị chôn vùi trong đất, đá, nhan nhãn xác thú rừng, chim muông trên mặt đất... Sau bão, ai cũng chú tâm đến việc sửa nhà cửa, riêng anh nếu có ai hỏi đều chỉ tay về phía Rú Lịnh, buồn rười rượi. Cơn bão đi qua, anh Trọng lại khăn gói đi giữ rừng, ngăn chặn sự “hôi của” của nhiều người. Mãi đến một tuần sau khi Rú Lịnh được khắc phục thì anh Trọng mới bắt tay vào dựng lại căn nhà cho mình. Vượt lên những mua chuộc và đe dọa Rú Lịnh là khu rừng nguyên sinh thuộc tầm quốc gia, có tổng diện tích 348 ha, nằm trải dài trên địa bàn 2 xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa của huyện Vĩnh Linh. Đây là nơi có nhiều lâm sản có giá trị cao, bao gồm các loại gỗ thuộc nhóm I, II, III như lim xẹt, gõ, trầm, lim xanh, ngát ... vàcác loại thú rừng quý hiếm như rắn hổ mang, rắn chúa, lợn rừng, kỳ nhong cùng nhiều loài chim quý. Sống với rừng ngần ấy năm trời nên dù đứng xa hàng cây số, anh Trọng vẫn nhận ra khu vực đó có những loại gỗ hay loài gì cư trú. Bởi thế, nhiều năm liền anh kiêm luôn vai trò là người hướng dẫn viên mỗi khi có khách tham quan... Chính sự trù phú về lâm sản ấy đã biến RúLịnh thành miếng mồi béo bởcủa lâm tặc. Hoạt động của lâm tặc rất thất thường, có khi chúng cho người vào cưa gỗ, săn thú từ tờ mờ sáng, có lúc xế trưa, lại có lúc lại chọn thời điểm giữa đêm khuya vắng nên khó kiểm soát. Nhưng không vì thế mà anh Trọng bỏ cuộc, sự có mặt của anh khiến cho lâm tặc nhiều phen bất ngờ, đặt cho anh cái tên “Trọng rừng”.
 |
Với anh Trọng, Rú Lịnh là người bạn thân thiết. |
Anh nhớ hồi đầu tháng 10/2009, một nhóm thanh niên lạ cómặt trong xã hỏi thu mua lạc. Mục đích của chúng là lần dò ra tận bìa rừng để quan sát lối vào và theo dõi thời gian biểu của anh Trọng thông qua một số người dân. Hôm ấy, lúc anh đang đi dự đám cưới của đứa cháu, bọn chúng cử người đến theo dõi anh sát sao. Do biết được âm mưu của bọn chúng nên anh lén đi bộ ra khỏi tầm kiểm soát của đối tượng đang theo dõi mình rồi mượn xe chạy thẳng đến khu vực mà những kẻ lạ mặt đang khai thác, không quên báo với lực lượng chức năng nên chúng trở tay không kịp. Trong khi cả bọn bị công an bắt thì anh chàng “mật thám” vẫn ung dung ngồi hút thuốc ven đường, mắt cứ dán vào chiếc xe máy mà anh Trọng thường đi. Biết được vai trò của anh nên không ít lần lâm tặc tìm mọi cách mua chuộc nhưng anh Trọng vẫn kiên quyết từ chối. Mua chuộc không được, bọn chúng chuyển sang thách thức, đe dọa, anh vẫn trước sau như một. Rú Lịnh có những cây đa rừng lá đỏ rất đẹp, loại cây cảnh này đang được thị trường ưa chuộng. Không ít kẻ giấu mặt đặt mua anh Trọng từ 10 - 20 triệu đồng/cây nếu anh chịu hợp tác để bọn chúng khai thác. Anh không đồng ý, chúng liều lĩnh thuê hơn 10 nhân công vào rừng đào nhưng do cảnh giác từ trước nên anh tuần tra, canh gác cẩn thận khiến bọn chúng phải bỏ cuộc. Rú Lịnh còn có rất nhiều cây trầm gió lẫn trầm hương, nhiều loài chim rất đẹp nên có nhiều người tìm đến đây để khai thác, săn bắn. Rất nhiều lần anh Trọng phát hiện và kịp thời báo cho cơ quan chức năng xử lý. Anh quan niệm rằng: “Tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được tất cả, nhất là đối với tư cách của một người đảng viên như anh”. Ngày ngày, anh Trọng vẫn cần mẫn làm tốt công việc của mình, vào tận sâu trong rừng, kịp thời phát hiện những dấu hiệu khả nghi để có biện pháp ngăn chặn. Ban đêm, với một cây đèn pin, đôi dép cao su, ba lô đựng bi đông nước, màn, võng (được chuẩn bị sẵn sàng phòng khi ngủ lại rừng), anh lại lên đường. Sau một ngày tuần tra, anh có thói quen ghi chép lại số lâm sản trong rừng mới bị xâm hại hay có dấu hiệu nghi ngờ để kịp thời báo cáo lên cấp trên. Trước sự quyết tâm của anh, những kẻ phá rừng không còn liều lĩnh như trước. Rú Lịnh đang dần lấy lại màu xanh nguyên thủy xa xưa... Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN