Sau tái định cư, người dân đã ổn định cuộc sống
(QT) - Để phục vụ cho Công trình thủy lợi, thủy điện hoàn thành đúng tiến độ thì tiểu dự án di dân tái định cư (TĐC) đóng vai trò quan trọng. Phạm vi ảnh hưởng của tiểu dự án thuộc địa bàn các xã Hướng Tân, Hướng Linh và Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị). Có 874 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 349 hộ phải di dời nhà ở và 525 hộ thiệt hại về tài sản. Do đó việc xây dựng khu TĐC cho người dân sớm ổn định cuộc sống là công việc cần thiết và gấp rút. Sau khi tìm hiểu nguyện vọng của bà con, tỉnh ...

Sau tái định cư, người dân đã ổn định cuộc sống

(QT) - Để phục vụ cho Công trình thủy lợi, thủy điện hoàn thành đúng tiến độ thì tiểu dự án di dân tái định cư (TĐC) đóng vai trò quan trọng. Phạm vi ảnh hưởng của tiểu dự án thuộc địa bàn các xã Hướng Tân, Hướng Linh và Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị). Có 874 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 349 hộ phải di dời nhà ở và 525 hộ thiệt hại về tài sản. Do đó việc xây dựng khu TĐC cho người dân sớm ổn định cuộc sống là công việc cần thiết và gấp rút. Sau khi tìm hiểu nguyện vọng của bà con, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành xây dựng 5 điểm TĐC tập trung và 2 điểm TĐC xen ghép. Yêu cầu đặt ra đối với các điểm TĐC tập trung là người dân phải có được nhà ở tốt hơn so với nơi ở cũ; điểm TĐC được đầu tư xây dựng hoàn thiện về kết cấu hạ tầng như đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, trường học, nhà trẻ, trạm xá… Bên cạnh việc ổn định nơi ở thì vấn đề sản xuất, phát triển kinh tế phải được chú trọng. Với tổng kinh phí đầu tư cho tiểu dự án là 215 tỷ đồng, trong đó đền bù, hỗ trợ TĐC là 73 tỷ, xây dựng kết cấu hạ tầng 132 tỷ, đầu tư hỗ trợ cho sản xuất 10 tỷ, tiểu dự án đã hình thành được 5 điểm TĐC tập trung bao gồm Hướng Linh 4 điểm, Hướng Tân 1 điểm và 2 điểm TĐC xen ghép ở 2 xã Hướng Tân, Hướng Sơn.

Học sinh trường THCS Hướng Linh sau giờ tan trường

Về nhà ở được xây dựng bán kiên cố, khung cột bê tông, cốt thép. Việc hỗ trợ cho sản xuất được triển khai 2 triệu đồng/hộ phát triển cây trồng dài ngày, 4 triệu đồng/hộ phát triển cây ngắn ngày và 1 triệu đồng/hộ đối với chăn nuôi. Theo đó người dân được ngành nông nghiệp hướng dẫn phát triển các loại cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên, đất đai. Đối với địa bàn xã Hướng Linh do địa hình nằm ở đồi cao, nhiều gió nên tập trung phát triển cây lúa, trồng rừng và chăn nuôi gia súc. “Khi đã ổn định chỗ ở, người dân ở vùng TĐC bắt tay vào sản xuất. Ban đầu việc sản xuất gặp nhiều khó khăn vì chưa quen với nơi ở mới, lúng túng trong việc tìm kiếm cây trồng thích hợp. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã đổi thay, người dân đã đưa cây tràm vào trồng để gây rừng chắn gió, trồng cây lúa để có đủ lương thực...”, anh Hồ Văn Khéo, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh khẳng định như thế sau khi dẫn chúng tôi đến thăm khu TĐC Hoong Cốc. Qua tìm hiểu chúng tôi biết kể từ năm 2005, có 341 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều được di dời lên khu TĐC Hoong Cốc để nhường đất xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị. Khi các hộ dân di dời tới đây phải đối mặt với điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt nên chính quyền cùng người dân địa phương đã nỗ lực tìm nhiều biện pháp nhằm chế ngự thiên nhiên. Đáng kể là dự án trồng rừng của Chính phủ làm vành đai chắn gió đã mang lại kết quả tốt. Đến nay đã có 102 ha rừng trồng đưa vào khai thác. Người dân không chỉ vui mừng vì đã chế ngự được gió mà còn có thêm nguồn thu nhập. Vành đai chắn gió đem lại hiệu quả, cuộc sống của người dân cũng đi vào ổn định. Chỉ tính riêng ở khu TĐC Hoong Cốc gồm 4 thôn: Miệt, Pa Công, Xà Bai, Mới đã có 56 ha lúa nước, 10 ha lúa rẫy, 696 con trâu bò. Ngoài ra còn hàng chục héc ta rừng trồng, cà phê, sắn... Sau gần 5 năm nỗ lực xây dựng ở khu TĐC Hoong Cốc đã có nhiều hộ vươn lên khá giả như anh Hồ Văn Lở ở thôn Mới đã trồng được 3 ha rừng, 1 mẫu ruộng nước và nuôi 5 con trâu, bò. Ngoài ra còn trồng thêm sắn, cà phê và dong riềng mỗi năm gia đình anh có tổng thu nhập trên 40 triệu đồng. Anh Hồ Văn Lở cho biết: “Nhờ sự quan tâm của nhà nước, đến nay cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn trước nhiều, con cái được học hành. Gia đình rất phấn khởi và sẽ gắn bó với mảnh đất này”. Anh Hồ Văn Vi ở thôn Xa Bai cho biết: “Tôi làm lúa rẫy thì nghèo, nhưng bà con người Kinh làm kinh tế rất giỏi thì tại sao gia đình mình lại không làm được nên phải học cách làm ăn của bà con!”. Đó là trăn trở từ 6 năm trước của chàng thanh niên chuyển đến từ khu vực lòng hồ thủy điện Rào Quán. Về khu TĐC, gia đình anh Vi được nhà nước đền bù 40 triệu đồng, chàng thanh niên giàu ý chí này đã quyết tâm thay đổi tập quán sản xuất, dựa vào mô hình vườn-chuồng-rừng để thoát nghèo. Với số tiền đền bù anh mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, học cách làm ăn “lấy ngắn nuôi dài” của người Kinh, anh đã xây chuồng nuôi lợn thịt, nuôi thêm 2 con bò cái và đầu tư khai hoang trồng 1 ha sắn. Từ số tiền thu được, anh chung vốn để mua máy cày khai hoang đất trồng cà phê, mua xe công nông chở phân bón, nông sản làm dịch vụ cho bà con trong vùng và đầu tư trồng rừng. Đến nay, anh Vi đã có 15 ha rừng tràm, 2 ha cà phê, 4 ha chuối, 4 ha sắn, 0,5 ha lúa nước, 500 m 2 mặt nước nuôi cá, 3 con bò, 2 con lợn nái sinh sản và hơn 50 con gà…Thành công trong việc phát triển kinh tế đối với Hồ Văn Vi là nhờ học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và biết tính toán để phát triển kinh tế một cách vững chắc. Bên cạnh những biện pháp thúc đẩy kinh tế giúp người dân ổn định cuộc sống thì công tác văn hóa, giáo dục ở Hướng Linh đã được chú trọng. Đến nay, toàn xã có 7 điểm trường mầm non, 20 phòng học bậc tiểu học, 1 trường THCS khang trang có nhà nội trú cho học sinh và giáo viên. Chất lượng dạy và học cũng được cải thiện đáng kể, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt trên 90%, học lực xếp loại khá, giỏi ở bậc THCS chiếm 28,43%. Bây giờ đến Hướng Linh, giao thông đã thuận lợi hơn nhiều, nhà cửa khang trang và cuộc sống của người đã được cải thiện đáng kể. Thành công đó nhờ vào kết quả của tiểu dự án di dân TĐC. Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN