(QT) - Có lẽ những lí luận, thực tiễn về tầm quan trọng của số liệu thống kê trong quản lí, điều hành phát triển KT-XH của đất nước và từng địa phương, đơn vị chắc nhiều người đã biết, nhưng trong thực tế thì không ít cơ quan, đơn vị và cá nhân vì những lí do nào đó mà vi phạm khi dùng số liệu. Những vi phạm này ít người quan tâm, thậm chí xem là “chuyện nhỏ” nhưng để lại hậu quả nặng nề.
Một số đơn vị, ngành, khi có lãnh đạo trung ương về thăm, làm việc thường báo cáo tình hình và số liệu khác với số liệu của ngành Thống kê đã công bố. Thậm chí, có lãnh đạo địa phương cấp huyện là đại biểu HĐND tỉnh trong tay đã có tờ gấp về phát triển KT-XH, trong đó có số liệu về doanh nghiệp và báo cáo KT-XH của HĐND tỉnh nhưng không đọc hoặc không “chịu” sử dụng mà vẫn cứ phát biểu sai lệch về số lượng các doanh nghiệp không biết lấy từ đâu tại kì họp quan trọng của HĐND tỉnh.
Có người cho rằng, đó là sự “vi phạm” Luật Thống kê, có người nói do họ không tin ở số liệu thống kê, có người nói họ biết nhưng cố tình… Dù giải thích thế nào thì cũng không thể biện minh được sự thiếu tôn trọng pháp luật của một số đơn vị, cá nhân trong quy định về công bố số liệu. Cũng có nguyên nhân khách quan là đôi khi có những số liệu thống kê chưa theo kịp nhưng vấn đề đáng nói là sự sử dụng số liệu tùy tiện, không biết sử dụng hoặc thiếu lôgic giữa các chỉ tiêu mà căn nguyên do chạy theo thành tích, không tôn trọng số liệu pháp lí, thực trạng trong lãnh đạo, quản lí.
Nếu việc vi phạm của các tỉnh là hi hữu thì sở, ban, ngành và khối cấp huyện, cấp xã câu chuyện sử dụng số liệu tùy tiện như kiểu thêm “gia vị” trong phát biểu, chỉ đạo, điều hành không phải là chuyện hiếm gặp. Tình trạng, trong cùng một ngành, một cơ quan mà lãnh đạo này kí số liệu nhưng lãnh đạo khác đi họp lại phản đối các số liệu do ngành mình ban hành và tình hình do ngành mình đánh giá cũng không phải là chuyện không xảy ra. Rồi những phát biểu hùng hồn trích dẫn số liệu cứ tưởng là đã khảo sát kĩ, đã điều tra, nắm bắt thông tin rõ ràng nhưng những điều đó đối với người chỉ mới làm quen với các con số, có một ít kiến thức về xác suất thống kê đều biết là phát biểu không đúng, không chính xác. Có những đơn vị xây dựng kế hoạch của ngành đầu năm thế nào thì cuối năm, cuối nhiệm kì chỉ đạo, tổ chức thực hiện “đủ tốt” để đúng bằng 100% kế hoạch, không thừa, không thiếu…
Đôi khi, đọc những số liệu về phát triển KT-XH của địa phương đều tăm tắp, đẹp tăm tắp dễ tạo sự nghi ngờ, không biết đây là số liệu để ngoại giao, để tô đẹp thành tích hay là số liệu để chỉ đạo? Không biết những số liệu này để đem ra báo cáo với cấp trên, để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng vào mục đích khác? Còn đơn vị, địa phương có nguồn số liệu riêng nào để chỉ đạo thực chất hay không? Xảy ra trường hợp như vậy thì điều dễ thấy thành tích đó xét cho cùng chỉ là “bánh vẽ”, có tính nhất thời nhưng lại để lại hậu quả thì không nhỏ về lâu dài là địa phương, đơn vị, ngành không biết thực chất mình đang đứng ở đâu để xây dựng kế hoạch cho sát và có sự chỉ đạo, điều hành cho đúng. Và mọi sự sai lệch, tụt hậu trong phát triển cũng một phần do đó mà ra.
Một vấn đề nữa cũng hay gặp là cách làm theo “định tính” mà thiếu tìm hiểu quy luật và định lượng hay nói nôm na là làm theo kinh nghiệm, theo thói quen… trước làm vậy thì giờ làm vậy, hoặc họ làm được như thế thì bây giờ ta cũng làm như thế mà đâu cần biết “số liệu thấp”, “số liệu cao”, “số liệu đạt kế hoạch” hay “số liệu không đạt kế hoạch”… để xử lí vấn đề cho phù hợp.
Đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, hội nhập sâu về mọi mặt với thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; kinh tế số… Đã qua thời “duy ý chí” mà phải nhận thức, tôn trọng thực tiễn, quy luật của sự phát triển. Trong các báo cáo, đề án, quy hoạch, kế hoạch, trong phát biểu, chỉ đạo, lãnh đạo không còn những nội dung, câu chữ nói suông mà nên có số liệu và số liệu phải được điều tra, khảo sát kĩ, biết rõ không “bóp méo”, sai thực tiễn vì chạy theo căn bệnh thành tích hoặc một nguyên nhân nào khác. Sử dụng số liệu đúng không những là nguyên tắc, là quy định mà còn tránh được các tác hại, hậu quả về sau… Đó còn là học tập, làm theo lời của Bác Hồ đã căn dặn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Nguyễn Quang