Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH
* NGUYỄN ĐĂNG QUANG, TUV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, Nghị quyết số 25 - NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH” một lần nữa đã khẳng ...

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH

* NGUYỄN ĐĂNG QUANG, TUV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, Nghị quyết số 25 - NQ/TW, ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH” một lần nữa đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đối với công tác thanh niên. Nhằm cụ thể hoá và từng bước đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTHĐ thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW. Qua 3 năm triển khai thực hiện, công tác thanh niên ở Quảng Trị đã có những chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực. Nhu cầu hướng nghiệp, học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm. Trung tâm dạy nghề tỉnh và trung tâm học tập cộng đồng ở các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hàng nghìn thanh niên, nhằm tạo điều kiện cho họ có cơ hội tìm việc làm và được tư vấn định hướng nghề nghiệp.

Đồng chí Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng bức trướng của BCH Đảng bộ tỉnh cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh - Ảnh: TT

Thanh niên nông thôn đã được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách để tham gia phát triển kinh tế gia đình tại địa phương, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, toàn tỉnh có trên 3.000 trang trại, mô hình sản xuất thanh niên tại gia, vùng cát, vùng đồi có quy mô từ 1 - 15 ha có mức thu nhập 30 - 100 triệu đồng/năm, riêng đối với thanh niên dân tộc thiểu số đã có 346 mô hình (trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, thực phẩm), 1.500 trang trại trẻ có quy mô từ 5 - 30 ha, thu nhập từ 35 - 100 triệu đồng, 85% thanh niên xuất ngũ được đào tạo và giải quyết việc làm. Toàn tỉnh mỗi năm có trên 2.000 lượt ĐVTN được học nghề. Việc xây dựng các thiết chế văn hoá, chăm lo nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho thanh thiếu nhi đã được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay có 6/10 đơn vị cấp huyện đã có nhà thiếu nhi, 141/141 cơ sở xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.
Tin, bài liên quan:

>>> Phát huy thắng lợi Năm Thanh niên 2011, hướng tới Đại hội Đoàn toàn tỉnh Quảng Trị lần thứ XI

>>> 10 hoạt động nổi bật trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong năm 2011

Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm. Hàng năm, Trường Chính trị Lê Duẩn phối hợp với Tỉnh đoàn mở các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, chính trị cho hàng trăm cán bộ và ĐVTN. Việc sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ trẻ gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 25 của BCH TW Đảng từng bước được quan tâm. Hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên đã có những chuyển biến rõ nét. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo chính quyền các cấp tiến hành đánh giá tổng kết chương trình phát triển thanh niên Quảng Trị giai đoạn 2005 - 2010, rà soát tập trung xây dựng chương trình phát triển thanh niên Quảng Trị giai đoạn 2011 - 2020; chỉ đạo triển khai các nội dung tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên trong Năm Thanh Niên 2011, trong đó tập trung chú trọng quan tâm tạo cơ chế chính sách hỗ trợ thanh niên trong tất cả các lĩnh vực. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện chương trình hành động số 69 của Tỉnh uỷ đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm; Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể có sự phối hợp, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thanh niên của tỉnh; một số vấn đề xã hội bức xúc nhất của thanh niên hiện nay được tập trung giải quyết như việc làm, vốn vay, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ cho thanh niên; bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống cho thanh niên, qua đó phát huy được vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên - Hội LHTN trong phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Chương trình hành động số 69-CTHĐ/ TU của Tỉnh ủy, ở một số địa phương, đơn vị trong tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế: Một số cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức và làm hết trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo công tác thanh niên. Một bộ phận thanh niên trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; chất lượng công tác đoàn- hội ở một số nơi chưa cao. Việc định hướng, giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên vươn lên lập thân, lập nghiệp còn gặp khó khăn, việc nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi chưa rõ nét. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình hành động số 69-CTHĐ/ TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH trong thời gian tới có hiệu quả hơn, cần quan tâm những vấn đề sau: Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 69 - CTHĐ/TU, kịp thời bổ sung chỉ đạo thực hiện công tác thanh niên ở các địa phương, đơn vị. Thứ hai, tăng cường giáo dục truyền thống, lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hoá cho thanh niên, giáo dục định hướng cho thanh niên có lối sống lành mạnh, văn minh, tích cực sáng tạo trong lao động sản xuất, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào tình nguyện ở địa phương. Thứ ba, thường xuyên củng cố kiện toàn, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên ở cơ sở phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tập hợp thanh niên, làm tốt vai trò phụ trách Đội thiếu niên - nhi đồng trong thời kỳ mới.. Thứ tư, căn cứ tình hình thực tiễn, các cấp ủy đảng, chính quyền từng bước nghiên cứu để có những chủ trương, cơ chế phù hợp nhằm đầu tư cho sự phát triển của thanh niên, nhất là kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thanh niên. Thứ năm, đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, mặt trận, đoàn thể chính trị về hoạt động liên tịch với đoàn thanh niên để giải quyết những vấn đề bức xúc của thanh niên như: việc làm, học vấn, nghề nghiệp, sức khỏe, văn hóa tinh thần, đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật.