Đakrông chú trọng giảm nghèo nhanh, bền vững
(QT) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra, nhưng 6 tháng đầu năm 2012 huyện Đakrông (Quảng Trị) là địa phương dẫn đầu trong toàn ngành thuế về tỷ lệ thu ngân sách trên địa bàn đạt 78,9% kế hoạch năm với hơn 2,9 tỷ đồng. Điều này cho thấy, với cách điều hành khá linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều chính sách về phát triển kinh tế- xã hội được thực hiện có hiệu quả nên Đakrông từng bước đẩy lùi ...

Đakrông chú trọng giảm nghèo nhanh, bền vững

(QT) - Mặc dù gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên diễn ra, nhưng 6 tháng đầu năm 2012 huyện Đakrông (Quảng Trị) là địa phương dẫn đầu trong toàn ngành thuế về tỷ lệ thu ngân sách trên địa bàn đạt 78,9% kế hoạch năm với hơn 2,9 tỷ đồng. Điều này cho thấy, với cách điều hành khá linh hoạt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều chính sách về phát triển kinh tế- xã hội được thực hiện có hiệu quả nên Đakrông từng bước đẩy lùi đói nghèo, vươn lên ngang bằng với các địa phương khác trong tỉnh. Theo báo cáo UBND huyện, 6 tháng đầu năm 2012, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện là 3.056,4 ha, đạt gần 50% kế hoạch cả năm, trong đó lúa nước 527,8 ha, ngô 925 ha, rau đậu các loại 179 ha, lạc gần 500 ha. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp nên tổng sản lượng cây lương lực có hạt 6 tháng đầu năm được 4.232,2 tấn, đạt 61% kế hoạch cả năm, trong đó năng suất ngô đạt 23,5 tạ/ha, lúa nước 39 tạ/ha, lạc 19 tạ/ha. Số lượng đàn gia súc gia cầm tăng lên đáng kể, trong đó đàn trâu, bò hơn 10.000 con, lợn 7.753 con, dê 3.000 con. Giá trị sản xuất CN- TTCN 6 tháng đạt 6.853 triệu đồng, tăng hơn 1.000 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2011. Hiện toàn huyện có 218 cơ sở sản xuất TTCN trên các lĩnh vực khai thác cát sạn, xay xát các mặt hàng nông sản, giết mổ gia súc, mộc mỹ nghệ, rèn, may mặc…với 273 lao động tham gia có mức thu nhập khá. Thương mại- dịch vụ và du lịch phát triển, trong đó có 29 doanh nghiệp, 609 hộ kinh doanh cá thể, đạt doanh thu cao.

Nước sạch đã về với bản làng - Ảnh: MINH HOÀN

Bên cạnh đó, sau gần 4 năm (2009- 2012) thực hiện Nghị quyết 30a, mặc dù nguồn kinh phí đầu tư cho Đakrông chỉ hơn 161 tỷ đồng nhưng huyện đã triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010- 2020, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thức ăn gia súc, phân bón, hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo vùng biên, xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng ngàn héc ta rừng được giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ… cho các hộ dân. Nhiều mô hình trồng cao su, cây bời lời đỏ được hình thành và nhân rộng. Đẩy mạnh chương trình hỗ trợ làm nhà cho 1.144 hộ nghèo có nhà ở với hơn 25 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 700 lao động, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 13,2%, 108 lao động/năm đi xuất khẩu nước ngoài. Các công trình liên quan đến trường học, trung tâm dạy nghề, trạm y tế, bệnh viên đa khoa, thủy lợi, điện, đường và nhà văn hóa thiếu nhi được đầu tư xây mới. Đặc biệt, công tác cán bộ đối với đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện quan tâm. Huyện đã cử hàng trăm người tham gia học bổ túc văn hóa, trung cấp nghiệp vụ, lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, nhờ huy động tốt nguồn lực bên ngoài đến khai thác nội lực trong phát triển kinh tế- xã hội, đến nay Đakrông không còn hộ đói, hộ nghèo giảm từ 48% năm 2008 (theo chuẩn cũ) xuống còn 47,64% năm 2011 (chuẩn hộ nghèo mới). Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế thì những kết quả đạt được về phát triển kinh tế- xã hội vẫn chưa tương xứng với mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Xác định nguyên nhân vì sao Đakrông thoát nghèo chậm, ngoài yếu tố khách quan thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn nhiều bất cập trong việc thực hiện một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước các cấp. Đó là việc hoàn thành quy hoạch, xây dựng nông thôn mới còn chậm, tiến độ thi công xây dựng và giải ngân nguồn vốn chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng một số công trình còn kéo dài, ảnh hưởng đến công tác đầu tư dự án. Công tác xuất khẩu lao động theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều hạn chế do người lao động chưa được đào tạo nghề, do đó không đáp ứng được yêu cầu công việc như trong hợp đồng đã ký, một số lao động bỏ về nước trước thời hạn, một số tự ý tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn nhưng lại vi phạm quy định của doanh nghiệp tuyển dụng lao động và nước sở tại nên chịu nhiều thiệt thòi. Một bộ phận nhân dân còn trông chờ ỷ lại sự đầu tư, hỗ trợ từ phía nhà nước. Tình trạng khai thác trái phép tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm còn xảy ra và diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông, các vụ phạm pháp hình sự có xu hướng tăng cao ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn… Trước thực trạng này, UBND huyện Đakrông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục khó khăn đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất- kinh doanh giỏi đến các hộ dân có tiềm năng về đất đai, nhân lực và vốn sản xuất. Hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm đẩy nhanh các dự án phục vụ dân sinh trên địa bàn. Tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống gắn với thương mại- du lịch. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách giảm nghèo, tạo việc làm được quy định trong Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đạt kết quả cao nhất trong thời gian tới. NV