> Những người tiên phong vì dân bản. Bài 1: Không chỉ làm giàu cho riêng mình
(QT) - “Cuộc sống của vợ chồng tôi bây giờ còn vất vả bởi phải làm quần quật kiếm tiền trả khoản nợ vay của ngân hàng để đầu tư cho việc kinh doanh. Mặc dù vậy, khi dân bản Pa Lu cũng như các bản lân cận xây dựng nhà cửa mà thiếu vật liệu xây dựng tìm đến cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng của vợ chồng tôi đều được tôi cho nợ đến vụ thu hoạch sắn thì trả…Có thêm nhiều căn nhà mới to đẹp mọc lên, đồng nghĩa với đời sống bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ngày càng thêm no ấm.
![]() |
Anh Hồ Văn Đào chuẩn bị vào rẫy chở sắn cho người dân bản Pa Lu |
Bây giờ, nếu có điều kiện làm được việc gì có ích cho dân bản dù là nhỏ nhất, tôi cũng gắng sức làm”, anh Hồ Văn Đào, Phó Bí thư chi bộ thôn Pa Lu (xã A Túc, huyện Hướng Hóa) cho biết. Trong căn nhà khang trang nằm sát tuyến đường Lìa, anh Đào kể cho tôi nghe về giai đoạn khó khăn, vất vả mà vợ chồng anh trải qua cũng như những dự định, công việc cần làm trong thời gian sắp tới. Anh Đào cho biết, vợ chồng anh lấy nhau năm 2007 với hai bàn tay trắng.
Mãi đến năm 2011, với số tiền tích cóp được và vay mượn thêm của người thân, anh mua chiếc xe tải trị giá 385 triệu đồng để chở sắn, chuối phục vụ người dân trong vùng. Chính những ngày rong ruổi chở hàng hóa, nông sản, anh thấu hiểu được những khó khăn, vất vả mà người dân gặp phải khi thu hoạch củ sắn, buồng chuối do nương rẫy thường cách xa tuyến đường Lìa. Khi thu hoạch, cách duy nhất là gùi cõng hoặc dùng xe máy vận chuyển từ nương rẫy ra đường Lìa rồi mới gọi xe tải đến chở nông sản đi bán cho Nhà máy tinh bột sắn hoặc tư thương.
Với những trường hợp như vậy, anh cố gắng lái xe luồn lách dọc theo những đoạn đường khó khăn tìm đến gần nương rẫy để chở nông sản cho người dân. Với cách phục vụ nhiệt tình nên đến vụ thu hoạch nông sản, dân bản Pa Lu và nhiều bản lân cận khác đều gọi anh chở giúp. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản cũng như xây dựng nhà cửa của người dân trên địa bàn, từ năm 2013 đến nay, anh vay vốn ngân hàng để mua thêm 2 chiếc xe tải với số tiền gần 500 triệu đồng; đầu tư 230 triệu đồng để mua máy đúc bờ lô, máy xúc… và lập cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng.
“Cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng của tôi dù chưa phải là lớn nhưng cũng tạo được việc làm ổn định cho 5 lao động với mức tiền công 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Còn người dân bản Pa Lu cũng như các bản khác khi xây nhà nếu thiếu tiền tôi sẽ bán nợ đến vụ thu hoạch sắn, chuối trả chậm cũng được. Bây giờ, gia đình tôi đang vay vốn ngân hàng nên phải dồn sức để trả lãi. Chứ sau này trả xong nợ ngân hàng, có điều kiện mở rộng cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, tôi sẽ có điều kiện giúp đỡ dân bản nhiều hơn”, anh Đào cho biết thêm.
Không có điều kiện như anh Đào, nhưng khi người dân bản 2 (xã Thuận) cần đất để xây dựng trường mầm non, anh Hồ Văn Vai, Bí thư chi bộ thôn đã không ngần ngại hiến 300 m2 đất cạnh tuyến đường Lìa, cho dù mảnh đất ấy nếu bán ít nhất cũng có giá vài chục triệu đồng. Anh Vai cho biết: “Việc hiến đất để xây dựng trường học, trạm y tế ở vùng Lìa cũng như nhiều nơi khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa có nhiều người làm với diện tích đất được hiến tặng khá lớn. Riêng với gia đình tôi, đất rẫy thì nhiều chứ đất ở rất ít.
Nhưng rồi, nhiều hôm trời rét như cắt da, cắt thịt, thấy các cháu học sinh mầm non của bản 2 phải lội bộ một quãng đường xa để đến các bản khác học, tôi thương lắm. Khi huyện Hướng Hóa đầu tư kinh phí để xây dựng điểm trường mầm non ở bản 2 nhưng không có đất để xây dựng điểm trường, tôi bàn với vợ hiến phần đất ít ỏi của gia đình để bản 2 xây dựng điểm trường cho các cháu đi học đỡ vất vả. Đáng mừng là vợ tôi cũng đồng ý hiến 300 m2 đất để xây dựng điểm trường”, anh Vai nhớ lại. Không chỉ hiến đất xây dựng trường mầm non, anh Vai luôn tiên phong trong việc áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Nhiều năm qua, với diện tích 1 ha trồng sắn, 1 ha trồng chuối luôn mang lại thu nhập từ 60 -70 triệu đồng/năm cho gia đình anh. Từ kinh nghiệm áp dụng khoa học- kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, anh luôn tìm cách truyền đạt lại cho dân bản để họ vươn lên, vượt qua nghèo khó từ nương rẫy của gia đình mình. Với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thì nói phải đi đôi với làm, người dân mới tin, mới làm theo. Thực tế, những già làng, trưởng bản, bí thư, phó bí thư chi bộ thôn như Hồ A Kiêm, Hồ Văn Đào, Hồ Văn Vai…với những việc làm cụ thể liên quan mật thiết đến đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã góp phần làm khởi sắc ở nhiều bản làng trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Hoàng Tiến Sỹ