A Đăng khởi sắc nhờ cây thơm
(QT) - Từ bao đời nay, người dân thôn A Đăng, xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) luôn cần mẫn, lam lũ với nương rẫy nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám lấy họ. Thế nhưng những năm trở lại đây, cây thơm đã góp phần cải thiện đời sống của người dân A Đăng. Theo chân anh Đào Mộng Lâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Tà Rụt, chúng tôi vào A Đăng để thăm xứ sở của “cây thoát nghèo”. Trời dần trưa nhưng nhiều ngôi nhà vẫn khóa trái cửa. “Muốn gặp những người dân ở đây thì các anh phải lên đỉnh núi kia mới mong gặp được. Thơm năm nay được mùa nên nhà nào cũng vào rẫy thu hoạch để bán cho kịp vụ”, anh Hồ Văn Lương, Trưởng thôn A Đăng cho biết. Toàn thôn A Đăng có 174 hộ dân, 787 nhân khẩu nhưng hầu như nhà nào cũng trồng thơm nhờ xã có diện tích đất ba zan rất lớn. “Cây thơm sau khi trồng phát triển tự nhiên trên nương rẫy mà không cần phân bón, chẳng tốn công chăm sóc gì nhiều nên nhà nào cũng trồng trên 1 ha. Mỗi năm cây thơm thu hoạch 2 vụ, mỗi hộ dân thu được 20 đến 30 triệu đồng”, chị Hồ Thị Mên cho biết.
 |
Cây thơm mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người dân A Đăng |
Bấy lâu nay, đất nương rẫy ở A Đăng bạt ngàn nên người dân chỉ phát quang để trồng chuối, sắn hay cà phê mà không tính đến trồng xen canh gối vụ các cây trồng khác để tận dụng quỹ đất. Nhận thấy cây thơm dễ trồng, ít công chăm sóc, tán lại hẹp và thấp nên không ảnh hưởng đến các cây trồng khác, người dân bắt đầu nghĩ đến việc trồng xen canh cây thơm để có thêm thu nhập. “Lúc đầu gia đình mình chỉ trồng 1.000 gốc thơm thí điểm nhưng sau vài vụ thấy cây trồng này thích nghi tốt và phát triển nhanh nên đã trồng thêm 1 ha xen giữa diện tích chuối và cà phê. Mỗi năm không tốn chi phí gì nhiều nên cũng lãi được gần 30 triệu đồng”, chị Hồ Thị Khưm chia sẻ. Từ những vụ mùa bội thu và lợi nhuận mà cây thơm mang lại, người dân A Đăng đã mạnh dạn tập trung phát triển cây thơm. Thôn A Đăng có diện tích thơm lớn nhất và chất lượng cao nhất xã Tà Rụt. Thơm ở đây quả to đều, cóvị ngọt dịu nên được thị trường ưa chuộng. Vì thế cứ đến mùa là thương lái lại đến đây để thu mua thơm của bà con. Theo ông Đào Mộng Lâm, thơm là cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít xảy ra sâu bệnh, đầu tư vốn ít, lãi cao, trồng một lần nhưng cho thu hoạch quả từ 10 đến 15 năm sau. Hơn nữa hiện người trồng thơm nơi đây có “bí quyết” để cho thơm ra quả trái vụ, thu hoạch liên tục quanh năm. Thơm trái vụ tuy sản lượng ít hơn nhưng vào dịp cận tết cổ truyền nên bán được giá hơn. “Dịp cận Tết cổ truyền nhà nào cũng thu được 15 đến 20 triệu đồng/ha. Thơm trái vụ bán giá cao gấp đôi thơm chính vụ nên tết năm nào người dân ở đây cũng sung túc lắm”, anh Hồ Văn Nga chia sẻ. Bắt tay vào trồng thơm quy mô chưa đầy 5 năm nay nhưng kinh tế toàn thôn A Đăng đã có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng sau khu vực trung tâm xã. Thôn A Đăng bây giờ đã không còn những ngôi nhà sàn lụp xụp, đơn sơ mà thay vào đó là những ngôi nhà xây kiên cố mái bằng, xen lẫn những mái nhà sàn lợp tôn cách nhiệt. “Nhờ cây thơm mà gia đình tôi từ chỗ chạy ăn từng bữa đã có của ăn của để và xây được nhà cửa khang trang. Cuộc sống của người dân A Đăng bây giờ đã khởi sắc hơn trước nhiều lần”, anh Hồ Văn Phong phấn khởi cho biết. Hiện tại, cây thơm đang vào chính vụ thu hoạch nên trung bình mỗi ngày người dân thôn A Đăng thu được trên 20 tấn nhưng vì cách xa trung tâm nên thường bị tư thương ép giá. Thói quen buôn bán ở đây là người dân chỉ tính quả quy ra tiền nên thường thua thiệt so với bán theo cân. “Thơm ở đây quả to đều có trọng lượng từ 0,7 đến 1,2 kg nhưng bán theo quả, nhỏ thì 2.000 đồng to hơn thì 3.000 đồng nên cứ phân loại ra rồi đếm quả tính tiền”, chị Hồ Thị Xen cho biết. Cây thơm ở Tà Rụt nói chung và ở A Đăng nói riêng đã trở thành hàng hóa thế nhưng đầu ra sản phẩm còn thiếu tính bền vững, dù được mùa bà con cũng bị thương lái ép giá mất 3 đến 5 triệu đồng/ha. Ông Đào Mộng Lâm cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập những tổ dịch vụ chuyên thu mua nông sản của bà con để tránh tình trạng tư thương đến đây ép giá. Tích cực vận động các gia đình thành lập tổ sản xuất để hỗ trợ nhau trong việc thu hoạch và bán sản phẩm. Đồng thời tiếp tục tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho bà con nhằm nâng cao sản lượng lẫn chất lượng trong các vụ tiếp theo”. Người dân A Đăng đã thoát nghèo nhờ cây thơm nhưng nếu sản phẩm được bao tiêu đầu ra thì người dân sẽ vươn lên làm giàu… Bài, ảnh: NHƠN BỐN