Hướng dẫn chăm sóc rừng trồng cây mây nếp
(QT) - Mây nếp (còn gọi là mây tắt) là đối tượng cây trồng mới, trước đây nguồn nguyên liệu chủ yếu khai thác từ rừng tựnhiên. Nhưng nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng sản phẩm mây ngày càng tăng cao. Từ tình hình như vậy, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Trị đã tìm tòi đưa về địa phương xây dựng các mô hình cho người dân làm thử từ năm 2005. Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đã trực tiếp thực hiện mô hình trên 100 ha bằng nguồn vốn đầu tư từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Qua đánh giá, mô hình trồng mây nếp đã có những bước thành công ban đầu, có điểm trồng mây nay đã cho thu hoạch sản phẩm như ở vùng Cùa, Cam Lộ. Để người dân có những hiểu biết về loài mây nếp và kỹ thuật chăm sóc cây mây nhằm có hướng đầu tư hiệu quả, trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số đặc điểm chính về loài mây nếp, phương thức bố trí trồng cây và một số kỹ thuật chính chăm sóc cây trồng. Một số đặc điểm chính về loài mây nếp và phương thức bố trí trồng cây Mây nếp là loài cây với thân có 2 bộ phận chính: Thân ngầm nằm ở dưới đất và bộ phân thân phía trên là thân khí sinh hay còn gọi là tay mây. Cây mây là loài cây thích hợp với điều kiện trồng phải có độ che bóng nhất định từ 0,3 – 0,4, mây khi lớn lên cần có các loài cây thân gỗ làm giá đỡ, vì vậy trồng mây phải được bố trí dưới tán các loài cây thân gỗ để vừa làm bóng che vừa làm giá đỡ cho cây khi cây lên cao.
 |
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân chăm sóc cây mây nếp trồng năm thứ hai. |
Mây trồng chủ yếu để khai thác dây mây cung cấp cho các điểm thu mua làm gia công các hàng thủ công mỹ nghệ, là một trong các loài lâm sản ngoài gỗ có khả năng tái sinh mạnh, trồng một lần có thể khai thác nhiều lần, mỗi cây mây sau một thời gian sinh trưởng phát triển sẽ thành các bụi mây với nhiều thân khí sinh. Mô hình trồng mây được Trung tâm bố trí với các phương thức trồng như sau: Trồng vành đai xung quanh vườn nhà, dưới tán các loài cây thân gỗ hàng rào của bà con; trồng vành đai xung quanh các lô cao su, bố trí dưới tán các loài cây keo được người dân trồng vành đai các lô cao su; mật độ bố trí: 3.333 cây/ha. Với các phương thức trồng này, cây mây cho thấy đây là loài cây trồng không chiếm diện tích mà còn có thể trồng tận dụng tối đa diện tích đất đai, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, vừa có tác dụng tốt trong việc bố trí làm hàng rào bảo vệ vườn nhà và bảo vệ cho các lô cao su của người dân. Kỹ thuật chăm sóc rừng mây sau khi trồng Để cây mây sinh trưởng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì yêu cầu đặt ra là phải tăng cường công tác chăm sóc rừng cây, công tác chăm sóc phải được người dân lưu ý thực hiện liên tục trong 3 năm đầu tiên sau khi trồng. Dụng cụ, vật tư chuẩn bị: Rựa, cuốc bàn và phân bón NPK. Kỹ thuật chăm sóc: Sau khi trồng và đến vụ Xuân năm kế tiếp từ tháng 2 đến tháng 3 tiến hành chăm sóc cho cây như dẫy cỏ, xăm xới, bón phân, tủ gốc cho cây để chống hạn. Lưu ý thời điểm này chuẩn bị vào mùa nắng bà con nông dân nên chừa lại các loài cây bụi che bóng xung quanh cây mây để cây mây có độ che bóng mới sinh trưởng tốt. Đến vụ Thu vào tháng 9 sau khi thời tiết bước vào mùa mưa, tiến hành phát dọn thực bì cho cây tạo độ thông thoáng, tránh sự xâm lấn của thực bì đến sự phát triển của cây mây. Đến thời điểm cuối tháng 10 sau khi thời tiết đã kết thúc các đợt mưa to thì tiến hành cuốc xới cỏ dại xâm lấn xung quanh gốc với đường kính 0,6 – 0,8m, xăm sâu 5 - 10 cm, cách gốc 10 - 15 cm tạo độ thông thoáng cho bộ rễ giúp cây sinh trưởng phát triển tốt và kết hợp bón phân và vun gốc cho cây. Phân bón được sử dụng là phân NPK với liều lượng 0,1 – 0,2 kg/gốc. Khi bón phân lưu ý bón phân cách gốc 10 – 15 cm không để phân tiếp xúc trực tiếp vào gốc cây, kỹ thuật bón phân có thể đào các hốc quanh gốc hoặc đào rãnh quanh gốc với độ sâu 5 – 10 cm để bón phân. Hàng năm chăm sóc kết hợp làm giá đỡ khi cây đã phát triển mạnh chiều dài, có thể cắm thêm que cho tay mây phát triển nếu tay mây chưa bắt được lên thân cây giá đỡ. Nếu đã có các cây giá đỡ bà con nên dùng dây buộc các tay mây lên các cây giá đỡ giúp cây có thể leo bám tốt vào giá đỡ. Sản phẩm mây chỉ đạt chất lượng cao khi được leo bám tốt trên giá đỡ. Tiếp tục chăm sóc cho cây các năm tiếp: Dẫy cỏ, vun gốc, gỡ những dây leo bám vào cây, che tủ gốc, bón phân. Song song với quá trình chăm sóc mô hình, công đoạn bảo vệ mô hình sau khi trồng cũng rất quan trọng không thể thiếu, xuyên suốt trong quá trình sinh trưởng phát triển của rừng mây. Cấm chăn thả trâu bò vào rừng giai đoạn rừng non (dẫm đạp, cắn phá), khi cây mây còn nhỏ, mặc dù có gai nhưng trâu bò vẫn có thể ăn lá cây, khi ăn có thể kéo bật cả gốc cây nên bà con lưu ý làm hàng rào bảo vệ cho cây mây mới trồng. Phòng trừ sâu bệnh hại rừng: Thường xuyên đi thăm rừng, kiểm tra rừng để phát hiện ra các tác nhân sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Phòng chống cháy rừng vào mùa khô hạn và các tác nhân phá hoại rừng: Phòng chống cháy là công tác rất cần thiết vào mùa nắng có ẩm độ thấp, phải tạo các đường ranh cản lửa, chú ý phát hiện các tác nhân gây cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn. Bài, ảnh: PHAN NGỌC ĐỒNG