Để làng bún Cẩm Thạch phát triển bền vững
(QT) - Tháng 8/2011, làng bún Cẩm Thạch (Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị) chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là động lực lớn cổ vũ, khích lệ tinh thần người dân làng bún thêm yêu quý và hăng say với nghề truyền thống ông cha để lại. Sung túc nhờ nghề truyền thống Dẫn chúng tôi về thăm làng bún truyền thống Cẩm Thạch, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chủ tịch HĐND xã Cam An khẳng định: “Đường làng ngõ xóm đều bêtông hoá. Nhà xây kiên cố san sát mọc lên, tiện nghi đầy đủ, con cái được học ...

Để làng bún Cẩm Thạch phát triển bền vững

(QT) - Tháng 8/2011, làng bún Cẩm Thạch (Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị) chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là động lực lớn cổ vũ, khích lệ tinh thần người dân làng bún thêm yêu quý và hăng say với nghề truyền thống ông cha để lại. Sung túc nhờ nghề truyền thống Dẫn chúng tôi về thăm làng bún truyền thống Cẩm Thạch, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chủ tịch HĐND xã Cam An khẳng định: “Đường làng ngõ xóm đều bêtông hoá. Nhà xây kiên cố san sát mọc lên, tiện nghi đầy đủ, con cái được học hành đến nơi, đến chốn... tất cả đều nhờ nghề bún truyền thống của ông cha để lại.”. Tận mắt chứng kiến già trẻ, gái trai Cẩm Thạch tất bật, bận rộn bên những chiếc máy làm bún bán tự động, chúng tôi mới cảm nhận được hết sức sống mãnh liệt của làng nghề truyền thống này. Đôi bàn tay thoăn thoắt cắt những sợi bún liên tục đổ ra từ chiếc máy làm bún hiện đại, ông Võ Đình Du chuyện trò: “Ngày trước từ hạt gạo thành được sợi bún tươi mất 5 ngày (theo quy trình cũ ngâm gạo (1 giờ), rồi đổ ra ủ (2 đêm) mới đưa ra đãi và tiếp tục ngâm nước (1 đêm), vớt gạo ra cối xay rồi dùng sáo tre và đá ép cho bột khô (1 ngày), hôm sau mới đưa bột vào lò làm bún), trong khi đó, quy trình làm bún hiện đại chỉ mất có 1 ngày (gạo đãi sạch, không cần ngâm, đưa vào máy xay để 7 - 8 giờ cho lắng bột, sau đó đưa bột vào máy ép khô (3- 4 giờ) là có thể đổ bột vào máy làm bún. Nhờ rút ngắn được quy trình sản xuất nên giảm rất nhiều chi phí, công sức lao động và đặc biệt rất an toàn, vệ sinh, sợi bún đều đẹp và ngon hơn sản xuất thủ công”.

Làm bún ở Cẩm Thạch.

Để đầu tư cho một chiếc máy sản xuất bún theo dây chuyền bán tự động người dân cần một khoản chi phí không nhỏ. Ngoài chiếc máy làm bún theo công nghệ mới khoảng 47 triệu đồng, cần phải có một khu nhà xưởng rộng rãi, sạch sẽ, và một số máy móc khác như máy xay bột, máy ép…tổng chi phí đầu tư không dưới 100 triệu đồng là khoản tiền mà không phải người dân làm bún nào cũng có được. Vì vậy, sau khi được tiếp cận với chiếc máy sản xuất bún trên dây chuyền bán tự động do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ vào năm 2008, 43 hộ gia đình sản xuất bún ở Cẩm Thạch đã tự phân nhóm để chung sức đầu tư máy móc nhằm ứng dụng các công nghệ hiện đại để phát triển nghề truyền thống. Cứ 3 - 6 hộ góp vốn sắm sửa trang thiết bị hoặc một số gia đình có tiềm lực tự đầu tư và cho những hộ khác làm chung với mức giá 50.000 đồng/tạ bún tươi. Nhờ vậy, tổng sản lượng bún của làng Cẩm Thạch đến nay đạt 8 đến 10 tấn bún tươi/ngày, trung bình mỗi hộ sản xuất 2-3 tạ bún tươi/ngày, tỷ lệ thuận với mức lợi nhuận từ 2 trăm đến 3 trăm ngàn/ ngày/hộ. Song hành cùng nghề bún truyền thống, người dân Cẩm Thạch còn tận dụng nguồn nước thải từ sản xuất bún để chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi gia đình làm bún đều chăn nuôi từ 30 đến 50 con lợn/lứa. Hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Hiện nay, rất nhiều gia đình ở đây hàng năm có doanh thu vài trăm triệu đồng từ làm bún như gia đình ông Bùi Minh Triển, Nguyễn Đình Anh, Hoàng Xuân Khương… Để có làng nghề sạch đẹp, hiệu quả Tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng làng bún Cẩm Thạch vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn cần kịp thời tháo gỡ. Nằm trong địa bàn khu dân cư, lại sản xuất ngành nghề mang tính đặc thù là thải ra môi trường nhiều chất thải, cứ trung bình 1 m3 nước sử dụng sản xuất bún thì sẽ thải ra môi trường tương đương chừng đó nước thải. Chính vì vậy, lượng nước thải hàng ngày ở làng nghề này thải ra môi trường rất lớn. Mặc dù các ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc xử lý môi trường ở làng nghề thông qua việc xây dựng các hầm bioga, mở các lớp tập huấn về cải tiến một số công đoạn sản xuất bún, nâng cấp nhà xưởng hợp vệ sinh…nhưng do quy mô đầu tư nhỏ và chủ yếu là do người dân tự thiết kế, không đảm bảo kỹ thuật, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nên chỉ sau một thời gian sử dụng hệ thống các hầm chứa biogas đều quá tải. Hiện toàn làng Cẩm Thạch chỉ còn một hầm bioga còn hoạt động, còn tất cả những hầm khí còn lại đều hư hỏng, quá tải không xử lý được nước thải làm bún và chăn nuôi, vì vậy tình trạng nước thải ô nhiễm chảy quanh khu vực dân cư và ứ đọng khắp vườn, bốc mùi thối quanh năm. Đặc biệt, chất thải của những hộ gia đình sản xuất bún nằm đầu thôn không thoát được ra ngoài do thấp trũng nên một số nhà đã xây dựng bể chứa nước thải nổi trên mặt đất. Do tích tụ nước bẩn lâu ngày, các bể chứa nước đó đã đầy, vừa bốc mùi thối vừa gây mất mỹ quan khi bước vào làng. Trong khi đó, những hộ cuối thôn lại đặt ống dẫn nước thải ra Bàu Đá, một hồ tự nhiên nối liền làng Cẩm Thạch và Kim Đâu, chính vì vậy, nước thải ở hồ này luôn bốc mùi, gây ô nhiễm cho làng Kim Đâu vào mùa gió nam. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Bình, Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết: “Bún Cẩm Thạch hiện đang có thị trường tiêu thụ ổn định ở Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh. Nghề truyền thống đang tiếp tục đứng vững trong xu thế hội nhập hiện nay quả là không dễ. Có được một làng nghề truyền thống phát triển như vậy trên địa bàn chúng tôi rất tự hào, nhưng không thể phủ nhận tình trạng ô nhiễm môi trường đang hoành hành lâu nay do chất thải làng bún thải ra. Hiện tất cả các giếng đào ở làng Cẩm Thạch đều không sử dụng được do bị ô nhiễm từ chất thải làng nghề đã ngấm vào đất. Trước mắt, chính quyền xã rất mong muốn thành lập một hợp tác xã đứng ra làm dịch vụ sản xuất kinh doanh bún, như vậy mới đủ tiềm lực để đầu tư hệ thống ống dẫn thải, lâu dài hơn chúng tôi kiến nghị cấp trên xem xét quy hoạch hỗ trợ đưa làng nghề sản xuất bún truyền thống ra khỏi khu vực dân cư để vừa phát triển sản xuất vừa đảm bảo gìn giữ môi trường trong lành”. Bài, ảnh: LÂM THANH