Đến với bài thơ hay: Giờ văn
(QT) - Giờ văn

Đến với bài thơ hay: Giờ văn

(QT) - Giờ văn

Có một giờ văn như thế Lớp em im phắc lắng nghe Bài “Mẹ vắng nhà ngày bão…” Cô giảng miệt mài, say mê. Ai cũng nghĩ đến mẹ mình Dịu hiền, đảm đang, tần tảo Ai cũng thương thương bố mình Vụng về chăm con ngày bão. Bỗng nhiên Thu Hằng bật khóc Thì ra mẹ bạn mất rồi Lớp em lòng như giông bão Buồn thương thổi suốt giờ chơi. Nguyễn Thị Mai Lần đầu đọc bài thơ “Giờ văn” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, tôi cứ nghĩ đơn giản đây là câu chuyện kể về một giờ dạy văn của cô giáo với bài thơ “ Mẹ vắng nhà ngày bão ” trong sách giáo khoa. Nhưng đọc chậm lại, ngẫm nghĩ lại thì thấy bài thơ sâu sắc quá, một sức truyền cảm lan tỏa, lay thức cứ ám ảnh tôi mãi. Thơ viết cho các em khó nhất là biết tạo tình huống bất ngờ, kích thích trí tò mò, ham phát hiện cái mới mẻ trong cái bình thường nhưng lại thật tự nhiên, không bố trí sắp đặt. Ở đây tứ thơ được triển khai như một hoạt cảnh nhỏ có lớp lang, có nhân vật. Chính sự vận động ngẫu nhiên dung dị của đời thường đã tạo cho cảm xúc thật hồn hậu bởi sự cảm thông chia sẻ có tính giáo dục cao. Khổ thơ mở đầu như một câu chuyện kể, ống kính của nhà thơ lướt nhanh bao quát vì đây là giờ học văn bình thường như các giờ học khác. Cái độc đáo là tác giả chọn hình ảnh cô giáo giảng bài thơ “ Mẹ vắng nhà ngày bão ”. Mẹ vắng nhà là sự trống trải thiếu hụt đã đành, lại vắng nhà trong ngày bão thì sự thiếu thốn đó tăng lên gấp bội. Lớp học “ im phắc lắng nghe ” nhưng mỗi người đều nghĩ về một hoàn cảnh riêng của mình cùng chung một ý nghĩ: “ Ai cũng …”. Đó là một nhận xét khách quan. Hình ảnh người mẹ hiện lên mang những nét đặc trưng thuần hậu của người mẹ Việt Nam: “Dịu hiền, đảm đang, tần tảo”. Và hình ảnh người bố: “ Vụng về chăm con ngày bão ”. Nhịp từ láy “ thương thương ” bồn chồn phấp phỏng, vừa kính trọng yêu thương, vừa day dứt lòng người. Ở đây, tâm hồn của nhà thơ đã bắt khá nhạy tâm trạng của các em. Thơ gợi chính là chỗ đó. Đôi nét chấm phá đầy trực cảm mà chứa đựng nội tâm sâu sắc. Cứ ngỡ không khí yên lặng của lớp học trôi qua bình thường thì:“ Bỗng nhiên Thúy Hằng bật khóc ” đã phá vỡ không gian trang nghiêm, tạo ra cao trào như một nốt nhấn. Tình huống Thu Hằng bật khóc bởi: “ Thì ra mẹ bạn mất rồi ”. Mẹ vắng nhà còn trở lại, nhưng mẹ Hằng đã vĩnh viễn ra đi và chắc gì các bạn trong lớp đã biết được hoàn cảnh éo le của Hằng nếu không có giờ văn “ Mẹ vắng nhà ngày bão ”. Câu thơ hay nhất của bài thơ gây ấn tượng đặc biệt:“ Lớp em lòng như giông bão/ Buồn thương thổi suốt giờ chơi ”. Cơn bão của thiên nhiên đến rồi tan, nhưng cơn bão lòng của bao mất mát cuộc đời thì không sao thành sẹo được. Sức cảm thông lan tỏa đã bù đắp phần nào sự thiếu hụt của tình đời, tình người. “ Buồn thương ” là hai trạng thái, cung bậc của tình cảm hòa làm một, tạo ra sự chia sẻ nương tựa vào nhau, vun đắp sức sống mới. NGUYỄN NGỌC PHÚ