Chung tay ngăn chặn ô nhiễm không khí
(QT) - Chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2019 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) lựa chọn là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia cùng hành động để giảm thiểu chất độc hại thải ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu.

Chung tay ngăn chặn ô nhiễm không khí

(QT) - Chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2019 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) lựa chọn là “Ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia cùng hành động để giảm thiểu chất độc hại thải ra môi trường không khí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn cầu.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND huyện đảo Cồn Cỏ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2019​

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á-Thái Bình Dương gần 4 triệu người. Hàng triệu người trên toàn thế giới bị phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm không khí vượt quá mức an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế với khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 nghìn tỉ USD mỗi năm. Ô nhiễm ozone trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. Ô nhiễm không khí đã và đang là thách thức lớn đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế. Nhiều chất ô nhiễm gây ra sự nóng lên toàn cầu. Động cơ diesel, đốt rác và bếp lò bẩn sản sinh ra khí carbon đen. Carbon đen gây chết người và là một chất gây ô nhiễm khí hậu. Nếu chúng ta giảm lượng khí thải các chất ô nhiễm như vậy, chúng ta có thể làm chậm sự nóng lên toàn cầu tới 0,5 độ C trong vài thập kỉ tới. Khí mêtan phần lớn đến từ nông nghiệp là một thủ phạm khác. Khí thải mêtan góp phần dày lên tầng ozone, gây ra hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác. Khí mêtan cũng là một loại khí gây nóng lên toàn cầu mạnh hơn so với carbon dioxide. Theo Ủy ban quốc tế về biến đổi khí hậu, tác động của khí mêtan tăng 34 lần trong khoảng thời gian 100 năm.

Đối với Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí (chủ yếu là hàm lượng bụi) tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã vượt quy chuẩn cho phép 1-2 lần. Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, các nút giao thông trọng điểm, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép…Hiện nay, tại các đô thị, ô nhiễm do bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất và chưa được cải thiện so với giai đoạn trước. Nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông và tuyến đường chính ở các đô thị lớn. Các khu công trường xây dựng cũng góp phần đáng kể gây ô nhiễm bụi và phạm vi ô nhiễm chủ yếu là cục bộ. Kết quả đo cho thấy, số ngày có giá trị bụi PM10, PM2,5 vượt QCVN chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt, tại các trạm ven đường giao thông. Bên cạnh đó là vấn đề bụi mịn, yếu tố có tác động nguy hại đáng kể đối với sức khỏe người dân. Tỉ lệ bụi mịn (PM2,5 và PM1) ở mức khá cao, đặc biệt ghi nhận vào những ngày nhiệt độ thấp hoặc không khí khô. Đối với bụi thô, nồng độ đã vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam từ 2-3 lần. Loại bụi này thường tập trung cao ở những trục đường giao thông của đô thị lớn, nhất là đô thị loại đặc biệt và loại 1.

Tại tỉnh Quảng Trị ô nhiễm không khí chưa đến mức báo động, tuy nhiên với tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông thì vấn đề ô nhiễm môi trường không khí cũng phải đặc biệt quan tâm. Theo kết quả quan trắc bụi lơ lửng giai đoạn 2015- 2018 có chiều hướng tăng dần tại phần lớn các điểm quan trắc, chủ yếu là tuyến Quốc lộ 1 đi qua các khu vực thị trấn Ái Tử, thị xã Quảng Trị, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Gio Linh. Năm 2018 số lượng các điểm có nồng độ bụi vượt giới hạn cho phép của QCVN 05-2013/BTNMT lớn hơn so với các năm trước. Nồng độ các khí độc NO2, SO2, CO giai đoạn 2015- 2018 tất cả các vị trí quan trắc nồng độ khí độc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, nồng độ khí NO2 có chiều hướng tăng từ năm 2015-2018. Nồng độ các khí độc trong giai đoạn này tăng so với giai đoạn 2010-2014.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay là cơ hội để mỗi chúng ta bằng nhiều cách phải nhanh chóng hành động chống lại ô nhiễm không khí trên toàn thế giới và tại địa phương đang sinh sống; khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường mà trước hết là bảo vệ sự trong lành của không khí, chính là bảo vệ sự an toàn sức khỏe cho mỗi cá nhân và cộng đồng.

Thanh Luận