(QT) - Trong cuốn “Trên đường băng” của Tony Buổi Sáng, có đoạn tác giả bàn về câu chuyện hào sảng rất thú vị. Tony viết, nhiều bạn hỏi hào sảng là gì, vì xưa giờ chưa nghe ai nói. Hào sảng đơn giản là sự cho đi mà không tính toán, là sự buông bỏ để làm lại từ đầu. Hào sảng là không tham lam, không ích kỷ, không cá nhân chủ nghĩa… Đọc đến đây, tôi nhớ lại những câu chuyện của ngày hôm qua.
![]() |
Tặng quần áo cho trẻ em nghèo là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam |
Hồi còn là phóng viên trẻ, một buổi sáng đến cơ quan, tôi may mắn săn được cái thông tin sốt dẻo, đó là có anh kiểm lâm địa bàn người dân tộc Vân Kiều ở một xã miền rừng thẳng thừng từ chối món tiền lớn, kiên quyết lập biên bản để xử lý hành vi phá hoại rừng của lâm tặc. Mặc cho lâm tặc từ dụ dỗ sang dọa dẫm, một mặt anh nhờ bà con dân bản đến thật đông để gây áp lực, mặt khác cử người băng rừng về huyện xin chi viện lực lượng, còn mình thì nằm dài dưới lốp xe U ran to vật vã, kiên quyết không để chiếc xe chở gỗ lậu nhích thêm một xăng ty mét nào nữa. Nhờ sự kiên quyết của anh và lực lượng chức năng, vụ việc sau đó được giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và để lại dư luận rất tốt trong cộng đồng về sự tận tụy, dũng cảm, liêm khiết của người kiểm lâm địa bàn.
Hăm hở lên đường tìm “nhân tố mới”, suốt một đoạn đèo dốc trập trùng, tôi cứ mường tượng anh kiểm lâm sẽ đón tôi đầu bản với hình dáng “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Vậy nhưng, khi đến bản, hỏi thăm tìm đến nhà anh ven chân núi, thấy một người nhỏ thó, khuôn mặt hiền từ bước ra đón khách. Gặp đúngngười mình cần gặp rồi mà lòng vẫn phân vân, đôi chút thất vọng dâng lên trong ý nghĩ.
Cầm tay anh, ướm hỏi, vì sao từ chối món tiền lớn như vậy của lâm tặc trong khi chỉ cần tặc lưỡi bỏ qua là có thể dựng lại ngôi nhà mới khang trang hơn, anh kiểm lâm nhìn tôi bằng cái nhìn ái ngại rồi buông một câu nhẹ bấc: “Mình không ưng bụng là mình không nhận thôi”.
Tôi cật vấn: “Không ưng bụng là sao anh?” Anh kiểm lâm vươn người lôi từ trong chiếc xắc cốt gác trên chạn bếp ám khói lấy ra những trang tài liệu ố vàng rồi giảng giải cho tôi biết, những quy định của ngành đều tập trung nâng cao đạo đức công vụ của người cán bộ kiểm lâm, trong đó nhấn mạnh nhận hối lộ để tiếp tay cho lâm tặc phá hoại rừng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Anh giải thích rằng, đã có quy định những điều không được làm thì anh không làm thôi.
-Nhưng tôi muốn viết bài tuyên dương anh.
-Tuyên dương chi hè
- Anh kiểm lâm tỏ vẻ không hài lòng. Tuyên dương tui không nhận hối lộ của lâm tặc để bảo vệ rừng à. Tui là kiểm lâm, nhận tiền người ta để họ phá rừng, đó mới là vấn đề mà báo chí cần phát hiện để đấu tranh, phê phán. Còn không nhận hối lộ là đương nhiên mà, quy định rồi, phải chấp hành thôi, có chi phải tuyên dương. Có khi mô nhà báo viết cái tin về một thị trấn vùng đồng bằng có 100% người dân ra đường luôn đi về bên phải mà tòa soạn họ đăng cho không. Mọi người đi về bên trái đường hết mới là có vấn đề, chú nhà báo à…
-Nhưng tôi muốn nhân rộng tấm gương tốt…
-Làm đúng chức trách của mình trước hết để cho cái bụng mình thanh thản, thế thôi. Dân tui ở miền rừng, gắn bó với rừng thế hệ này sang thế hệ khác. Mình phá rừng là coi như triệt đi nguồn sống của dân tộc mình, là lấy dao tự chặt vào tay, vào chân đồng bào mình. Nếu cứ chặt cây, đốt rừng, xẻ suối, lật đất đào đãi tìm vàng bạc, châu báu, đến lúc cây cối không còn, muông thú bị tận diệt, nguồn nước bị đầu độc, khí trời bị ô nhiễm… người ta sẽ nhận ra rằng bạc vàng không ăn được, càng không thể nuôi sống con người bền vững được đâu… “Mình không ưng bụng là mình không nhận thôi”.
Câu nói nhẹ bấc của anh kiểm lâm mấy chục năm về trước vẫn cứ lấn cấn trong lòng tôi mỗi khi gặp những câu chuyện đời thường bé mọn cần đắn đo, cân nhắc. Tôi rất ấn tượng khi đọc trên trang đầu cuốn sổ tay của một người trẻ đang giữ vị trí “quán quân” về số lần hiến máu cứu người có ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Tôi cũng rất ấm lòng khi đọc những thông tin chỉ qua facebook, những người trẻ đã kết nối nhau để triển khai chương trình vận động lập tủ sách cho trẻ em vùng nông thôn; duy trì “nồi cháo tình thương” tại các bệnh viện; góp áo ấm cho trẻ vùng cao; mua dưa hấu, khoai lang khi vào vụ mùa để “giải cứu” cho nông dân nghèo hay góp tiền cho một em bé đang cần mổ tim, một cụ già đang cần sự trợ giúp…Sự nhân ái thực sự như làn gió mát lành thổi qua thường nhật làm cho mỗi chúng ta thêm yêu người, yêu đời và muốn cống hiến cho cuộc sống tươi đẹp.
Hôm trước, trên đường đến cơ quan, thấy xuất hiện tủ quần áo nhân ái “Ai thiếu đến lấy-ai thừa đến cho” do một công ty TNHH lập ra với mục đích trở thành nơi tiếp nhận và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tủ quần áo mới xuất hiện nhưng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của rất nhiều người. Tò mò quay lại xem, đã thấy một bạn trẻ đem những tấm áo mới đến treo vào tủ để tặng cho người nghèo. Ướm hỏi, cháu ơi, vì sao cháu lại đem tặng những bộ quần áo rất thời thượng, còn nguyên nhãn mác, ở đây vẫn nhận đồ cũ, miễn là đã được giặt là sạch đẹp mà. Bạn trẻ quay lại nhìn tôi, nở nụ cười sáng cả ban mai: “Cháu thích thì cháu tặng thôi!”.
Câu trả lời theo lối “soái ca” của những người trẻ bây giờ. Và tôi thấy có cả cái tự tin, hào sảng, hào sảng đong đầy trong đó.
Tâm