“Không bao giờ được thõa mãn với những gì mình đã đạt được”
Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ Trần Hành, những năm gần đây ông vẫn thường dành nhiều thời gian về thăm quê. Và mỗi lần trở về như thế sẽ có nhiều niềm hy vọng được thắp lên thông qua các suất học bổng, hệ thống trang thiết bị và các phần mềm công nghệ thông tin...mà ông tặng cho quê hương. Lần trở về này chắc cũng không phải là ngoại lệ? Tiến sĩ Trần Hành (Ts TH): Lần trở về này của tôi chủ yếu tập trung vào ngày 27/7, đó là trao học bổng cấp THPT cho học sinh ở Quảng Trị và nhận đỡ đầu một số ...

"Không bao giờ được thõa mãn với những gì mình đã đạt được"

Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ Trần Hành, những năm gần đây ông vẫn thường dành nhiều thời gian về thăm quê. Và mỗi lần trở về như thế sẽ có nhiều niềm hy vọng được thắp lên thông qua các suất học bổng, hệ thống trang thiết bị và các phần mềm công nghệ thông tin...mà ông tặng cho quê hương. Lần trở về này chắc cũng không phải là ngoại lệ? Tiến sĩ Trần Hành (Ts TH): Lần trở về này của tôi chủ yếu tập trung vào ngày 27/7, đó là trao học bổng cấp THPT cho học sinh ở Quảng Trị và nhận đỡ đầu một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn học cho đến hết bậc đại học. Thứ hai nữa là tìm hiểu giúp cho tỉnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào trong điều hành, trong cuộc sống ngày càng hiệu quả hơn. Ngoài thư viện điện tử được trao cho Trường chuyên Lê Quý Đôn và Sở KHCN Quảng Trị, vừa rồi tôi có lắp đặt cho Sở KHCN một văn phòng điện tử để giúp cho điều hành hoạt động có hiệu quả hơn (thủ trưởng ở xa vẫn có thể điều hành công việc chính xác, hiệu quả trong việc lưu chuyển công văn, trao đổi giữa các đồng nghiệp tiết kiệm được thời gian, quảng bá trên mạng nhiều hoạt động KHCN, nhiều ý tưởng... nhằm giúp cho khoa học tỉnh nhà được tốt hơn). Trong chuyến trở về lần này, tôi cũng đã làm việc với Sở GD - ĐT. Thời gian qua Sở GD - ĐT đã làm được nhiều chương trình, nhiều phần mềm quản lý nhưng chưa đồng bộ nên chưa tạo được sức mạnh. Sắp đến chúng tôi sẽ giúp Sở GD - ĐT để quản lý có hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học. Chúng tôi cũng sẽ giúp cho tỉnh hoàn thiện cổng thông tin để có thể tra cứu nhanh các thông tin KT-XH, cung cấp thông tin một cách hiệu quả hơn. Tôi cũng đã đến thăm lại trường THPT Gio Linh, nơi năm xưa tôi đã có thời gian học tập và tìm cách để giúp đỡ giúp các em học sinh nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học công nghệ, tạo đà để khi các em vào Đại học có thể sáng tạo được công nghệ... PV: Có thể nói hầu như những tình cảm của ông dành cho quê hương đều thể hiện ở mong muốn nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nói rộng hơn là khuyến học. Xin được hỏi Tiến sĩ, khuyến học có vị trí như thế nào đối với ông? Ts TH: Quan điểm của tôi cũng như các cụ xưa, đó là: "Cho một kho không bằng lo việc làm". Giúp đỡ của tôi trong khuyến học là tạo đà để giúp các em có định hướng về nghề nghiệp của mình và sau này ra phục vụ xã hội. Tiếp sức là tiếp sức cho họ học tập để lập thân, lập nghiệp. Thuở nhỏ tôi cũng có nhiều ước mơ, nhiều mong muốn và mong muốn lớn nhất là được học tập, vươn lên trở thành một nhà khoa học. Điều đó hiện nay tôi đã làm được. Tôi cũng đã từng gặp nhiều con em Quảng Trị làm việc ở các Viện lớn của Việt Nam về Công nghệ thông tin, Toán học, các phòng thí nghiệm ở nước ngoài. Họ cũng vươn lên từ khó nghèo, gian khổ, quyết chí học tập rèn luyện. Về Quảng Trị, tôi muốn tìm mọi cách để giúp các em có điều kiện vươn lên trong học tập, công tác. Sau này, ghi nhớ tình cảm của những người đi trước đã giúp đỡ mình, bản thân họ cũng sẽ suy nghĩ nối tiếp những công việc giúp đỡ, tiếp sức, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà.

Trao giải thưởng khuyến học cấp THPT năm học 2007-2008 do Tiến sĩ Trần Hành tài trợ. Ảnh: TC
PV: Thưa Tiến sĩ, những năm qua, chúng ta đã làm rất tốt công tác khuyến học. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên quan tâm hơn đến công tác khuyến tài? Ts TH: Khuyến tài, theo tôi nghĩ là một việc làm cần thiết và quan trọng đối với đất nước. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Tôi nghĩ không có người thầy giỏi nào mà không đào tạo ra những học trò giỏi. Nếu chưa giỏi thì phải học cho giỏi và khi giỏi rồi thì phải tự khẳng định mình, có những đóng góp tích cực cho xã hội. Nhà nước phải tạo ra một môi trường làm việc, công tác thích hợp để người tài thể hiện. Nhiều người có thực tài nhưng không phát huy được kiến thức, năng lực do không có môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp. Vấn đề này cần phải xem xét lại. Tôi được Nhà nước đào tạo thành tài nhưng quá trình công tác cho đến nay cũng phải tự học tập, tự khẳng định mình. Trường Đại học Lạc Hồng mới thành lập khoảng 11 năm nay, sinh viên đầu vào không khá, giỏi như các trường khác nhưng vẫn sáng tạo được công nghệ, phục vụ học tập và bán cho các công ty nước ngoài. Sinh viên chúng tôi nhiều em ra trường làm việc và sớm thành đạt, thu nhập rất cao bằng chính sức lao động của mình. Tại sao sinh viên chúng tôi làm được trong khi nhiều trường công lập khác, sinh viên đầu vào loại giỏi nhưng không sáng tạo được công nghệ? Tôi nghĩ khi có được môi trường thuận lợi, được Nhà nước tạo điều kiện rồi thì phải tận tâm tận lực làm việc và cống hiến sao cho xứng đáng. PV: Thưa Tiến sĩ, năm xưa ông cũng là một cậu học trò nghèo có khát vọng. Nay ông là một người thầy, một nhà khoa học thành danh. Có thể nói ông chính là một trong những tấm gương tiêu biểu cho ý chí vượt khó vươn lên để khẳng định mình trong xã hội. Vậy ông có lời khuyên nào dành cho những học trò nghèo Quảng Trị ? Ts TH: Cái lớn nhất và quan trọng nhất, theo tôi, là không bao giờ thỏa mãn với bản thân mình, với cái mà mình đạt được mà phải thường xuyên rèn luyện trong học tập, công tác. Tôi biết học sinh nghèo Quảng Trị có nhiều ý chí, quyết tâm nhưng chỉ có ý chí, quyết tâm thì chưa đủ mà phải kiên trì nữa. Và phải khiêm tốn. Không khiêm tốn thì không thể học hỏi được người khác, không thể nào đoàn kết, không thể sáng tạo được. Cái cuối cùng tôi muốn nói chính là muốn thành tài và thể hiện được tài năng của mình thì phải có môi trường thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, nhân tài không bao giờ nhiều. Điều quan trọng là tất cả các em đang được gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm, tạo điều kiện trong học tập phải phát huy cao nhất khả năng của mình, phấn đấu học hỏi, rèn luyện để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ! Thúy An (thực hiện)