Phát hiện mới về dấu tích một ngôi đền tháp chăm giữa thành phố Đông Hà
(QT) - Giữa tháng 2 năm 2009, trong đợt tiến hành tổng điều tra, di vật, cổ vật và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hoá của các làng, xã trên địa bàn thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà, Quảng Trị), nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Quảng Trị đã phát hiện được một di tích tháp Chăm tại làng Đông Hà đã trải qua thời gian và những biến động xã hội nhưng vẫn còn tồn lưu nhiều dấu tích khá rõ nét . Địa điểm phát hiện nằm trong một khu đất thuộc xóm Giàng, làng Đông Hà (nay là khu phố 3, phường III, thành phố Ðông Hà), thuộc khu vườn của gia đình ông Nguyễn Đăng Hải và ông Nguyễn Đăng Trường. Cách sông Hiếu chừng 500m về phía nam. Trong khuôn viên của vườn nhà ông Hải, nguyên trước đây có một ngôi miếu có tên là miếu Giàng được người Việt dựng lên để thờ cúng.
 |
2 Linga của tháp Đông Hà thờ tại Hòn Giàng. Ảnh: C.T.V |
Ngôi miếu này đã bị sập trong chiến tranh, nay chỉ còn lại nền móng và hệ thống cổng trụ và tường thành bao mặt trước. Tường và trụ được xây bằng những viên đá phiến thạch, được liên kết bởi vữa vôi trộn mật mía và bã thực vật. Tường và trụ cổng xây dày 0,5m, cao 1,5m. Cấu trúc nền móng ngôi miếu cùng những viên đá táng chân cột còn lại cho thấy kiến trúc ngôi miếu Giàng được xây dựng bằng bộ khung gỗ theo lối gác lững, có 4 chân cột. Đây là một kiểu kiến trúc điển hình của đền miếu người Việt vùng Trị - Thiên vốn đã có từ trước thế kỷ XVIII. Ở về phía đông nam của miếu Giàng, cách chừng non 10m, trong khuôn viên của vườn nhà ông Trường, có một ngôi miếu có tên là Hòn Giàng. Gọi là Hòn Giàng vì trong ngôi miếu có thờ 2 hòn đá mà dân địa phương coi đó là đá thần. Kiến trúc cơ bản còn nguyên hình dạng. Ngôi miếu được tạo dưới dạng như một tế đàn hình vuông. Bốn phía có hệ thống nữ tường thấp được xây bằng gạch và được liên kết bởi vữa vôi trộn mật mía và bã thực vật. Chiều dài mỗi bờ tường về các phía là 3m, cao 60cm, dày 30cm. Bốn góc có 4 trụ thấp và 2 trụ cổng. Cửa chính của Hòn Giàng mở về hướng chính đông. Bên trong tế đàn, sát với bờ tường thành phía tây có 1 am thờ nhỏ có mái, xây bệt dưới nền, diện tích mỗi chiều là 0,7m. Ngôi am xây bằng gạch, xi măng bên trong am thờ được tạo thành 2 bậc. Mỗi bậc đặt thờ một hòn “đá thần”. Hai hòn đá thần tức hai Hòn Giàng được thờ bên trong tế đàn chính là 2 linga Chăm. Linga thứ nhất (đặt thờ ở bệ trên) cao 14cm, đường kính 11,5cm, linga thứ 2 (đặt thờ ở bệ dưới) cao 15,5cm, đường kính 12,5cm. Cả hai linga đều có hình trụ tròn có đỉnh khum tròn vừa phải. Ở một mặt trên thân của linga có trang trí cách điệu hình một ngọn nến, nhưng không toả. Dưới cùng của linga, tức ranh giới của linga với yoni có một đường gờ nổi tạo khá mềm mại bao quanh hình trụ tròn và gặp nhau ở điểm gần đỉnh của cây nến. Cả hai linga này đều bằng đá sa thạch mịn, màu nâu xanh; phía dưới cùng của mỗi linga có dấu vết vỡ ra từ một phần khác, nhưng còn lưu lại một vài dấu vết của bề mặt phẳng ngang của khối liền kề. Điều này chứng tỏ cả 2 linga này đều đã bị vỡ ra từ hai bộ linga - yoni nguyên khối. Tuy nhiên, trong khu vực tồn tại của 2 linga này hiện không còn dấu vết gì của 2 yoni đi kèm. Từ kích thước đường kính của linga, có thể đoán định kích thước của 2 yoni, mỗi bệ có cạnh vuông chừng 50 - 60cm. Kích thước này cho thấy đây là 2 bộ linga - yoni cỡ trung bình. Kết quả khảo sát bề mặt của cả khu vực xung quanh của miếu Giàng và Hòn Giàng cho thấy khu vực giữa 2 ngôi miếu có địa hình dương cao hơn xung quanh, nhất là phần đất lệch về phía đông, nơi có Hòn Giàng, tạo ra một cồn đất thấp; trên đó ken dày gạch vỡ. Chia đôi cồn đất này hiện tại là một bờ bao bằng cây bụi ngăn cách giữa khu vườn của gia đình ông Hải và ông Trường. Đây cũng là đường ngăn cách giữa miếu Giàng và Hòn Giàng. Dưới chân bờ bao cây bụi là một đường hào sâu hơn 1m, rộng gần 1m được đào để làm rãnh thoát nước và cũng là đường chia ranh giới của 2 khu vườn. Chính đường hào này đã vô tình đào xuyên cồn đất làm phát lộ nên những vĩa gạch vỡ, có đọan còn nhìn thấy các đường gạch xếp một cách có trật tự, nhiều viên gạch còn nguyên. Các viên gạch vỡ và nguyên này có độ nung thấp, khá thô, có màu nâu non và ở bên trong có lõi màu nâu đen như màu đất bùn. Kích cỡ các viên gạch là loại 22cm x 16cm x 4cm. Như vậy, Cồn đất giữa Miếu Giàng và Hòn Giàng là địa điểm chính của một ngôi đền tháp Chăm. Đường hào/rãnh thoát nước hiện thấy đã cắt sạt một góc phía tây của ngôi tháp, nhưng chắc là chưa đến phần nền móng. Hai linga còn lại chính là đối tượng thờ thuộc ngôi tháp này. Ngôi tháp này được xây dựng dưới dạng tháp đơn, kết cấu hoàn toàn bằng gạch, quy mô cở trung bình. Bên trong thờ 2 bộ ngẫu tượng sinh thực khí linga - yoni (Dương vật - Âm vật). Từ những dấu vết hiện còn, bước đầu có thể thấy rằng: Trong khu vực của làng Đông Hà, bên bờ nam sông Hiếu, từ trước thế kỷ XIV - khi đất này chưa thuộc về người Việt đã từng tồn tại một ngôi đền tháp Chămpa - trung tâm sinh hoạt văn hoá, tôn giáo của một hoặc nhiều grama (làng) trong cộng đồng người Chăm. Từ thế kỷ XVI, khi người Việt đến làng Đông Hà thì ngôi tháp đã bị sụp đổ. Bằng sự hội nhập và giao lưu văn hoá trên vùng đất mới, người Việt làng Đông Hà đã dựng lên ngôi Miếu Giàng để thờ cúng thần linh của người tiền chủ và tạo lập nên Hòn Giàng để thờ 2 hòn đá thần mà bản nguyên của nó là 2 linga/dương vật - phần còn lại của 2 bộ ngẫu tượng sinh thực khí linga - yoni thuộc về văn hoá Chăm. Việc phát hiện ra ngôi đền tháp Đông Hà và kể cả khu đền tháp Trương Xá (nằm ở bờ nam sông Hiếu, cách tháp Đông Hà chừng chưa đầy 2km, trên địa phận của phường IV) tháng 8/2008 đã góp phần làm sáng tỏ một phần diện mạo thành phố Đông Hà thời vương quốc Chămpa mà bấy lâu chưa được quan tâm nghiên cứu. Tháp Đông Hà và khu đền tháp Trương Xá một thời đã cùng với hệ đền tháp Chăm dọc sông Hiếu: tháp Lâm Lang, tháp Định Xá (ở phía bắc, thuộc địa bàn Cam Lộ, phía thượng nguồn), tháp Kim Đâu (phía hạ nguồn) tạo thành một trung tâm tôn giáo/thánh địa trong một mô hình quy hoạch tổng thể tương đối hoàn chỉnh cùng với trung tâm chính trị thành Thuận Châu và cảng biển Cửa Việt, thuộc về một tiểu vùng (có thể là một tiểu vương quốc dưới dạng mandala) mà sông Hiếu, một thời đã là đường biên giới của 2 quốc gia Chăm - Việt (từ 1069 - 1306), chính là trục quy hoạch được đặt ngang tầm (thậm chí còn quan trọng hơn) với sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị. LÊ ĐỨC THỌ