Cần quan tâm giải quyết việc làm cho lao động vùng ven biển (Bài 2)
Bài 2: Tăng cường thông tin về xuất khẩu lao động cho người dân (QT) - Thời gian qua, đã có nhiều lao động vùng ven biển các xã Gio Hải, Trung Giang, Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm. Việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra, có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản và đặc biệt là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tình trạng này còn đặt ra cho chính quyền địa phương, các ngành chức năng liên quan những thách thức trong việc giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài, nhằm sớm chấm dứt hành động vi phạm pháp luật này. >>> Cần quan tâm giải quyết việc làm cho lao động vùng ven biển (Bài 1) Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và xã hội huyện Gio Linh thống kê: “Gio Linh hiện nay có số dân là 73.363 người, trong đó có 41.195 người trong độ tuổi lao động, có hơn 1.700 lao động thất nghiệp 100%, trong đó lao động vùng ven biển các xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt, Trung Giang, Gio Hải chiếm hơn 50%. Đặc biệt số lao động thất nghiệp trong 6 tháng nhàn rỗi còn lớn hơn nhiều”.
 |
Nghề làm dưa muối thu hút nhiều lao động vùng biển |
Các xã vùng ven biển như Gio Hải, Trung Giang đều thuộc biển bãi ngang, nơi kế mưu sinh từ bao đời của người dân gặp nhiều khó khăn. Thanh thiếu niên lớn lên, sau tốt nghiệp bậc THCS, THPT, rất ít em có điều kiện học hành tiếp, đa phần đều đi làm ăn xa ở các tỉnh miền Nam. Họ vất vả lao động nhưng mức thu nhập thấp. Không ít người sau hàng chục năm chỉ dành dụm được ít vốn về quê sinh sống. Mặc dù vậy, làn sóng vào Nam để tìm việc vẫn không hề giảm, thậm chí tăng lên qua từng năm. Gia đình ông Hoàng Giỏ, bà Hồ Thị Lan, ở xã Trung Giang có 3 người con sau tốt nghiệp lớp 9 và lớp 12 đều vào miền Nam làm công nhân giày da và may mặc. Ông Giỏ cho biết: “Ở quê đất cát đã dần bị thu hẹp do các công trình, dự án, cây trồng kém năng suất. Làm nghề biển bãi ngang ngày càng khó bởi con cá, con tôm gần bờ ngày càng cạn kiệt. Biết là thương con thân lạ xứ người cũng đành chịu chứ biết sao bây giờ”. Chúng tôi đã gặp Phan Văn Quy, đối tượng môi giới đưa người đi lao động trái phép sang Trung Quốc. Quy cho biết trước đây đi lao động ở Malaysia, làm nghề gia công. Do mức lương ở Malaysia quá thấp nên Quy cùng một số người về nước khi hết thời hạn. Ở quê nhà Quy mở tiệm sửa chữa xe máy nhưng thu nhập cũng chẳng mấy khấm khá hơn, lại phải nuôi hai con ăn học nên kinh tế gia đình ngày càng khó khăn. Thế nên khi nghe tin ở Trung Quốc có mức lương hấp dẫn thì Quy và những người khác tức tốc lên đường mà không hề tính toán. Hay trường hợp ông Nguyễn Văn Ánh, ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cũng vậy. Cuối tháng 3 vừa rồi, ông Ánh cùng một số người dân trong xã đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm theo sự dụ dỗ của một số đối tượng môi giới. Tuy nhiên, ông đã tức tốc trở về quê hương chỉ sau 6 ngày làm việc tại nhà máy. Ông Ánh tâm sự: “Hiện nay hàng chục lao động Việt Nam vẫn ngày đêm làm việc tại các nhà máy ở Trung Quốc mà chẳng có giấy tờ tuỳ thân, chẳng có hợp đồng lao động. Trong lúc đó, cảnh sát nước này truy đuổi, xử lý gắt gao những người nhập cảnh trái phép. Nếu lỡ có chuyện gì nơi đất khách quê người thì ai đứng ra bảo vệ cho mình?”. Phải khẳng định rằng thời gian qua, vấn đề tạo việc làm cho người lao động luôn được huyện Gio Linh thường xuyên chú trọng. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020, tầm nhìn đến 2030, công tác giải quyết việc làm là một khâu quan trọng then chốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trên cơ sở đó, nghị quyết đại hội đảng các cấp đã xác định mục tiêu hàng năm giải quyết việc làm từ 1.100 - 1.200 lao động, đặc biệt nhấn mạnh đến tạo việc làm tại chỗ và việc làm mới bằng nhiều hình thức như chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành nghề, tăng cường công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ). Trong năm 2013 đã giải quyết việc mới cho 1.442 lao động, đạt 142% kế hoạch (trong đó việc làm mới trong tỉnh 685 người; việc làm ngoài tỉnh 625 người và XKLĐ 132 người). Ngoài ra tổ chức mở 25 lớp dạy nghề (19 lớp nghề nông nghiệp, 6 lớp nghề phi nông nghiệp) với 783 lao động nông thôn tham gia học. Hoạt động dạy nghề trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng lao động nông thôn (nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36,5% năm 2012 nâng lên 43,7% năm 2013, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 31,5% năm 2012 nâng lên 34,5% năm 2013). Ông Trần Ngọc Lân, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: "Thời gian qua UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác XKLĐ. Thông báo công khai về thị trường, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện làm việc, sinh hoạt, quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và các khoản phí liên quan. Tăng cường phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội khác trong công tác tư vấn chọn nghề và thị trường XKLĐ để người dân có cơ hội lựa chọn. Do đó, số lao động tham gia XKLĐ ngày càng nhiều. Năm 2013, Trung tâm GTVL tỉnh làm thủ tục cho 41 lao động đi XKLĐ sang các nước Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Lào. Bên cạnh đó, UBND huyện chú trọng tạo việc làm tại chỗ cho người lao động bằng hình thức chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành nghề. Tuy nhiên vẫn khó khăn do tình trạng lao động Việt Nam làm việc tại một số nước bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp khi hết hợp đồng lao động ngày càng nhiều. Ví dụ như số lao động huyện Gio Linh đi Hàn Quốc hết hạn hợp đồng chưa về nước trong 6 tháng cuối năm 2013 là 14 người. Vì vậy thị trường XKLĐ Hàn Quốc bị đóng băng trong một thời gian khá dài nên 81 lao động đã đạt kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn ngày 17-18/12/2011 và tháng 5/2012 không thể xuất cảnh, không tìm kiếm được việc làm trong thời gian dài. Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Quán Ngang thu hút lao động chưa được nhiều. Một số dự án như Khu làng nghề Đông Gio Linh, khu khách sạn nghỉ dưỡng Ngân hàng Công thương Việt Nam tại khu dịch vụ du lịch tổng hợp chưa đi vào hoạt động để thu hút lao động”. Bài, ảnh: MINH TUẤN