Cách đây tròn 50 năm, vào mùa xuân năm 1971, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và trực tiếp là Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã đánh tan cuộc hành quân chiến lược mang tên “Lam Sơn 719” của Mỹ, ngụy, làm nên bản anh hùng ca Đường 9 - Nam Lào vang mãi, tạo ra thế và lực mới đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta từng bước đi đến thắng lợi hoàn toàn. 50 năm đã trôi qua, nhưng âm vang bản anh hùng ca chiến thắng Đường 9-Nam Lào cùng không khí Trường Sơn sục sôi đánh Mỹ vẫn sống động trên từng trang sử và vẹn nguyên trong ký ức của những chiến sĩ trận mạc ngày ấy.
* Anh hùng “Đường 9 - Nam Lào” Khuất Duy Tiến: Quyết định táo bạo tiến công địch
Trong ký ức của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Khuất Duy Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu, Tư lệnh Quân đoàn 3, thì chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là một kỷ niệm trận mạc không bao giờ quên trong đời binh nghiệp của ông. Ở tuổi 90, hiện sống tại 34A Trần Phú, Hà Nội, Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Nhắc đến chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 50 năm về trước, ông sôi nổi hẳn lên, bởi ở đó ông đã có những trận đánh và những tấm gương người lính chiến đấu quả cảm tuyệt vời.
Đầu năm 1971, trên đường hành quân vào chiến trường Nam Bộ thì Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 Khuất Duy Tiến nhận được mệnh lệnh nhiệm vụ mới, khẩn trương chuẩn bị và tổ chức đánh địch đã đổ quân xuống khu vực Bản Đông - Nam Lào, chốt chặn tại đồi Không Tên, án ngữ Đường 16 đi xuống Bản Đông, cách điểm cao 543 mà địch đã chiếm giữ khoảng 3 km. Ngày 13/2/1971, máy bay địch ập đến bắn phá, ném bom và đổ quân vào đội hình Trung đoàn 64 ở khu đồi Không Tên. Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến lệnh cho bộ đội vừa bắn máy bay, vừa xung kích vào các vị trí địch đổ quân. Chính từ điểm cao này đã xuất hiện những gương chiến đấu quả cảm. Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh (sau này được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), mặc dù bị thương máu chảy ướt đẫm cánh tay nhưng vẫn động viên đồng đội chiến đấu kiên cường bảo vệ an toàn cho vị trí chỉ huy và bảo vệ sườn cho các mũi tiến công của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 công kích, tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn 6 của Lữ đoàn dù 3 ngụy. Đến ngày 16/2, đơn vị làm chủ hoàn toàn đồi Không Tên, tạo bàn đạp để tiếp tục tấn công, đánh chiếm điểm cao 543, nơi có sở chỉ huy Lữ đoàn dù 3 ngụy chiếm giữ. Trong cuộc tấn công vào điểm cao 543, sau lần đầu tấn công địch theo hướng Tây Bắc của Bộ Tư lệnh chiến dịch không thành, Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến có quyết định táo bạo thay đổi hướng tiến công địch từ Đông- Đông Nam đánh lên, làm địch bất ngờ. Ngày 25/2/1971, đại đội gồm 4 xe tăng, trong đó có xe tăng 555 nổ máy lao lên quần thảo cả căn cứ, trước sức mạnh hỏa lực và bộ binh ta buộc địch phải đầu hàng, ta bắt giữ được Đại tá lữ trưởng Lữ đoàn dù 3 ngụy Nguyễn Văn Thọ. Từ lời khai của Nguyễn Văn Thọ (khi đã được kiểm tra) là những thông tin quý cho các trận đánh tiếp theo của chiến dịch. Và chiếc xe tăng mang số hiệu 555 của Đại đội 9, Tiểu đoàn 198 phối thuộc cùng bộ binh Trung đoàn 64 đã lập kỳ tích trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, sau này được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội. Nhà nước đã công nhận đây là “bảo vật quốc gia”.
Với những quyết định táo bạo trong tổ chức lực lượng, làm thay đổi cục diện trận đánh, đến năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Khuất Duy Tiến trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 - Anh hùng của “Đường 9- Nam Lào”.
* “Hùm xám Đường 9” Nguyễn Minh Kỳ: Phối hợp chặt chẽ quân và dân để đánh địch
Đi dọc Đường 9 huyền thoại gần 50 năm sau ngày giải phóng, người dân địa phương vẫn kể nhiều về nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ, người có biệt danh là “Hùm xám Đường 9” thoắt ẩn, thoắt hiện đánh địch với 13 danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, trải qua hàng trăm trận đánh tại mảnh đất quê hương. Đầu năm 1971, khi Mỹ - ngụy chuẩn bị chiến dịch Lam Sơn 719, ông Nguyễn Minh Kỳ mới 25 tuổi đã được bầu làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ kiêm Chính trị viên Huyện đội Cam Lộ. Với kinh nghiệm nhiều năm lãnh đạo, tổ chức đánh địch dọc hai bên trục Đường 9, bản thân ông cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Cam Lộ đã phối hợp tốt với các lực lượng bộ đội chủ lực trên Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5) tiến hành nhiều cuộc tiến công tiêu hao sinh lực địch, góp phần làm thất bại mục tiêu cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch hòng phá vỡ hệ thống hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Lào, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Ngôi nhà yên bình ở Phường 5, thành phố Đông Hà của ông thường xuyên là nơi gặp mặt của các cựu chiến binh chiến đấu tại Mặt trận Đường 9. Ông Nguyễn Minh Kỳ kể: Sau chiến dịch tiến công Mậu Thân 1968 của ta trên toàn miền Nam, Mỹ- ngụy tổ chức hành quân phản kích, đánh ra phía Bắc Quảng Trị để tiêu diệt lực lượng quân giải phóng và tổ chức lực lượng dọc trục đường số 9 nhằm ngăn chặn sức người, sức của chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Đến giữa năm 1970, hằng ngày có hàng trăm máy bay của Mỹ thường xuyên đi về dọc Đường 9. Đầu năm 1971, địch bắt đầu chuẩn bị hậu cần, chuyển quân. Sở chỉ huy chiến dịch (Quân đoàn 1 Quân lực Việt Nam Cộng hòa) chuyển từ Đà Nẵng ra Đông Hà. Ở Chi khu Cam Lộ, trinh sát báo về trở thành nơi tập kết kho xăng dầu. Theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận B5, bộ đội địa phương, dân quân du kích và Nhân dân Cam Lộ có nhiệm vụ phối hợp giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho các đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân, chuẩn bị đánh địch.
Đầu tháng 2/1071, cuộc hành quân Lam Sơn 719 bắt đầu. Trên hướng phối hợp phía Đông Đường 9 gồm các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa do Mặt trận B5 chỉ huy, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta từ ngày 1- 7/ 2 đã tiến công chế áp quân địch ở khu vực Tân Lâm, Sa Mưu; tập kích đánh địch ở Đầu Mầu; đánh cắt giao thông từ Bồng Kho đi Rào Quán; bắn đạn pháo vào căn cứ Đông Hà và Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 1 Bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở điểm cao 241… Riêng lực lượng bộ đội địa phương huyện Cam Lộ do Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Kỳ chỉ huy đã luồn sâu bắn đạn pháo phá hủy kho xăng của địch ở Chi khu Cam Lộ, đặt bộc phá đánh sập cầu Khe Van và tập kích địch ở Đầu Mầu làm tiêu hao sinh lực địch. Nhân dân Cam Lộ phối hợp giữ bí mật an toàn cho các lực lượng bộ đội chủ lực đóng quân trên địa bàn đánh địch. Cùng với chiến thắng giòn giã các trận đánh phía Tây Đường 9 do Bộ Tư lệnh Chiến dịch Mặt trận Đường 9- Nam Lào chỉ huy tấn công địch ở khu vực Bản Đông- Nam Lào đã làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy.
Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào của ta cũng chấm dứt quá trình tiến công- phản kích của Mỹ - ngụy đánh ra vùng ngoài, mở ra thế và lực mới để Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 quyết định giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.
* Thương binh Phạm Văn Thẻo: Hạnh phúc được phục vụ bộ đội đánh địch
Ở tuổi 75, thương binh 3/4 Phạm Văn Thẻo, trú tại khu phố Hữu Nghị, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh dù sức khỏe đã yếu, nhưng khi nhắc đến những ngày tham gia chiến dịch Đường 9- Nam Lào không giấu được niềm xúc động, tự hào.
“Năm 1965, khi mới 18 tuổi, tôi viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 270 của đặc khu Vĩnh Linh chi viện chiến trường Gio Cam. Tháng 8/1970, trong một trận tập kích đánh địch ở vùng đồi hồ Khe Mây, Đông Hà thì tôi bị thương. Nhiều người khuyên tôi đã bị thương, sức khỏe yếu thì nên xin ra quân, nhưng tôi đã xin được ở lại chiến đấu cùng với đồng đội”, ông Phạm văn Thẻo nhớ lại. Đến tháng 10/1970, đơn vị Trung đoàn 270 đặc khu Vĩnh Linh của ông được điều động trở thành đơn vị bộ đội chủ lực trực thuộc Bộ Quốc phòng, huấn luyện và đóng quân tại Dương Thủy, Quảng Bình chờ nhận nhiệm vụ mới. Thương binh Phạm Văn Thẻo được cấp trên điều về làm đại đội phó phụ trách công tác hậu cần đơn vị C20 Quân y, thuộc Trung đoàn 270, điều trị cứu thương cho bộ đội. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Trung đoàn 270 đã cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực thuộc Mặt trận Đường 9- Bắc Quảng Trị (B5) tham gia đánh địch phía Đông Đường 9 chế áp, tập kích tiêu hao sinh lực địch, góp phần làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹngụy. Đại đội C20 Quân y của ông bị địch ném bom đánh phá ác liệt, nhiều y, bác sĩ hy sinh, nhưng đơn vị đã vượt qua khó khăn vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ cứu chữa cho thương binh trung đoàn nói riêng và Mặt trận B5 nói chung.
Sau ngày tỉnh Quảng Trị giải phóng, Trung đoàn 270 chỉ giữ lại bộ khung chỉ huy và hành quân tiến vào miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Thẻo được chuyển về công tác trong ngành giáo dục. Với ông, được sống chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở Trường Sơn trong những ngày cả nước sục sôi đánh Mỹ cứu nước là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình.
Thanh Hải