Giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên theo tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh
(QT) - Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, lịch sử dân tộc đã sang trang, nước ta bước vào thời kỳ mới - thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ lại phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Để chiến thắng thực dân Pháp thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng trong điều kiện đó là vô cùng bức thiết, đặc biệt là trong điều kiện Đảng Cộng sản đã trở thành đảng cầm quyền. Xuất phát từ những yêu cầu mới của công tác xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Tác phẩm ra đời đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với thời kỳ kháng chiến, trong hoàn cảnh chế độ dân chủ nhân dân còn mới mẻ. “Sửa đổi lối làm việc” có thể xem là tác phẩm nói về đổi mới sớm nhất khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền và lãnh đạo chính quyền, đặt nền móng cho sự đổi mới của Việt Nam từ đó về sau. Để có tư cách của Đảng chân chính cách mạng thì Đảng phải biết dựa vào dân để xây dựng Đảng, dựa vào dân để điều chỉnh đường lối, chính sách, dựa vào dân để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Muốn dựa được vào dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ phải hiểu dân, sát dân, nắm được nguyện vọng của nhân dân, thực thi dân chủ rộng rãi. Đảng cũng cần có cơ chế kiểm tra, xem xét, sàng lọc để giữ vững phẩm chất của Đảng, nếu không Đảng bị biến chất và thoái hóa. Hồ Chí Minh xem tư cách đạo đức cách mạng là nền tảng, là cơ sở không thể thiếu của người chiến sĩ cách mạng, của người cán bộ, đảng viên. Sự nghiệp cách mạng rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, bởi tính chất của cuộc cách mạng. Nó đòi hỏi ở người cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện mọi mặt.
 |
Tập huấn kỹ thuật tin học cho cán bộ người dân tộc thiểu số ở Đakrông - Ảnh: HUY NAM |
Để có đức, người cán bộ phải được giáo dục, phải luôn luôn rèn luyện. Đánh giá cái đức người cán bộ không phải chỉ xem xét hình thức bề ngoài, hay chỉ qua cử chỉ, tác phong. “Đức” không đo đếm và lượng hóa dễ dàng, mà phải qua thử thách, qua hoạt động thực tiễn mới đánh giá được con người, con người đó còn phải có đời tư trong sáng. Cái tài thì phải qua học tập đào tạo, được rèn luyện công phu, cái tài và cái đức đi với nhau như hình với bóng. Mục đích của cách mạng là xây dựng chế độ dân chủ mới, để làm được việc đó trước hết phải có con người, tức là xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của hiện thực. Tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh là xây dựng một nền dân chủ mới ở Việt Nam thật trong sáng và giản dị, nhưng nó lại hoàn toàn mới mẻ, đầy khó khăn, phức tạp. Nó đặt ra yêu cầu cao cả là đức hy sinh gương mẫu đối với người cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đảng và chính quyền. Dưới chế độ mới, dân là mục đích phục vụ của cách mạng, là người đồng hành của cán bộ. Người cán bộ, đảng viên rèn luyện phẩm chất đạo đức của mình là vì sự nghiệp chung của cách mạng, để phục vụ nhân dân, lo cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành. Dân được ấm no, hạnh phúc thì mình cũng thấy hạnh phúc. Đạo đức là biểu hiện của mỗi cá nhân, là sự thể hiện của lương tâm con người, là điều kiện quan trọng góp phần tạo nên thành công hay thất bại của người cán bộ cách mạng. Người cán bộ, đảng viên có tư cách đạo đức cách mạng thì bất luận trong hoàn cảnh nào cũng vững vàng, không dao động, không ngại gian khó hy sinh, biết yêu thương dân, biết hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, thậm chí hy sinh bản thân mình cho sự nghiệp chung. Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận phải phục tùng lợi ích của tập thể. Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở thành cán bộ cách mạng chân chính, không có gì khó cả, điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chí công, vô tư, mình đã chí công, vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít. Tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về tư cách và đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên thể hiện sự bao quát các mối quan hệ xã hội của mỗi người, từ quan hệ với mình, với công việc đến quan hệ với người, từ mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, đến mối quan hệ rộng lớn là Tổ quốc và nhân dân. Đó chính là sự phản ánh con đường biện chứng của quá trình rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi người, từ tình cảm đến nhận thức trách nhiệm, tiến tới xây dựng ý chí cách mạng và hành động cách mạng. Chính vì vậy mà ngay sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, đảng ta trở thành đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh rất chú trọng tới việc giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Những lời dạy của Người trong “Sửa đổi lối làm việc” và đặc biệt là sự thực hành của Người đã trở thành những luận điểm, những hình ảnh mang tính điển hình, hướng dẫn giáo dục sâu sắc và tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng bao giờ cũng đặt ra những nhiệm vụ mới, với những khó khăn, thử thách mới. Đội ngũ cán bộ, đảng viên càng được tôi luyện, trưởng thành thì giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn. Hơn 25 năm đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu làm bạn bè thế giới khâm phục. Sự khởi sắc này đã làm cho đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, lòng tin của dân đối với Đảng được giữ vững. Điều đó khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật đó, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường đã làm nảy sinh không ít những thiếu sót, những khuyết điểm. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Hồ Chí Minh ra đời cách đây 66 năm, được coi là tác phẩm lý luận có tư tưởng đổi mới sớm nhất, nhất là tư tưởng về công tác xây dựng đảng cầm quyền trong sạch và chống quan liêu, lãng phí, tham ô. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, nghiên cứu tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh chúng ta thấy, tư tưởng của Người mang đầy tính thực tiễn và lý luận trong đời sống xã hội, trong xây dựng Đảng và chính quyền. Nâng cao đạo đức cách mạng trong tình hình mới, đòi hỏi Đảng và nhân dân ta quán triệt tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức, vận dụng các nguyên tắc xây dựng đạo đức mà Người đã nêu ra. Tư tưởng về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn cách mạng của thời kỳ đổi mới. Xây dựng nền đạo đức trong tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải biết khai thác mặt tích cực, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đang phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hơn bao giờ hết, chúng ta luôn ghi nhớ những lời nhắn gửi của Người trong “Sửa đổi lối làm việc”: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. CHÍ NHÂN