(QT) - Ổ bánh mì bơ sữa, mì kẹp thịt hay mì trứng được bày bán trên vỉa hè, cạnh công viên, bến tàu xe và những nơi công cộng rất tiện lợi cho người tiêu dùng, đã trở thành thức ăn nhanh quen thuộc được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện dụng, giá cả hợp lý, loại bánh mì bán dạo này lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm khá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
![]() |
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những bánh mì được bán dạo |
Dạo quanh thành phố Đông Hà, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những người bán dạo bánh mì tại các khu vực bến xe, cây xăng, trước cổng các trường học hay gần khu dân cư… Theo quan sát của chúng tôi, những người bán hàng dạo bánh mì đa số là phụ nữ. Họ đựng bánh mì trong các loại thúng, mẹt, đậy sơ sài bằng một tấm vải hoặc ni lon để đi bán dạo khắp nơi. Nhiều người có đầu tư “quy mô” hơn là đóng những chiếc xe đẩy, sắm bếp ga mini, chiếc chảo nhỏ, dầu ăn… để chế biến bánh mì theo khẩu vị của khách. Điều đáng quan tâm là những người chế biến bánh mì không hề đeo găng tay, bảo quản bánh mì trong điều kiện gần đường, khu dân cư, khu công nghiệp, luôn bị ô nhiễm vì khói bụi, người bán dùng những tờ giấy báo cũ, nhàu nát để gói bánh mì cho khách. Các loại rau dưa, chả, thịt nguội, dăm bông, trứng, cá chiên khô, gia vị, dầu ăn…để chế biến và kèm với bánh mì hầu như không rõ nguồn gốc, nhãn mác, thường bị úa héo…
Như vậy, có thể thấy rằng, phần lớn bánh mì bán dạo đều không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điểm bày bán di động thường xuyên nên không đủ nước sạch để sử dụng khi chế biến, rửa dụng cụ cũng như các điều kiện vệ sinh khác... Thường các sản phẩm này dễ bị hư hỏng, ôi thiu trong quá trình kinh doanh do để ở nhiệt độ thường hoặc bảo quản sơ sài cộng với môi trường nắng nóng, nhiều gió, bụi, côn trùng. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, vì tính tiện lợi, giá rẻ nên nhiều người vẫn lựa chọn bánh mì cho bữa ăn sáng mà không quan tâm đến chất lượng. Ông Nguyễn Th., ở phường 1, thành phố Đông Hà cho biết: “Vẫn biết thức ăn đường phố không hoàn toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng do đặc thù công việc của tôi là đi làm sớm, không có thời gian để ăn sáng, mặt khác ăn bánh mì khá tiện lợi vì giá rẻ phù hợp với túi tiền nên tôi thường xuyên sử dụng. Vả lại, ăn bánh mì xong thấy không có vấn đề gì đối với sức khỏe nên tôi và nhiều người vẫn lựa chọn”.
Ở nước ta, công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang đứng trước nguy cơ và thách thức rất lớn, ô nhiễm thực phẩm do vi sinh vật vẫn đang ở mức cao. Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, các bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ trực trùng lỵ amit.... còn chiếm tỷ lệ cao. Riêng tại Quảng Trị, đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh vẫn còn thiếu các điều kiện trang thiết bị, không đủ nước sạch, không có các hoá đơn chứng từ đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, ý thức thực hành của chủ cơ sở chưa cao… Qua khảo sát cho thấy, đa số những người bày bán hàng rong, địa điểm không cố định đều không có giấy khám sức khỏe và giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Điều kiện về dụng cụ, thiết bị không đảm bảo, chế độ bảo quản và nguồn nguyên liệu thực phẩm không được kiểm soát, không rõ nguồn gốc. Đây chính là nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và là môi trường cho các nguồn vi sinh vật phát triển.
Tại Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có quy định rõ: Nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Nước để chế biến đơn giản đối với thức ăn ngay, pha chế đồ uống phải đủ số lượng và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh. Có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ. Bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60 cm; người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ, gọn gàng. Khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng một lần; nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định…
Có thể thấy, vì tính chất “di động” của hàng rong, nên việc kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Hàng rong nói chung và hàng bánh mì nói riêng là loại thức ăn đường phố, nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng chỉ quản lý được các cơ sở có cửa hàng cố định, còn hàng ăn lưu động thì hầu như chưa thể kiểm soát được. Mặt khác, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người tự mở những gánh hàng, xe hàng rong, kinh doanh tự phát, theo thời điểm, mùa vụ, không đăng ký kinh doanh nên gây khó khăn trong việc quản lý. Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị Lê Quốc Dũng cho biết: “Để giảm nguy cơ ngộ độc từ những thức ăn hàng rong, những ổ bánh mì không rõ nguồn gốc thì mỗi người tiêu dùng cần lựa chọn cho mình những món ăn và nơi ăn uống hợp vệ sinh để đảm bảo sức khỏe. Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyên, tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho những người bán hàng rong, hàng dạo. Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh, mang tính răn đe nhằm ngăn chặn và xử lý những quán hàng rong vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Phan Thanh Hải