Vì màu xanh quê hương
(QT) - Tháng 9 năm 2010, Công ty TNHH MTV Trường Anh vừa tròn 5 năm hình thành và đi vào hoạt động. Một quãng thời gian chưa dài nhưng vừa đủ để nhìn lại ‘’hành trang’’ của một doanh nghiệp ‘’cắm chốt’’ trên miền Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), mạnh dạn khai phá một vùng hoang sơ cắm xuống những mầm xanh của sự sống... Nhà máy chế biến mủ cao su Trường Anh được xây dựng từ năm 2005 gồm 2 dây chuyền chế biến mủ đông và mủ nước, công suất mỗi dây chuyền 3.000 tấn/năm. Giữa năm 2006, lô hàng đầu tiên ...

Vì màu xanh quê hương

(QT) - Tháng 9 năm 2010, Công ty TNHH MTV Trường Anh vừa tròn 5 năm hình thành và đi vào hoạt động. Một quãng thời gian chưa dài nhưng vừa đủ để nhìn lại ‘’hành trang’’ của một doanh nghiệp ‘’cắm chốt’’ trên miền Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), mạnh dạn khai phá một vùng hoang sơ cắm xuống những mầm xanh của sự sống... Nhà máy chế biến mủ cao su Trường Anh được xây dựng từ năm 2005 gồm 2 dây chuyền chế biến mủ đông và mủ nước, công suất mỗi dây chuyền 3.000 tấn/năm. Giữa năm 2006, lô hàng đầu tiên của Công ty Trường Anh được xuất sang Singapore và tiếp theo là những container vượt châu lục đến tận Achentina và các nước Trung Đông. Cùng với chế biến mủ đông, mủ cốm SVR10, SVR3L, công ty đã lắp đặt thêm dây chuyền chế biến mủ nước, nâng công suất từ 3.000 tấn lên 6.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Công ty TNHH Trường Anh ra đời và hoạt động có hiệu quả, không chỉ giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động là con em cựu chiến binh, gia đình chính sách ở quê hương, mà đã chấm dứt tình trạng những “đầu nậu” tung hoành, tư thương ép giá, làm cho nông dân bị thua thiệt. Bây giờ người trồng cao su tiểu điền không chỉ ở Vĩnh Linh mà ở Gio Linh và tận các tỉnh Gia Lai, Kon Tum rất yên tâm chăm chút cho cây cao su vì đã có Công ty Trường Anh sẵn sàng thu mua sản phẩm cho bà con theo giá thỏa thuận, thậm chí còn ứng trước vốn cho bà con chăm sóc cây và trợ giá vận chuyển...

Công ty TNHH MTV Trường Anh.
Ngoài sự đam mê với dòng nhựa trắng thánh thót chảy giữa bạt ngàn cao su, dòng nhựa ấy là ‘’tinh tuý’’ của sức sống tràn trề từ hình dáng sần sùi của cây cao su, nên những lúc khai thác mủ anh Nguyễn Thế Hoài, giám đốc công ty lại lo nghĩ về sự trường tồn của cây cao su. Bởi nếu cứ khai thác mãi mà không tiếp sức, không biết chăm bón thì sớm muộn gì cây cũng tàn lụi. Từ suy nghĩ đó, anh Hoài lại quyết định nghiên cứu và sản xuất ra phân bón để tăng cường sinh lực cho cây cao su nói riêng và nhiều loại cây trồng khác. Anh Hoài luận giải về đất đai, khí hậu và các yếu tố hóa học là vốn kiến thức của một cử nhân Hóa. ‘’Ở quê mình mưa nhiều đã rửa trôi các nguyên tố vi lượng trong đất dẫn đến hàm lượng mủ trong cây cao su thấp. Mặt khác phân bón là thức ăn của cây trồng, khi bón vào đất có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây và cải tạo đất. Mỗi loại cây cho một sản phẩm khác nhau, sống ở một vùng đất khác nhau nên nhu cầu thức ăn cũng phải khác nhau...’’. Vì vậy để chống tình trạng rửa trôi đất, tạo độ ẩm, cải tạo đất, nhằm tăng lượng mủ cho cây cao su vào mùa mưa, Công ty Trường Anh đã đầu tư xây dựng một dây chuyền chế biến phân vi sinh. Trên nền tảng khoa học giữa lý luận và thực tiễn, công ty đã sản xuất thành công loại phân bón khoáng hữu cơ mang nhãn hiệu Con Công. Phân khoáng hữu cơ Con Công là sản phẩm kết hợp giữa than bùn và các thành phần vi lượng. Ưu điểm của phân bón Con Công là sử dụng nguồn than bùn có hàm lượng acid Humic cao. Thành phần NPK và khoáng chất có sẳn trong đất được hoạt hóa nhờ acid Humic này tạo thành chất dinh dưỡng mà rễ cây dễ hấp thụ. Các chất dinh dưỡng được bao bọc bởi hợp chất hữu cơ có trong than bùn nhả dần vào trong đất giúp cây tận dụng triệt để và tránh sự rửa trôi sau mùa mưa, nhất là đất ở vùng gò đồi có địa hình dốc. Qua thử nghiệm trên diện tích cao su của công ty và của người dân vùng gò đồi Vĩnh Linh đã cho thấy chất lượng phân bón rất tốt. Ở những vườn cây bón phân Con Công cho chỉ số phát triển chiều cao cây, vành cây và độ dày vỏ cao hơn bón các loại phân khác trên thị trường từ 20-40%. Sau khi sản xuất thành công phân bón cho cây cao su, Công ty Trường Anh lại tiếp tục sản xuất thử nghiệm các loại phân bón chuyên dùng cho cây cà phê và cây lúa. Để minh chứng cho đặc tính nổi trội của phân bón trên lúa, công ty đã tiến hành bón khảo nghiệm đối chứng trên diện tích 36 ha lúa ở xã Triệu Sơn (Triệu Phong). Đây là diện tích đất chua phèn, khó sản xuất và cây lúa thường bị sâu bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng phân bón Con Công thì năng suất tăng đột biến, dự kiến khoảng 52 tạ/ha, so với 47 tạ/ha ở những vụ trước. Hiện tại phân bón của Công ty Trường Anh mang nhãn hiệu Con Công không chỉ được nông dân Vĩnh Linh đón nhận mà địa bàn và thị trường tiêu thụ của Công ty đã được mở rộng từ Hà Tĩnh vào tận Đắc Lắc, mở ra nhiều triển vọng về sản xuất phân bón theo phương châm và quy trình khép kín của Công ty. Đối với anh Hoài không chỉ ‘’lao tâm khổ tứ” cho những dòng nhựa trắng đã hằng ấp ủ và đeo đuổi thành công mà ở lĩnh vực phân bón cũng thế. Anh luôn đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, mang đến cho người khác những quyền lợi thiết thực. Khi mủ cao su hạ giá, nông dân hạn chế đầu tư chăm sóc thì anh đưa ra hình thức kinh doanh mềm mỏng là cho nông dân mua nợ phân bón đến kỳ thu hoạch mủ lại trả. Thêm nữa, những hộ trực tiếp bán mủ cho công ty được giảm giá 10% khi mua phân bón. Nhờ áp dụng nhiều chính sách hợp lý, đặc biệt là giá thành sản phẩm luôn thấp hơn các loại phân khác nên từ đầu năm đến nay, Công ty Trường Anh đã sản xuất và tiêu thụ trên 2.000 tấn phân bón chuyên dụng cho cây cà phê, lúa và lạc... Dự kiến trong tương lai công ty sẽ sản xuất nhiều loại phân chuyên dùng khác theo đơn đặt hàng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho rằng: “Huyện đánh giá rất cao mô hình sản xuất của doanh nghiệp anh Hoài, bởi vì phía Tây Vĩnh Linh là một trong những địa bàn có diện tích cao su rất lớn và việc bao tiêu sản phẩm giúp bà con nông dân giải quyết được đầu ra cho sản phẩm hết sức kịp thời và có ý nghĩa. Ngoài việc thu mua mủ cao su, công ty còn sản xuất vi sinh để phục vụ lại việc chăm sóc tăng trưởng cây cao su là một trong việc làm hết sức năng động và sáng tạo. Trường Anh là một doanh nghiệp có năng lực sản xuất rất tốt, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, là mô hình về phát triển CN, TTCN hiệu quả, một trong những người tiên phong xây dựng quê hương và vì quê hương”. Như một sự bù đắp ngọt ngào cho tâm sức mà anh Hoài và các cộng sự ở Công ty Trường Anh đã bỏ ra, tháng 11/2009, lần đầu tiên Công ty Trường Anh ‘’mang chuông đi đánh xứ người”, mạnh dạn đem phân bón tham gia hội chợ triển lãm AgroViet 2009 và kết quả mang lại thật bất ngờ khi phân bón Con Công đã vượt qua hơn 100 sản phẩm tham dự hội chợ để đạt Cúp vàng Nông nghiệp. Điều đó là minh chứng sinh động nhất để khẳng định chất lượng và thương hiệu của phân bón Con Công. Qua 5 năm đứng vững và phát triển trên vùng đất “nắng lửa mưa dầm”, Công ty TNHH MTV Trường Anh đã có doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và năm nào cũng hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Tuy nhiên, giám đốc Nguyễn Thế Hoài vẫn chưa thể bằng lòng với hiện tại mà anh đang dồn sức cho những kế hoạch dài hơi hơn. Trước mắt là xoay chạy vốn để xây dựng hoàn thành nhà máy sản xuất phân bón vi sinh ở Hải Lăng và theo đuổi dự án thuê đất trồng 2.500 ha cây cao su ở phía Tây Vĩnh Linh. Dẫu chỉ là doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn nhưng Công ty Trường Anh đã sớm khẳng định được vị thế của mình. Từ danh hiệu Doanh nhân văn hoá 2008 đến Cúp vàng Nông nghiệp 2009, một chặng đường không dài nhưng đánh dấu sự thành công, là khát vọng nhân văn được thắp lên từ dòng nhựa trắng ngày đêm tuôn chảy giữa núi đồi Tây Vĩnh Linh, từ những lô phân bón đến tay người nông dân mang lại màu xanh cho quê hương. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA