Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường
(QT) - Nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của phụ nữ trước những thách thức về môi trường đang đặt ra hiện nay, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực vừa phát huy vai trò của người phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời hưởng những lợi ích mang lại cho chính gia đình hội viên phụ nữ. Các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện tiêu chí 17 (môi trường) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tiêu chí 3 sạch trong cuộc ...

Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường

(QT) - Nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của phụ nữ trước những thách thức về môi trường đang đặt ra hiện nay, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực vừa phát huy vai trò của người phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời hưởng những lợi ích mang lại cho chính gia đình hội viên phụ nữ. Các cấp Hội đã tập trung triển khai thực hiện tiêu chí 17 (môi trường) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tiêu chí 3 sạch trong cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch) do Trung ương Hội LHPN phát động, theo đó quan tâm đầu tư về cơ sở, tập trung cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ nghèo nhằm giúp phụ nữ có được những thông tin, những kiến thức cơ bản về nước sạch - vệ sinh môi trường để từ đó ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, thực hiện ăn ở vệ sinh và dần dần đi đến thay đổi những thói quen có hại, thực hiện hành vi có lợi cho bản thân và cộng đồng.

Chị em tiểu thương đã sử dụng lá để gói thực phẩm thay vì sử dụng túi ni lông - Ảnh: THANH TRÚC

Từ những vấn đề ưu tiên được lựa chọn đầu tư ban đầu trong công tác tuyên truyền giáo dục cũng như tập trung xây dựng các mô hình tại các địa bàn thuộc điểm nóng về môi trường, thời gian qua, các cấp Hội đã làm tốt việc kết hợp giữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức với xây dựng mô hình vệ sinh môi trường đạt được kết quả rõ nét, được cộng đồng đánh giá cao. Trong đó công tác tuyên truyền vận động được tập trung chỉ đạo cả bề nổi lẫn chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như hội thi, hội diễn, tọa đàm,... tập hợp được đông đảo người dân trong cộng đồng ủng hộ và tham gia hưởng ứng. Tổ chức nhiều hoạt động quy mô cấp tỉnh nổi bật như: phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thi “Phụ nữ Quảng Trị hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp”, lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Môi trường thế giới năm 2014; phối hợp với tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam và Trường THCS thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa tổ chức hội trại “Chúng em chung tay bảo vệ môi trường” với sự tham gia của gần 400 em học sinh. Ngoài ra thông qua các chương trình, dự án Hội đã tổ chức tập huấn, truyền thông, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép sinh hoạt hội,... cho 153.890 cán bộ, hội viên phụ nữ. Đặc biệt thực hiện chủ đề năm 2014 “Nâng cao chất lượng tổ chức hội cơ sở, phát huy tiềm năng của phụ nữ, chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền mạnh về nội dung 8 tiêu chí về “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” ở cấp chi/tổ; rà soát thực trạng và đăng ký nội dung 8 tiêu chí trong từng hộ gia đình hội viên phụ nữ, trong đó có tiêu chí “3 sạch”; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuẫn lễ biển và hải đảo Việt Nam ra quân làm sạch môi trường biển gắn với tuyên truyền về biển đảo, khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, với 323 điểm tuyên truyền đến 29.158 hội viên phụ nữ. Từ những mô hình điểm đầu tư ban đầu của tỉnh như: CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông” ở phường 2, thành phố Đông Hà; tổ thu gom rác thải tự quản tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh; mô hình “Bếp ít khói” dành cho hộ gia đình phụ nữ nghèo tại thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong... các cấp Hội đã nhân rộng và xây dựng mới nhiều mô hình trên các địa phương, nâng tổng số mô hình trong toàn tỉnh lên 328, gồm 317 tổ thu gom rác tại 60 xã/thị trấn, 4 CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, 7 bếp ít khói cho các hộ gia đình, 9/9 phường của thành phố Đông Hà duy trì công tác quản lý tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Hội đã lồng ghép thực hiện chương trình vệ sinh môi trường với các chương trình quốc gia khác như xóa đói giảm nghèo, chương trình nước sạch và vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan ngày càng được tăng cường. Thông qua hỗ trợ từ các chương trình, dự án (dự án “Cải thiện môi trường đô thị miền Trung”, dự án UN-HABITAT, tín chấp với ngân hàng CSXH), các nguồn vốn phù hợp và đã phát huy hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế, xã hội. Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, trồng cây xanh tại các khuôn viên, nghĩa trang,... Để phát huy vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong hưởng ứng các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, gìn giữ môi trường biển vì sự phát triển bền vững, trong thời gian tới các cấp Hội, hội viên phụ nữ tiếp tục chú trọng các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức đến từng chi/tổ hội, từng hội viên phụ nữ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với các khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển, từ đó nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, hiểu rõ vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, gắn với vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Thúc đẩy và làm tốt công tác bảo vệ môi trường lấy thực hiện “3 sạch”: Nhà sạch, ngõ sạch, bếp sạch trong thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới- một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Hội làm nòng cốt. Rà soát từng tiêu chí “3 sạch”, chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, hướng dẫn hỗ trợ từng chị em thực hiện thông qua xây dựng, nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường: tổ thu gom rác thải, câu lạc bộ “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, duy trì thực hiện tốt công tác quản lý tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; đẩy mạnh công tác phối hợp với các chương trình, dự án, khai thác các nguồn lực nhằm hỗ trợ nguồn vốn quay vòng xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Các cấp Hội tích cực vận động hội viên, phụ nữ và người thân trong gia đình chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, không có những hành động khai thác bừa bãi các nguồn lợi hải sản, các tài nguyên sinh học biển; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng các nguyên - nhiên liệu phát sinh nhiều khí thải. Vận động và tổ chức cho hội viên phụ nữ tham gia thực hiện tốt tiêu chí “3 sạch” và các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; các hoạt động thi tìm hiểu về môi trường; phát động các hoạt động cải thiện, ra quân làm vệ sinh môi trường trên bờ biển, tại địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học; không xả rác, chất thải bừa bãi ra môi trường xung quanh, vứt rác và các loại chất thải đúng nơi quy định; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bảo vệ nguồn nước, các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường,… Với sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội và ý thức trách nhiệm của từng hội viên phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường bằng chính những việc làm thiết thực, gắn bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày để làm xanh, sạch, đẹp môi trường, sẽ góp phần thực hiện hiện tốt tiêu chí 17 (môi trường) trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. QUẾ PHƯỢNG