Hành trình xoa dịu nỗi đau da cam
(QT) - Cảm thông với những bất hạnh của các nạn nhân cũng như mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Trị đã nỗ lực hoạt động để thực hiện sứ mệnh là tổ chức đỡ đầu cho những người không may mang trong mình nỗi đau da cam. Nơi bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Trở về sau chiến tranh với một phần thân thể gửi lại nơi chiến trường nhưng ông Nguyễn Sĩ Bốn, thương binh hạng 1/4, hiện ở tại khu phố 9, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà vẫn xem đó là một sự may mắn bởi bao nhiêu đồng chí, đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại giữa núi rừng. Nhưng khi nỗi đau chiến tranh hiển hiện trong cơ thể 3 người con của ông - những đứa trẻ sinh ra trong thời bình- thì cuộc sống của ông gần như chìm trong nước mắt. Chiến tranh không chỉ lấy đi một phần cơ thể ông mà còn nhiễm vào ông chất dioxin độc hại. Trong ba người con của ông, người nặng nhất là Nguyễn Sĩ Hoà bị mù cả hai mắt. Hai người con còn lại dù hình dạng lành lặn nhưng thường xuyên đau ốm. Nhìn những đứa con tội nghiệp ngày càng yếu đi vì thứ chất hoá học độc hại người cha người mẹ nào không cảm thấy xót xa.
 |
Phóng viên báo ảnh người Mỹ Justin Maxson thăm cháu Đoàn Triệu Sơn bại liệt toàn thân ở phường 2, thành phố Đông Hà. |
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 8.208 hộ gia đình nhiễm hoặc phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin với khoảng 15.485 đối tượng là nạn nhân và hiện có 13.023 người còn sống. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin có nhiều hoàn cảnh nhưng cùng chung một nỗi đau. Nỗi đau ấy không chỉ đè nặng lên cuộc sống bản thân và gia đình họ mà còn là niềm trăn trở của toàn xã hội. Để góp phần xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân và gia đình của họ, ngày 9/5/2006, được sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tỉnh Quảng Trị thành lập, chung tay cùng các cơ quan, đơn vị, những nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước giải quyết các vấn đề liên quan đến chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và những hậu quả về con người. Ngay từ ngày đầu thành lập, nhận thức rõ vai trò đi đầu của mình trong vấn đề bảo trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội đã tiến hành những hoạt động cụ thể như việc công khai tổ chức và thực hiện các chương trình hành động. Trong thời điểm đó, việc tuyên truyền về vai trò, chức năng của hội là nhiệm vụ rất quan trọng, vì vậy được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Hội đã nhanh chóng triển khai đại hội ra mắt ban điều hành vào ngày 22/12/2006. Đại hội đã công khai những tiêu chí hoạt động của hội cũng như phát động thành lập tổ chức hội cấp cơ sở để làm cầu nối cho sự liên hệ giữa Tỉnh hội với các nạn nhân, đặc biệt là các nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thiếu thông tin. Đến nay, toàn tỉnh có 8/10 huyện, thị xã, thành phố có tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (còn thiếu huyện Đakrông và huyện đảo Cồn Cỏ). Riêng ở xã Thuận, huyện Hướng Hoá đã thành lập tổ chức hội, đây là xã đầu tiên trong tỉnh có tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Sự hoàn thiện dần về mặt tổ chức hội từ tỉnh đến các cấp cơ sở đã góp phần giúp các nạn nhân được tiếp cận gần hơn những ưu đãi của xã hội và giúp họ có thể giải bày những khó khăn, những ước mơ trong đời sống. Xoa dịu những nỗi đau
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị được thành lập vào ngày 9/5/2006. Ngày đầu thành lập mới có 600 hội viên, 17 ủy viên Ban chấp hành, Ban thường vụ có 5 đồng chí, Ban kiểm tra có 3 đồng chí. Trong những năm qua, tổ chức hoạt động và quản lý hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đã có 8/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập hội với 2.400 hội viên, 21 xã có quyết định thành lập hội, trong đó có 4 xã đã tổ chức đại hội. Phấn đấu đến hết năm 2011 có 30% xã, phường, thị trấn thành lập hội (47 xã, phường, thị trấn) với 3.000 hội viên. Là một tổ chức xã hội có tính đặc thù, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và hỗ trợ kinh phí hoạt động, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam/dioxin, kể từ ngày thành lập đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Trị đã vận động giúp đỡ chăm sóc nạn nhân bằng nhiều hình thức như: làm nhà 12 cái; tạo việc làm; khám điều trị phẫu thuật bệnh miễn phí; hỗ trợ đời sống; trợ cấp học bổng, tặng sổ tiết kiệm, gần 4.000 suất quà với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng... LÊ KIM THƠ |
Hơn 5 năm kể từ ngày thành lập, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Trị đã không ngừng hoạt động để tạo ra những cơ hội giúp đỡ các nạn nhân. Từ đó đến nay, Hội đã vận động quyên góp quỹ nạn nhân được khoảng 1,7 tỷ đồng, hỗ trợ được hơn 3.000 lượt nạn nhân; tặng 127 sổ tiết kiệm trị giá từ 1 đến 2 triệu đồng/sổ; khám chữa bệnh miễn phí cho 680 nạn nhân; thăm hỏi, tặng quà nạn nhân nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 10/8 và nhân các dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, hội còn tiếp tục triển khai xây dựng dự án phục hồi chức năng bán trú tại thành phố Đông Hà do tổ chức RENEW tài trợ và dự án đào tạo nghề cho các nạn nhân do tổ chức JOHAN tài trợ. Dự án phục hồi chức năng và đào tạo nghề cho nạn nhân của hội được các cấp chính quyền địa phương cũng như các tổ chức xã hội trong và ngoài nước quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ. Một trong những nỗ lực lớn của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Quảng Trị thời gian qua chính là việc giúp các nạn nhân tiếp cận với các hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt là các dự án chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Thời gian qua, Hội đã giúp nhiều nạn nhân được điều trị tại các bệnh viện lớn trong nước và nhiều trường hợp có sự tham gia của các chuyên gia y tế nước ngoài. Đặc biệt có một số trường hợp như nạn nhân Nguyễn Văn Thanh ở An Xá, Trung Sơn, Gio Linh bị khối u lớn làm biến dạng khuôn mặt đã được phẫu thuật và điều trị miễn phí tại Bệnh viện 103 với chi phí lên đến 280 triệu đồng. Nạn nhân Đỗ Thị Duyên ở khu phố 7, phường 2, thị xã Quảng Trị bị dị tật hai đầu đã được phẫu thuật với sự tham gia của các chuyên gia y tế nước ngoài. Thời gian gần đây, Hội còn có một hướng đi mới là tìm kiếm các học bổng nhân ái để giúp đỡ nhiều nạn nhân có điều kiện học hành. Trung tuần tháng 2/2011, quỹ học bổng “Hạt giống hy vọng” của bà Masakô Sakata - người Mỹ gốc Nhật là vợ một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và đã chết vì nhiễm chất độc da cam/dioxin đã tài trợ 11 suất học bổng cho các học sinh là nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Quảng Trị, mỗi suất trị giá 500 đồng/tháng trong vòng 3 năm. Đây là phần hỗ trợ rất có ý nghĩa giúp các nạn nhân có điều kiện đến trường. Hiện tại hội đang tiếp tục làm hồ sơ cho nhiều nạn nhân đang là học sinh khác. Bên cạnh những nỗ lực để giúp cải thiện cuộc sống và sức khoẻ cho nạn nhân, Hội còn tích cực tham gia góp tiếng nói và nguyện vọng vào vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ vì đã sử dụng chất độc hoá học trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, cùng với các hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên cả nước, Tỉnh hội Quảng Trị vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh, đặc biệt là những hình thức đấu tranh ngoài toà án như tham gia các cuộc mít - tinh, hội nghị, tổ chức các buổi tuyên truyền về vụ kiện với sự tham gia của nạn nhân và nhân dân để đưa thông điệp của vụ kiện đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Ông Lê Kim Thơ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã, đang và sẽ làm hết sức mình vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi với tư cách là tổ chức đại diện cho tiếng nói của nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị cũng sẽ nỗ lực vì điều đó. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nghĩa cử cao đẹp của xã hội dành cho các nạn nhân bởi họ là những đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi. Sự quan tâm, chia sẻ của những người xung quanh sẽ phần nào xoa dịu những nỗi đau họ phải gánh chịu và là niềm động viên lớn giúp họ hoà nhập cộng đồng”. Bài, ảnh: NGUYỄN LỆ XUÂN