Đưa nền kinh tế - xã hội vùng bãi ngang ngày càng phát triển năng động, bền vững
* NGÔ THẾ THANH, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị)
 |
Xã Vĩnh Thái là địa phương ven biển, người dân vừa khai thác hải sản trên biển, vừa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh doanh, dịch vụ ở trên bờ. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã qua các nhiệm kỳ đại hội, Vĩnh Thái đã phát huy mọi tiềm năng, lợi thế vùng cát, đưa nền kinh tế-xã hội từng bước đi lên, tăng nhanh thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện qua từng năm. Trên lĩnh vực kinh tế, Vĩnh Thái đã tạo ra nền kinh tế đa dạng để có tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, cụ thể: Nông- ngư- lâm nghiệp 63% (giảm 5% so với năm 2010), công nghiệp- xây dựng đạt 20%, thương mại- dịch vụ 17%. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 24 triệu đồng/năm, thể hiện được sự cố gắng lớn của nhân dân trong quá trình chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên. Là địa phương có nghề chính khai thác hải sản, ngư dân Vĩnh Thái tận dụng mọi lợi thế về ngư trường, trang bị ngư lưới cụ phù hợp theo mùa vụ để khai thác gần và trung bờ, mang lại thu nhập cao hơn trước đây. Năm 2014, ngư dân khai thác 750 tấn (năm 2011 là 650 tấn), tổng giá trị khai thác đạt 25,5 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 đạt xấp xỉ 26 tỷ. Bình quân lao động nghề cá năm 2014 đạt 50 triệu đồng, nhiều ngư dân ở thôn Tân Mạch, Thái Lai, Đông Luật đạt 100 triệu đồng/người. Ngư dân đã tập trung chuyển đổi phương tiện khai thác hải sản ngày càng hiện đại hơn để sản phẩm thu về cao hơn, đặc biệt là hải sản xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp đã có những tiến bộ về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kết hợp với chuyển giao khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh diện tích lúa chỉ có 32 ha, sản lượng hàng năm từ 210-220 tấn, nhiều cây trồng mới có giá trị kinh tế cao như môn, ném…đã được nông dân đưa vào sản xuất mang tính bền vững. Cây trồng như lạc, hoa màu, rau quả thực phẩm có diện tích 128 ha, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Chăn nuôi duy trì đàn trâu bò 400 con, có tăng thêm giống bò lai sin sinh sản qua từng năm. Chăn nuôi lợn gia đình, bên cạnh lợn thịt, vẫn giữ vững tổng đàn lợn nái sinh sản 350 con, hàng năm xuất ra thị trường gần 6.000 lợn giống, riêng lợn thịt hàng năm xuất được 75- 80 tấn. Về lâm nghiệp, công tác quản lý, khai thác rừng đảm bảo. 300 ha rừng theo dự án Việt-Đức giai đoạn 2000-2005 đến nay bắt đầu cho khai thác mỗi năm 30-50 ha. Nguồn thu nhập từ rừng hàng năm đạt từ 1,5-2 tỷ đồng, đồng thời tổ chức trồng lại rừng 30-50 ha mỗi năm. Đây cũng là nguồn thu nhập lâu dài của nhân dân vùng cát. Tổng thu nhập từ nông nghiệp-chăn nuôi-lâm nghiệp năm 2014 đạt 20 tỷ đồng. Tận dụng lợi thế bờ biển bãi ngang, nhân dân đầu tư vốn, mở mang dịch vụ tắm biển, dịch vụ ăn uống phục vụ du khách. Một số ngành nghề được duy trì và phát triển như chế biến nước mắm truyền thống, mộc, vận tải, xây dựng… Xã có 2 chợ nông thôn phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ cho nhân dân và giao thương với khách hàng ngoài địa bàn một cách thuận lợi.
 |
Phát triển du lịch biển ở Vĩnh Thái - Ảnh: PM |
Vĩnh Thái đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2015, xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí, dự kiến năm 2015 đạt thêm 2 tiêu chí và tiếp tục phấn đấu đạt các tiêu chí khác trong giai đoạn tiếp theo. Trong 5 năm qua, Vĩnh Thái được sự giúp đỡ của Chính phủ, tỉnh, huyện và các dự án đầu tư cũng như huy động các nguồn lực tài chính theo hướng xã hội hóa, nhiều công trình phúc lợi công cộng được khởi công xây dựng, hoàn thành đưa vào phục vụ dân sinh. Đó là các công trình thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm xá, thủy lợi, công trình văn hóa... tổng giá trị đầu tư xây dựng trên 25 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa do dân đóng góp và các đơn vị tài trợ tự nguyện là 7,9 tỷ đồng. Hoạt động văn hóa, xã hội của xã có bước phát triển tích cực. Trật tự an ninh thôn xóm được củng cố và giữ vững. Chất lượng xây dựng đời sống văn hóa được nâng lên. Xã có 17 đội bóng chuyền nữ, 11 đội văn nghệ quần chúng, 1 trung tâm học tập cộng đồng. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, nhất là vào các dịp lễ, tết, tạo không khí phấn khởi, vui tươi trong cộng đồng dân cư. Liên tục 5 năm qua, 100% các đoàn thể chính trị - xã hội của Vĩnh Thái được Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND huyện khen thưởng về hoạt động văn hóa – xã hội. Đến nay, 100% khu dân cư, đơn vị văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện, có 87% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa giai đoạn 2012-2014. Sự nghiệp giáo dục được đổi mới và phát triển. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Vĩnh Thái là địa phương có số lượng đông giáo viên và con em đạt giải trong các kỳ thi do huyện, tỉnh tổ chức. Công tác khuyến học được đẩy mạnh ở 100% khu dân cư, đơn vị, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục- đào tạo, khuyến tài ở địa phương. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ và chăm sóc trẻ em có nhiều tiến bộ. Công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra là: 0,7-0,9%. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục đạt được kết quả đáng phấn khởi nhờ dựa vào tiềm năng lợi thế tại chỗ như dịch vụ tắm biển, khai thác thủy sản, thương mại dịch vụ, phát triển nghề truyền thống, mở thêm nghề mới, phối hợp với các doanh nghiệp để giải quyết nguồn lao động tại chỗ…Đến cuối năm 2014, xã còn 10,5% hộ nghèo theo tiêu chí mới, cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra. Đã thực hiện tốt công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, chăm sóc người cao tuổi… Vĩnh Thái cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách… Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Vĩnh Thái sẽ tập trung chú trọng việc phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên để mang lại giá trị kinh tế cao phục vụ phát triển xã hội. Phấn đấu đưa giá trị sản phẩm ngư nghiệp hàng năm tăng từ 20-25%; nông nghiệp từ 10-15%. Tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao thay thế cây trồng có giá trị thu nhập thấp. Xây dựng 30-40 ha có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm. Khuyến khích nhân dân đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp để phát triển kinh doanh có hiệu quả mang tính bền vững. Hàng năm trồng mới 10-15 ha rừng tập trung và 10.000-15.000 cây phân tán để đạt độ che phủ 45-50%. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề dịch vụ theo hướng mũi nhọn trong sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Nâng cấp, mở rộng chợ nông thôn để thu hút khách trong và ngoài địa bàn. Phấn đấu thu nhập từ công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp- ngành nghề, dịch vụ hàng năm đạt từ 28-30 tỷ đồng. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa đường giao thông từ thôn Thái Lai đi Mạch Nước, 100% đường được bê tông hóa ở các thôn và các tuyến đường nhựa liên xã. Đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục thể thao và xây dựng con người mới. Đổi mới cơ bản, toàn diện về giáo dục- đào tạo, hoàn thiện cơ sở vật chất 100% trường học trong xã theo hướng tiên tiến, hiện đại. Chăm lo gia đình chính sách, đẩy mạnh hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, người cao tuổi, an sinh xã hội, dân số- kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, bảo vệ môi trường. Hàng năm tạo việc làm tại chỗ cho 150 người. Phấn đấu giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quốc phòng-an ninh, giữ vững sự ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.