Nông dân Quảng Trị với phong trào thi đua yêu nước
Lê Phúc Thiện – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị
 |
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động thiết thực đáp ứng ngày càng tốt hơn các lợi ích chính đáng, hợp pháp của cán bộ, hội viên, nông dân và đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua của giai cấp nông dân. Các phong trào thi đua của Hội đã được phát động rộng khắp trong nông dân, nông thôn góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về KT-XH, QP-AN và đã xuất hiện nhiều mô hình và điển hình tiên tiến ở tất cả các lĩnh vực. Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau XĐGN và làm giàu chính đáng là phong trào trọng tâm, đã được các cấp Hội tổ chức, vận động hội viên, nông dân tham gia. Phong trào đã phát huy tiềm năng đất đai, lao động, thế mạnh của từng vùng, miền, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Trị. Với phương châm “Vận động đi đôi với hỗ trợ”, các cấp Hội đã bám sát cơ sở, vận động, tuyên truyền và hướng dẫn giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất. 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 2.650 lớp tập huấn KHKT cho trên 2.000.000 lượt hội viên, nông dân; số học viên được học nghề ngắn hạn 1.521 người; tổ chức hội thảo đầu bờ, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn việc làm, chuyển giao phân bón trả chậm, dịch vụ cung ứng chế phẩm sinh học EM .... Các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giúp hội viên nông dân vay vốn, đến nay có 1.004 tổ vay vốn, cho 26.910 hộ vay, dư nợ 336,865 tỷ đồng. Chương trình liên ngành 2308 với Ngân hàng No&PTNT tỉnh có 300 tổ vay vốn với 9.629 hộ tham gia, dư nợ trên 177,414 tỷ đồng. Triển khai thực hiện các dự án do TƯ Hội đầu tư về “Khuyến nông, lâm, ngư và phát triển sản xuất” thuộc các xã khó khăn ở Hướng Hoá, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh có hiệu quả và đang được tiếp tục nhân rộng như: Mô hình trồng lạc ở Cam Lộ, cải tạo đàn bò ở Khe Sanh (Hướng Hoá), Linh Hải (Gio Linh), nuôi tôm ở Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), xử lý nước thải làng nghề ở Triệu Sơn (Triệu Phong).... Vận động nông dân tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo, xoá nhà tạm, xây dựng vườn tình thương, góp phần tác động có hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu KT-XH ở nông thôn.
 |
Mô hình trồng chuối ở Tân Long (Hướnh Hóa). Ảnh: Thu Hoài |
Đến nay, toàn tỉnh đã có 19.592 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) các cấp, trong đó, cấp trung ương 177 hộ; cấp tỉnh 1.034 hộ; cấp huyện, thị, thành phố 3.546 hộ và cấp cơ sở 14.835 hộ. Đồng thời, giúp cho trên 9.000 hộ vượt nghèo. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể Hội Nông dân điển hình như phường Đông Giang (Đông Hà), xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh) đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học trong nuôi tôm; xã Triệu Sơn (Triệu Phong) đã xử lý có hiệu quả nước thải từ nghề làm bún; xã Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh), xã Hải Xuân (Hải Lăng) xây dựng hầm khí sinh học Biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi; huyện Cam Lộ, Hải Lăng luôn tích cực trong việc hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ sinh học; Hội nông dân huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hướng Hóa đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại có hiệu quả; Hội nông dân huyện Hải Lăng, Triệu Phong luôn là ngọn cờ đầu trong công tác Hội và phong trào nông dân... Với ý chí tự lực, dám nghĩ, dám làm và khát vọng làm giàu chính đáng đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu như ông Trần Quang Hữu, xã Hải Phú (Hải Lăng) thu nhập từ lợn thịt, lợn giống, cá, gà bình quân 464 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng/năm, bình quân 2,1 triệu đồng/khẩu/tháng. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ, hướng dẫn các hộ khác làm theo và tham gia tốt các phong trào nông dân ở địa phương. Ông Hồ Cài, xã Hướng Tân (Hướng Hoá) vừa sản xuất, thu mua chế biến cà phê và dịch vụ nông nghiệp vừa san, cày, ủi, dịch vụ khác, hàng năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, bên cạnh đó ông còn vận động nhiều hộ vừa sản xuất, vừa thu mua chế biến nhằm làm bình ổn giá, chống ép giá và nuôi 3 con học Đại học. Ông Phan Văn Tụy, thôn 5, xã Triệu Lăng (Triệu Phong) nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, thu hoạch được sau khi trừ chi phí được 400 triệu đồng, bình quân thu nhập đầu người 16,6 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm tại chỗ cho 12 lao động. Từ nguồn thu được ông đã cho mượn không lãi 100 triệu đồng, giúp 10 hộ về kỹ thuật nuôi mới. Ông đã tham gia ủng hộ quỹ khuyến học xã, thôn, dòng họ, quỹ tình nghĩa, quỹ người nghèo 2 triệu đồng. Ông Võ Văn Hai, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) với tàu đánh cá xa bờ thu lãi 1 năm được gần 700 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động trong vùng rất nhiều tấm gương điển hình trong phong trào NDSXKDG. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới đã được chú trọng và đẩy mạnh. Hội Nông dân đã thực hiện tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT, xây dựng quỹ khuyến học ở các làng, xã, thôn, dòng tộc, thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa... Vận động nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường nông thôn và các hoạt động xã hội khác. Nhiều lĩnh vực được nông dân đồng tâm hưởng ứng và mang lại kết quả đáng phấn khởi: Số gia đình nông dân đạt Gia đình văn hoá là 70.336/70.842 số hộ gia đình đăng ký (chiếm 99,2%); Số làng, bản phát động xây dựng văn hóa là 941/1.032 thôn, ấp, bản. Đến nay đã có 641 thôn, ấp, bản được công nhận văn hóa. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình như hộ ông Đặng Văn An chi hội Tam Hiệp, Cam Tuyền (Cam Lộ), đã hiến 800 m2 để xây dựng trường mầm non; Chi hội Nông dân khu phố 5, phường 2 (thị xã Quảng Trị) đã vận động hội viên nông dân đóng góp gần 500 triệu đồng để xây dựng nhà văn hoá khu phố; Hội Nông dân thị trấn Cam Lộ (Cam Lộ) là điển hình về tham gia các hoạt động xã hội... Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ban, ngành, cơ quan Quân sự, Công an, các đoàn thể vận động các cấp Hội thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Pháp lệnh Dân quân tự vệ, làm tốt công tác hậu phương quân đội, giáo dục ý thức cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu, tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Thực hiện Nghị quyết 09 và Quyết định 138 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo cơ sở ký cam kết thực hiện, tổ chức các lớp tập huấn về phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội khác. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Nhà nước tỉnh thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”. Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, xây dựng các câu lạc bộ pháp luật, điểm trợ giúp pháp lý, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân, phối hợp giải quyết những vướng mắc trong nội bộ nông dân, kịp thời tư vấn pháp luật cho nông dân, nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân. Phát động phong trào xây dựng chi, tổ hội không có người vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội, xây dựng các câu lạc bộ “Liên gia tự quản”, “Bảo vệ tài sản ngoài trời”.... Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định. Nông dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Điển hình trong phong trào như Hội Nông dân huyện Hải Lăng phối hợp với các cơ quan Quân sự, Công an, các ngành trong khối nội chính, Đồn Biên phòng 212 để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Tổ chức ký kết 100% hộ gia đình hội viên, chi, tổ hội không vi phạm pháp luật, phối hợp mở 32 điểm trợ giúp pháp lý cho nông dân, 9/20 cơ sở có câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Nhiều tập thể xuất sắc khác như Hội Nông dân thị trấn Gio Linh (Gio Linh), xã Triệu Sơn, xã Triệu Trạch (Triệu Phong), xã Vĩnh Long (Vĩnh Linh), xã Cam Tuyền (Cam Lộ), Hải Lâm (Hải Lăng), xã Hướng Việt (Hướng Hoá) ... Từ thực tiễn trong các phong trào nông dân thi đua yêu nước, các cấp Hội Nông dân cần phải chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền và tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, quản lý. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Hội để đề ra chương trình hành động thực hiện đáp ứng yêu cầu của nông dân. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung các hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích chính đáng cho nông dân. Cán bộ Hội phải có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết và thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội trong giai đoạn mới. Các cấp Hội phát hiện những nhân tố mới, những điển hình để bồi dưỡng, nhân rộng và khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ phong trào. Với những thành tích đã đạt được, trong 5 năm qua Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hoá, Cam Lộ được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 11 đơn vị; UBND tỉnh, TƯ Hội NDVN trao tặng 132 Bằng khen cho tập thể, cá nhân; Tặng kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân” cho 489 cán bộ Hội và 87 cán bộ lãnh đạo; Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy khen cho 125 tập thể và cán bộ, hội viên nông dân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân. Phát huy những kết quả đã đạt được, các tập thể và cá nhân điển hình hình tiên tiến cần tiếp tục đi đầu và phấn đấu trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào nông dân, có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và công tác xây dựng Hội vững mạnh về mọi mặt; Từng bước khẳng định vai trò trung tâm và nòng cốt của các cấp Hội trong phong trào nông dân thi đua phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm QP-AN. Kết quả của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005 – 2009 có ý nghĩa hết sức quan trọng, và tạo tiền đề để các cấp Hội tiếp tục xây dựng củng cố tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh, chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Hội nghị BCH TƯ Đảng và Chương trình hành động số 72 của Tỉnh uỷ “Về thực hiện Nghị quyết số 26 của BCH TƯ Đảng lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiêp, nông dân, nông thôn”.