(QT) - Không hiểu sao những câu chuyện thời sự liên tiếp gần đây luôn khiến tôi nhớ tới tên một tập thơ của nhà thơ Việt Phương: “Bơ vơ đông đảo”. Mấy tháng trước, trên báo Quảng Trị đã từng lên tiếng báo động về chuyện những con sư tử, tỳ hưu bằng đá, “linh vật” của Trung Quốc tràn ngập xứ sở chúng ta, sư tử đá ngự ngay cổng cơ quan công quyền cho đến trụ sở, đền đài… thậm chí tới cả nghĩa trang. Nhiều nhà văn hóa phải thốt lên: Đây là “một cuộc xâm lăng văn hóa”! Thật tình, nhìn hình ảnh những linh vật ngoại lai oai vệ ngự chễm chệ những nơi chốn tôn nghiêm trên xứ sở mình, chỉ có thể dùng một từ rất thịnh hành trên thế giới mạng: “Đắng lòng”! Nhưng nếu chỉ “đắng lòng” khi nhìn thấy những linh vật ngoại lai ấy thì chỉ là phần nổi của vấn đề, bởi còn hơn sự “đắng lòng” chỉ thuần túy tinh thần kia là sự “đắng lòng” rất vật chất và cụ thể của hàng ngàn người thợ chế tác đá mỹ nghệ của những làng đá chuyên sống bằng nghề điêu khắc, tạc tượng những linh vật ngoại lai kia, mà giá mỗi cặp linh vật bằng cả một gia tài của họ. Những người thợ đá ấy bàng hoàng khi nhận được những công văn, chỉ thị từ cấp trên rằng không được chế tác những sản phẩm linh vật ngoại lai ấy nữa. Một công văn bằng giấy mỏng mảnh mà có sức công phá như một siêu bão tràn qua những làng đá mỹ nghệ. Hàng làm ra khách không nhận, hàng ngàn bức tượng linh vật thành phẩm phải phủ bụi phơi nắng mưa, nồi cơm gia đình bị đe dọa, học phí cho con, thuốc chữa bệnh cho người già… trông cậy vào những sư tử, tỳ hưu giờ dở sống dở chết! Và đến khi đó có ai chợt nhận ra rằng: Chúng ta có quá nhiều cơ quan, ban ngành định hướng văn hóa từ trung ương đến địa phương, những nghệ sĩ tên tuổi, những nhà nghiên cứu mỹ thuật uy tín…nhưng bao nhiêu năm qua đã có khi nào, họ-những cơ quan, nhà nghiên cứu ấy đã về với những ngôi làng đá mỹ nghệ ấy để hướng dẫn, định hướng cho các nghệ nhân về những sản phẩm mỹ thuật mang hồn vía dân tộc, bày cho họ cách chế tác những linh vật thuần Việt để tránh được cái họa “xâm lăng văn hóa” ấy? Đã có cuốn sách hướng dẫn nào để dành cho những nghệ nhân biết tạc những linh vật thuần Việt? Hay lại phó mặc cho những người thợ đá tự tìm tòi, tự sáng tác, rồi phục vụ đúng yêu cầu của chủ hàng và sau đó, một sáng đẹp trời, khi nghe báo chí báo động về “cuộc xâm lăng văn hóa” từ những linh vật ngoại lai thì những nghệ nhân- thợ đá phải điếng người với cơm áo gia đình mình khi nhìn những thành phẩm của mình trở thành phế phẩm? Chính họ, những người thợ cần cù lao nhọc chợt hóa ra bơ vơ giữa một trời đông đảo những ban này ngành nọ với những học giả khả kính lâu nay không hề làm cái việc lẽ ra cần phải làm với những người thợ cần lao. Khi những người thợ cặm cụi tạc những linh vật ngoại lai trong những túp lều mù bụi đá thì những người có trách nhiệm “chỉ dẫn văn hóa” ấy đang ở tận đâu? Chuyện những con tỳ hưu, sư tử Tàu ngoại lai tràn ngập khắp nơi chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về sự “bơ vơ” của những người lao động chứ không riêng gì chuyện khốn đốn của những làng nghề điêu khắc đá. Hãy nhìn ra xung quanh, ta sẽ thấy bao nhiêu câu chuyện tương tự như thế: Chúng ta cứ kêu về những mẫu mã kiến trúc nhà cửa không giống ai, phá vỡ không gian đô thị nhưng thử hỏi có mấy người dân được tiếp cận với những mẫu nhà cửa thiết kế đúng quy định và khoa học? Có kiến trúc sư nào được phân công hướng dẫn, định hướng, cũng như có các ban bệ chế tài nếu vi phạm và kết quả của sự mạnh ai nấy làm là một bộ mặt đô thị không bản sắc, vừa thiếu khoa học vừa thiếu thẩm mỹ và đẻ ra những mẫu nhà “siêu mỏng, siêu hẹp” mà thế giới không đâu có được! Câu chuyện cây hoa sữa nên thơ năm nào cũng thế. Các nhà khoa học cây xanh đô thị đã ở đâu khi mà những phố phường được trồng dày đặc hoa sữa và hậu quả là nó không cho cái mùi hương thi vị đi vào thơ, vào nhạc như các nhạc sĩ viết mà gây nên hội chứng hô hấp cho hàng vạn người dân, để cuối cùng không chịu nổi mùi hương đậm đặc ấy nên chỉ có cách là đốn bỏ! Vậy đó, đâu rồi những người hướng dẫn và hướng đạo? Các vị đã ở đâu trước khi những nghệ nhân tạc tượng “sư tử Tàu”, những người dân tự động xây nhà, tự động trồng hoa sữa, để rồi khi nhìn ra hậu quả, ai cũng thấy “bơ vơ đông đảo” giữa những ban bệ đầy đủ quanh mình… LÊ ĐỨC DỤC