Làng giữa ngàn xanh
(QT) - Theo đường chim bay, vùng đất này chỉ cách Quốc lộ 1A non chừng 10 km. Vùng đất nằm ven những bãi biền dọc sông Thạch Hãn về phía thượng nguồn này là xứ sở của những bãi ngô, những ruộng lạc, đậu xanh... bạt ngàn. Chính sự màu mỡ của những biền bãi được bồi lắng phù sa hàng năm mà những sản vật của vùng này rất dồi dào, góp phần làm cho đời sống của cư dân ngày càng no ấm. Tuy nhiên, do địa thế khó khăn nên vùng đất này dường như vẫn biệt lập với bên ngoài... Những ngôi làng trù phú Từ ...

Làng giữa ngàn xanh

(QT) - Theo đường chim bay, vùng đất này chỉ cách Quốc lộ 1A non chừng 10 km. Vùng đất nằm ven những bãi biền dọc sông Thạch Hãn về phía thượng nguồn này là xứ sở của những bãi ngô, những ruộng lạc, đậu xanh... bạt ngàn. Chính sự màu mỡ của những biền bãi được bồi lắng phù sa hàng năm mà những sản vật của vùng này rất dồi dào, góp phần làm cho đời sống của cư dân ngày càng no ấm. Tuy nhiên, do địa thế khó khăn nên vùng đất này dường như vẫn biệt lập với bên ngoài... Những ngôi làng trù phú Từ chân cầu Ga bắc ngang sông Thạch Hãn ở thị xã Quảng Trị, chúng tôi đi xe máy lần tìm về những ngôi làng nằm phía thượng nguồn sông Thạch Hãn. Sau nhiều lần dò hỏi và đánh vật với những con đường đất gập ghềnh len lỏi giữa những đám cây rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến thôn Tân Xuân thuộc xã Triệu Thượng. Ít ai ngờ qua một chặng đường toàn cây rừng và những nhánh đường đất quanh co toát lên vẻ hoang sơ ấy lại có sự hiện diện của những ngôi làng trù phú đến thế. Cả một vùng trồng ngô, lạc, đỗ xanh và những cánh rừng... bừng lên màu xanh tít tắp. Thôn Tân Xuân nằm ngay sát con đập Trấm nước ăm ắp bốn mùa. Những ngôi nhà thưa thớt trên những trảng đất thoáng đãng. Giữa những đám ruộng lạc, chị em phụ nữ đang say sưa nhổ từng búi lạc còn những người đàn ông thoăn thoắt tuốt củ lạc. Đồng thời với việc thu hoạch lạc, tại những đám ruộng đã thu hoạch xong, người dân đang khẩn trương xới đất để xuống vụ đậu xanh. Một khung cảnh thật thanh bình giữa bốn bề sông nước, rừng cây.

Người dân thôn Trấm thu hoạch ngô.

Nhiều nông dân ở đây cho biết, tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng diện tích lạc, ngô mùa này cũng cho thu hoạch khá, tuy năng suất có thấp hơn những vụ trước. Cũng nhờ những trái ngô, củ lạc, hạt đậu xanh... từ biền bãi này mà họ có cuộc sống sung túc hơn, con cháu được cắp sách đến trường. Qua thôn Tân Xuân, vượt tiếp quãng đường đất băng qua những bãi ngô cao quá đầu người, những ruộng lạc đang mùa thu hoạch, chúng tôi đặt chân đến thôn Trấm. Đây là thôn xa nhất của xã Triệu Thượng nằm về phía thượng nguồn sông Thạch Hãn. Thôn Trấm có khoảng 130 hộ dân với hơn 560 nhân khẩu. Phần lớn người dân lên lập nghiệp ở vùng này là người xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, một số ít đến từ các địa phương khác. Toàn thôn Trấm hiện có khoảng 35 ha đất màu chủ yếu trồng lạc, ngô, đậu xanh... cho năng suất khá cao; lúa khoảng 7,3 ha; khoảng 400 con trâu, bò; hàng chục máy nông nghiệp như máy làm đất, máy thổi lúa. “Sau giải phóng, do ở quê đất sản xuất ít lại bạc màu nên rất nhiều người đã tìm lên vùng này lập nghiệp. Ngoài một số người di dân lên vùng tây Gio Linh thì đại đa số là lên vùng thôn Trấm này. Từ những ngày đầu còn hoang sơ, nghèo khó, đến nay thôn Trấm đã đông đúc, no ấm hơn xưa rất nhiều”, bà Võ Thị Nguyên, một người dân thôn Trấm vừa phơi lúa, vui vẻ cho biết. Bà Nguyên kể hồi đầu mới lên vùng đất mới để khai hoang, rất nhiều người đã chết hoặc mang thương tật suốt đời bởi bom đạn còn sót lại sau chiến tranh. Nhưng cũng chính từ những bàn tay, khối óc và sự đoàn kết, lòng quyết tâm sắt đá mà những người di dân đầu tiên ấy đã thuần hoá vùng đất đồi đầy lau lách, rắn rết và thú dữ này. Và qua những mùa phù sa vun bồi cùng với sự cần mẫn lao động của người dân, vùng đất vốn khắc nghiệt ngày nào đã dần trở nên trù phú... Anh Võ Bình, Bí thư Chi đoàn thôn Trấm cũng là một trong những hộ gia đình trẻ năng động trong làm ăn ở đây. Nhờ sức trẻ và sự chịu khó nên đời sống của vợ chồng anh và 2 đứa con khá đầy đủ. Anh Bình là thế hệ thứ hai lập nghiệp tại vùng đất này. Trước đó bố mẹ anh Bình đã từng lập nghiệp ở miền tây Gio Linh rồi sau lại chuyển về thôn Trấm. Trước hiên của ngôi nhà mới khá khang trang của anh Bình chất đầy ngô vàng ruộm và trước sân la liệt lạc củ đang phơi. Anh Bình nói rằng, các thế hệ đi trước đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy khai phá, chinh phục thì thế hệ anh phải dùng sức trẻ, trí tuệ để làm giàu hơn nữa, phải biến vùng đất này trở nên trù phú. Và đến bây giờ, thế hệ của anh đã làm được điều đó. Thế hệ thứ ba của gia đình anh Bình và nhiều gia đình khác cũng đã sinh ra trên miền đất này. Những trăn trở...

“Nói chung cũng khổ, chỉ mấy cây số là về tới thị xã nhưng mọi trao đổi, buôn bán hay việc vận chuyển hàng hoá của người dân đều bế tắc bởi đường sá rất khó khăn. Bà con ai cũng ao ước có con đường lớn để đi lại nhưng đến giờ vẫn chưa có. Hàng hoá của chúng tôi làm ra bán với giá thấp vì phải vận chuyển bằng đò tốn kém, kinh phí xây nhà cửa ở đây cũng có giá gấp đôi “dưới xuôi” bởi tình trạng cách trở đò giang. Còn chuyện đau ốm nặng phải đưa về bệnh viện cũng rất vất vả”, anh Võ Khoách, chủ tiệm tạp hoá nằm bên mép sông Thạch Hãn, tâm sự với chúng tôi.

Các thôn Tân Xuân, thôn Trấm có địa thế khá hiểm trở do bị chia cắt bởi đồi dốc và các nhánh sông. Cũng do đặc thù nằm về phía thượng nguồn, có độ dốc lớn nên những nhánh sông này rất sâu. Ông Võ Lý, 59 tuổi vẫn nhớ như in những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất mới: “Hồi đó phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là đò và đi bộ chứ không đi được xe máy như bây giờ. Các nhánh sông rất sâu, rắn rít muỗi mòng thì nhiều vô kể. Hồi đó chuyện sốt rét rừng, bị thú dữ tấn công hay rắn rít cắn hầu như ai cũng từng trải qua. Đến giờ đã mấy chục năm rồi nhưng nhớ lại thời đó là tôi không hiểu sao người dân mình kiên trì và chịu khó đến vậy. Nhưng chuyện đó thì cũng qua rồi, chuyện khó khăn bây giờ của người dân ở đây là cần một con đường bởi hiện tại bà con đi lại khó khăn quá”, ông Lý bồi hồi nhớ chuyện xưa xen lẫn niềm trăn trở. Ông Lý cho biết mình quê gốc ở làng Trâm Lý, xã Hải Quy nhưng do hồi đó khó khăn quá nên đành rời làng lên đây lập nghiệp. Cũng nhờ cần cù mà đến nay đời sống của gia đình ông đã sung túc. Nhiều gia đình đi cùng thời với gia đình ông Lý bây giờ cũng đã khấm khá hơn trước nhiều. Từ những ngày đầu hoang sơ, đến nay các thôn Tân Xuân, Trấm đã trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên có một điều mà hầu hết người dân các thôn này vẫn trăn trở đó là cần một con đường đàng hoàng hơn để tiện đi lại và giao thương với bên ngoài. Ít ai ngờ rằng, con đường đầy cỏ dại từ đập tràn qua thôn Tân Xuân, Trấm chỉ rộng chưa đến 1 m, băng qua giữa những bãi ngô lại là con đường độc đạo của hàng trăm hộ dân vùng này. “Mùa nắng còn có thể đi xe máy vào đây được chứ mùa mưa đường trơn thì chịu cứng, còn lũ về thì khỏi nói, vùng này như ốc đảo không thể vào ra. Mà ở vùng này, bình quân mỗi hộ dân có khoảng 6- 7 sào đất canh tác ngô, lạc, đỗ xanh, lúa... cho năng suất cao nhưng lúc thu hoạch lại khó bán ra ngoài cũng bởi đường đi quá khó khăn”, anh Võ Văn Tình, Bí thư Chi bộ thôn Trấm cho biết. Dù khá trù phú, lượng nông sản dồi dào nhưng con đường giao thương hàng hoá giữa vùng này với bên ngoài hầu như bị “bít lối”, mà chỉ dựa chủ yếu vào những chuyến đò. Khi đi đò cũng chẳng hề dễ dàng bởi phải qua mấy lần đò mới ra được đến đường lớn. Hai thôn Tân Xuân và Trấm có hơn 250 hộ dân nhưng cũng chỉ có hai quán tạp hoá của ông Võ Khoách và chị Lan bán vài thứ nhu yếu phẩm. Còn thức ăn, muối mắm, thịt cá tươi thì chỉ còn cách trông chờ vào những chiếc xe gắn máy chở hàng từ “dưới xuôi” lên mà người dân gọi vui là “chợ di động”. “Nói chung cũng khổ, chỉ mấy cây số là về tới thị xã nhưng mọi trao đổi, buôn bán hay việc vận chuyển hàng hoá của người dân đều bế tắc bởi đường sá rất khó khăn. Bà con ai cũng ao ước có con đường lớn để đi lại nhưng đến giờ vẫn chưa có. Hàng hoá của chúng tôi làm ra bán với giá thấp vì phải vận chuyển bằng đò tốn kém, kinh phí xây nhà cửa ở đây cũng có giá gấp đôi “dưới xuôi” bởi tình trạng cách trở đò giang. Còn chuyện đau ốm nặng phải đưa về bệnh viện cũng rất vất vả”, anh Võ Khoách, chủ tiệm tạp hoá nằm bên mép sông Thạch Hãn, tâm sự với chúng tôi. Anh Khoách còn cho biết, khổ nhất là chuyện xe máy bị hỏng. Những lúc ấy chỉ có cách là gọi thợ ở dưới lên sửa chữa. Mà thợ không lên thì chỉ có cách dắt bộ vượt đồi hoặc thuê đò vượt sông đưa về dưới sửa... nếu không muốn đi bộ! Lên với bà con vùng này, chúng tôi vui mừng vì chứng kiến cuộc sống đã thật sự đổi thay nhưng cũng cảm thấy trăn trở trước những mong ước của họ. Mong rằng những mong ước đó của người dân sẽ được sớm quan tâm để vùng này không còn là vùng đất gần mà xa nữa... Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT