Những hoạt động nổi bật từ cơ sở
(QT) - NGUYỄN THỊ HOÀI LÊ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị: TÍCH CỰC RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC “TỰ TIN, TỰ TRỌNG, TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG” Những năm qua, cùng với sự phát triển của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Quảng Trị nói chung, nữ CNVCLĐ nói riêng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay toàn tỉnh Quảng Trị có 19.244 nữ CNVCLĐ, chiếm 49% lực lượng CNVCLĐ, trong đó, tỷ lệ nữ khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 86,4%, khu vực sản xuất kinh doanh 13,6%; ở một số ngành nghề, lao động nữ chiếm tỷ lệ cao như: Giáo dục, Y tế, Ngân hàng và doanh nghiệp may mặc. Chất lượng đội ngũ nữ CNVCLĐ ngày càng được nâng lên, nhất là đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị HCSN và nữ lãnh đạo quản lý ở các doanh nghiệp. Số nữ CNVCLĐ ở các đơn vị HCSN có trình độ trên đại học, đại học và cao đẳng chiếm trên 60%, trình độ trung cấp chính trị trở lên chiếm trên 40%. So với nhiệm kỳ trước, chất lượng của lao động nữ được nâng lên nhiều mặt: Tuổi đời trẻ hơn, số cán bộ, công chức, viên chức được qua trường lớp đào tạo không ngừng tăng cao; năng động sáng tạo, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường; có phẩm chất đạo đức; có trình độ năng lực. Việc làm, thu nhập và đời sống của nữ CNVCLĐ đã từng bước được cải thiện, thu nhập tương đối ổn định. Nữ CNVCLĐ Quảng Trị luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục khó khăn, yên tâm lao động, công tác để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội, từ thiện.
 |
Đồng chí Đỗ Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao tiền mua bò giống hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng biển - Ảnh: THU HÒA |
Với quan điểm công tác vận động nữ CNVCLĐ không thể tách rời các mặt công tác của công đoàn và phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, TƯ Hội LHPN Việt Nam, sự phối hợp hoạt động giữa hai Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh thông qua Ban nữ công tổ chức triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức trong nữ CNVCLĐ là một trong những nội dung trọng tâm. Quá trình tuyên truyền tập trung để nữ CNVCLĐ hiểu rõ rèn luyện những phẩm chất phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang chính là đang góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Để đưa nội dung Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (đề án 343) vào hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương. Riêng LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tập huấn tuyên truyền nội dung 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” cho trên 1.000 lượt cán bộ công đoàn, cán bộ nữ công ở các LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành, CĐCS trực thuộc tỉnh và đơn vị trung ương đóng trên địa bàn. Đi sâu phân tích các phẩm chất đạo đức, sự cần thiết của những phẩm chất ấy đối với nữ CNVCLĐ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và tự chọn hình thức, biện pháp trong rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức để giúp nữ CNVCLĐ ngày càng hoàn thiện bản thân. Theo đó, đề án 343 được lồng ghép tuyên truyền vào các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6... bằng nhiều hình thức như: Tập huấn, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hội thi “Cán bộ nữ công giỏi “, hội nghị biểu dương “Gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu ”; hội nghị “Gặp mặt nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu”; diễn đàn bình đẳng giới, diễn đàn dân số, một số chế độ chính sách dành cho lao động nữ; triển khai trong các cấp công đoàn cuộc thi viết về “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”... Kết quả đã có trên 95% nữ CBCCVC lao động toàn tỉnh được tiếp cận với các nội dung về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Quá trình triển khai, người lao động ý thức rõ trong thời đại mới, người phụ nữ tự tin vào bản thân, dám nghĩ, dám làm, luôn sống có trách nhiệm, có hoài bão, đam mê, phấn đấu không ngừng để hoàn thiện bản thân; biết sắp xếp hài hòa việc gia đình với việc xã hội; bố trí thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, giàu lòng nhân ái, thuỷ chung, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông với những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, tương thân, tương ái. Việc tuyên truyền 4 phẩm chất của phụ nữ trong thời kỳ CNH,HĐH đất nước còn được gắn kết với phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Đội ngũ cán bộ nữ ở các cấp, các ngành thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, uy tín, nhiều chị giữ cương vị cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền, Hội đồng nhân dân, UBMT và đoàn thể ở các cấp, nhiều chị giữ cương vị cấp trưởng, phó sở, các ban, ngành cấp tỉnh, các chị đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình lãnh đạo, điều hành ở các đơn vị và các địa phương. Nhiều chị đã được tín nhiệm đề bạt, bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nữ CNLĐ đã không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, rèn luyện tác phong công nghiệp, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thường xuyên nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng đẹp, đáp ứng với nhu cầu thị trường và thị hiếu khách hàng; xây dựng phong cách giao tiếp với khách hàng văn minh lịch sự, nhiệt tình, chu đáo, bảo đảm chất lượng, nhanh chóng, chính xác, an toàn ... Trong nhiệm kỳ qua, có hàng chục ngàn lượt chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp; 15 tập thể, 43 cá nhân được Tổng LĐLĐVN, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; 19 nữ giáo viên được Nhà nước công nhận là “Nhà giáo ưu tú”; 7 nữ thầy thuốc được phong tặng “Thầy thuốc ưu tú”; 1 nữ nghệ sĩ đạt danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”; 1 chị được vinh dự nhận “Giải thưởng phụ nữ Việt Nam” và nhiều tập thể, cá nhân khác được Tỉnh ủy, Tổng LĐLĐVN, TƯ Hội LHPN Việt Nam biểu dương, khen thưởng...Những thành tích trên chính là kết quả của việc rèn luyện 4 phẩm chất tốt đẹp của nữ CNVCLĐ trong tình hình mới. NGUYỄN THỊ THU, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh: ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG, XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI VỮNG MẠNH Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, Hội LHPN huyện, vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của cán bộ, hội viên phụ nữ là một trong những nội dung được hội quan tâm chỉ đạo để thu hút tập hợp hội viên, bởi lẽ tổ chức hội mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng hội viên trong hệ thống tổ chức hội. Đã có những giải pháp trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, vận động cán bộ hội viên phụ nữ thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới quê hương . Hội LHPN huyện đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới, đồng thời chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ...Nhiều phong trào thi đua yêu nước được tổ chức triển khai như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Trên mặt trận sản xuất, kinh doanh, nhiều chị em đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ KHKT để mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ hội viên phụ nữ toàn huyện đã phát động xây dựng hàng trăm công trình, phần việc và đã thực hiện có hiệu quả phong trào tiết kiệm theo gương Bác Hồ để “Xây dựng bê tông hóa giao thông nông thôn”, “Thắp sáng đường quê”, “Hiến đất hiến cây”, “Mua thẻ bảo hiểm cho hội viên phụ nữ khó khăn”, xây dựng “Mái ấm tình thương”, đoạn đường “Phụ nữ tự quản”, “Ngày chủ nhật xanh”....Trong chỉ đạo các hoạt động hội đã căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở để lựa chọn vấn đề ưu tiên thực hiện; quan tâm thành lập mô hình tập hợp thu hút hội viên theo lứa tuổi; phụ nữ đi làm ăn xa, phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên, thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ với môi trường”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Chi hội phụ nữ không có trẻ suy dinh dưỡng”, “Đọc sách cho trẻ”.... chú trọng các mô hình: “CLB giúp nhau phát triển kinh tế”, “xóa nghèo bền vững”, xây dựng tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ ngày càng sâu rộng với phương châm hướng về cơ sở. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, hội triển khai với nhiều nội dung hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu, sự quan tâm của hội viên, phụ nữ. Nét nổi bật là việc lựa chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục sát với nhiệm vụ chính trị của địa phương và tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ, chính sách an sinh xã hội, kỹ năng sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản…gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với các hoạt động thiết thực. Điển hình là việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thông qua việc “làm theo” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hưởng ứng phong trào thi đua lập ngân hàng bò giống giúp cho hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững đã quyên góp đợt 1 trao 9 con bò giống cho 9 phụ nữ nghèo trị giá 135 triệu đồng, trao 323 suất quà cho phụ nữ 4 xã vùng biển bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường gồm 5 tấn gạo và tiền mặt trị giá 80,5 triệu đồng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần thứ XVII đề ra, 1 trong 3 chương trình công tác trọng tâm đó là: “Giảm nghèo bền vững cho 11 bản nghèo vùng miền Tây của huyện”, hội đã tổ chức cho 8 cụm phụ nữ miền xuôi ký cam kết đỡ đầu 8 bản nghèo xã Vĩnh Ô, hướng dẫn tổ chức sinh hoạt cho các chi hội vùng bản; hỗ trợ lợn giống, thức ăn, tặng quà cho gia đình chính sách, phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hội chợ quê hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo hàng năm… Huy động tốt mọi nguồn lực để tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên phụ nữ; tỷ lệ phát triển hội viên đạt 78%. Làm tốt công tác tham mưu, giới thiệu cán bộ nữ, cán bộ hội tham gia cấp ủy, HĐND các cấp. Vai trò đại diện của hội được thể hiện rõ nét qua việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ đều đạt và vượt. Với những thành tích đã đạt được, nhiệm kỳ qua Hội Phụ nữ huyện Vĩnh Linh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều bằng khen của TƯ Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Trị. NGÔ THỊ THANH, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng: QUAN TÂM HỖ TRỢ PHỤ NỮ KHỞI SỰ VÀ KHỞI NGHIỆP KINH DOANH 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của cả nước, cả tỉnh và khó khăn riêng của một huyện thuần nông, nhưng hội viên phụ nữ Hải Lăng đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nỗ lực giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. Trong đó, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ khởi sự và phát triển kinh doanh được các cấp Hội Phụ nữ chú trọng, bước đầu có những chuyển biến tích cực. Bằng việc tập trung chỉ đạo tổng hợp nguồn lực, kết nối giữa hoạt động dạy nghề, tư vấn nghề với việc hỗ trợ, vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể theo quy hoạch phát triển của địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường, qua đó tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của nhóm phụ nữ nghèo, quy mô sản xuất nhỏ. Các cấp hội đã tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại 20 xã, thị trấn về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, thành lập các HTX, tổ hợp tác, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thành lập CLB doanh nhân nữ. Từ đó giúp chị em xác định vai trò của mình đối với gia đình, xã hội trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương phát triển toàn diện, bền vững. Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với phong trào “Phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi”, “Phụ nữ Hải Lăng chung sức xây dựng nông thôn mới”... Hàng năm, chú trọng việc tôn vinh, biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế giỏi. Toàn huyện đã xây dựng được 241 mô hình phát triển kinh tế điển hình trên các lĩnh vực kết hợp với các ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ; chung sức xây dựng và tạo nên thương hiệu của sản phẩm địa phương. Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” (đề án 295), đã thành lập 2 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác, bước đầu khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún; có khả năng thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, phù hợp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tập thể. Không chỉ thực hiện hiệu quả đề án 295, các cấp hội đã phối hợp với các ngành chức năng trực tiếp đào tạo nghề, liên kết đào tạo và cung ứng, giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn theo đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn” (đề án 1956). Đến nay, các cấp hội đã phối hợp mở 55 lớp đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho 2.370 chị, giới thiệu, tạo việc làm cho 1.447 chị. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện được định hướng nghề nghiệp, khởi sự, kinh doanh của mình, các cấp đã hỗ trợ phụ nữ vay vốn từ các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình tài chính vi mô, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để phát triển sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp. Đến nay, hội tín chấp từ nguồn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với số vốn 157,8 tỷ đồng, hỗ trợ nguồn vốn cho 5.916 hộ phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội cũng đặc biệt khuyến khích các ý tưởng sáng tạo trong phụ nữ, năm 2014 ý tưởng chế biến nước mắm sạch của Tổ hợp tác Mỹ Thủy, Hải An; năm 2015 ý tưởng chế biến ruốc bột sạch của Tổ hợp tác ruốc bột Thâm Khê, Hải Khê đã được chính quyền địa phương, Hội LHPN huyện tổ chức hội thảo, giới thiệu quảng bá, đăng ký mã vạch, nhãn mác sản phẩm. Năm 2013 với sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu miền Trung, đề án khôi phục và phát triển nghề nước mắm truyền thống Mỹ Thủy là một trong 38 sản phẩm tiêu biểu được trưng bày tại triển lãm “Phụ nữ và sáng tạo năm 2013” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đồng thời hỗ trợ tổng kinh phí 61 triệu đồng cho 2 tổ hợp tác để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho 30 lao động địa phương. Ngoài ra, Hội LHPN huyện đã vận động phụ nữ phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm truyền thống như: Bánh ướt Phương Lang, mứt gừng Mỹ Chánh, rượu Kim Long...; nâng cao hiệu quả hoạt động và quy mô, chất lượng các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. PV (lược ghi)