Đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)
(QT) - Tiếp theo chương trình của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 10/11/2016, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tham gia phát biểu thảo luận. Sau đây là lược ghi ý kiến phát biểu của đại biểu Hà Sỹ Đồng. Kính thưa Quốc hội Tôi tán thành đổi tên dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) thành Luật Quản lý tài sản công vì khái niệm quản lý đã bao gồm cả việc sử dụng. Đồng thời, việc sử dụng tài sản công không thể tách rời hoặc độc lập với cơ chế quản lý, mà phải theo cơ chế quản lý tài sản công. Do đó, để hai cụm từ “quản lý” và “sử dụng” là thừa và không cần thiết. Theo tôi, để đạt mục đích góp phần thay đổi về chất đối với thực trạng quản lý và sử dụng tài sản công của Việt Nam hiện nay thì phải đi từ “gốc rễ” của vấn đề. Tại sao việc quản lý và sử dụng tài sản công của Việt Nam kém hiệu quả, không khoa học, thất thoát, lãng phí và gia tăng tệ nạn tham nhũng? Đó là do sự không minh bạch, không hiệu quả trong cơ chế và cách thức quản lý. Vì thế, để giải quyết được gốc rễ vấn đề thì cần bảo đảm nguyên tắc quản lý và sử dụng tài sản công: minh bạch, độc lập và hiệu quả. Việc quản lý không phải chỉ duy trì mà thậm chí còn phải gia tăng tài sản công, phát triển tài sản công. Đồng thời, tài sản công của quốc gia là khối tài sản vô cùng to lớn từ đất đai, tài nguyên đến tiền tệ; từ hữu hình đến vô hình, nên cần có sự phân loại trong quản lý để đạt được hiệu quả cao nhất. Việc phân loại nên theo mục đích quản lý: Mục đích phục vụ an ninh quốc gia, cộng đồng, xã hội và mục đích sinh lời. Theo đó, với tài sản phục vụ mục đích sinh lời thì cơ chế quản lý và sử dụng cần năng động, linh hoạt cũng như theo cơ chế thị trường. Trong khi đó, với mục đích phi lợi nhuận thì cần có cơ chế quản lý khác để đạt được mục tiêu đề ra.
 |
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường - Ảnh: PHN |
Về phạm vi điều chỉnh, việc loại bỏ “tiền tệ thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ” ra khỏi khái niệm tài sản công và không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này là không phản ánh đúng và đầy đủ bản chất của tài sản công. Trên thực tế, tiền tệ thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ cũng là một phần quan trọng của tài sản công và thậm chí cần được quản lý chặt chẽ, hiệu quả để gia tăng và phát triển tài sản công. Việc loại bỏ nội dung này khỏi khái niệm tài sản công dẫn đến dự thảo luật này vẫn không trở thành luật gốc và bao trùm cho mọi hành vi cũng như hoạt động quản lý tài sản công, như vậy thì mục tiêu ban hành luật không trọn vẹn. Hơn nữa, như đã nêu tại tờ trình dự thảo luật, luật này là bao trùm và đưa ra nguyên tắc chung để các văn bản luật khác điều chỉnh về những loại tài sản công đặc thù khác cần tuân theo. Như vậy không có cơ sở phù hợp nào để loại bỏ “tiền tệ thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, quỹ ngoại tệ” ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này. Nếu cần sự quản lý đặc thù thì tài sản này đã có văn bản luật riêng để điều chỉnh nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ chung của dự thảo luật này để quản lý cho thống nhất và hiệu quả hơn. Tại điều 5 về chính sách quản lý sử dụng tài sản công trong dự thảo quá chung chung, không tạo ra sự đột phá và thay đổi gốc rễ vấn đề như đã nêu trên. Theo đó, với chính sách hiện nay thì sự lãng phí, thiếu minh bạch và thất thoát, tham nhũng vẫn sẽ diễn ra. Bởi lẽ, việc hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa chỉ là một trong những cách thức quản lý tân tiến chứ không phải “chính sách” quản lý. Hay nói cách khác, việc quản lý hiện đại và chuyên nghiệp chỉ là bề nổi, còn gốc rễ trong chính sách quản lý thì chưa được đề cập . Tại điều 6 về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công: Khoản 1 của điều này quy định “Mọi tài sản công đều được nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng khác theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan”. Nội dung này cần được xem xét là một phần trong chính sách quản lý tài sản công mà không phải là nguyên tắc quản lý tài sản công. Do đó, cần xem xét lại kết cấu của nội dung này. Khoản 4 của điều này cần quy định việc sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh phải bảo đảm có lãi chứ không chỉ bảo đảm bù đắp chi phí. Tại khoản 3, điều 62 dự thảo luật quy định: Riêng số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan quản lý tài sản công làm chủ tài khoản, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trừ các trường hợp sau đây: a) Trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng để thực hiện dự án di dời, đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hoạt động sự nghiệp thực hiện hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Theo tôi, các quy định nội dung này chưa đúng với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và chưa đúng với quy định của Hiến pháp về việc chi ngân sách nhà nước, phải có trong dự toán năm được Quốc hội phê duyệt. Cũng tương tự như trên, tại khoản 6, điều 104; khoản 1,2 điều 114 quy định các khoản thu của ngân sách nhà nước về bán, thanh lý tài sản công, thu sử dụng đất nộp vào tài khoản tạm giữ và cho phép sử dụng chi cho nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách là trái với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Hiến pháp 2013. Vì vậy tôi đề nghị: Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cần bỏ các quy định tại các khoản 1,2 điều 47; khoản 3, điều 62; khoản 1, điểm a, khoản 6 điều 104; khoản 1, 2 điều 114 và các điều, khoản khác có quy định nội dung này và đề nghị sửa theo hướng phải thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Hiến pháp 2013. Các khoản thu của ngân sách nhà nước phải nộp vào ngân sách nhà nước, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước phải được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước cấp có thẩm quyền quyết định theo đúng Luật Ngân sách nhà nước. Về nguyên tắc giám sát của cộng đồng, dự thảo luật có khoản 5 điều 6 và điều 9 quy định về sự giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, theo như dự thảo thì nội dung này quá sơ sài và chỉ mang tính hình thức. Bởi lẽ, không có cơ chế cụ thể, rõ ràng và khả thi cho việc giám sát của cộng đồng đối với tài sản công. Nếu đã là nguyên tắc trong quản lý tài sản công thì cần quy định chi tiết cơ chế giám sát của cộng đồng như thế nào? Thành phần nào được tham gia giám sát, thời điểm giám sát, thẩm quyền và phạm vi giám sát? Ngoài ra, kết quả giám sát nếu phát hiện vi phạm trong quản lý tài sản công thì xử lý ra sao? Nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ báo cáo của đơn vị trực tiếp quản lý tài sản công đối với người hoặc nhóm người thực hiện vai trò giám sát của cộng đồng đối với tài sản công như thế nào? Tất cả những vấn đề này đều không được quy định chi tiết trong dự thảo. Vì thế, nguyên tắc giám sát của cộng đồng đối với quản lý tài sản công tại dự thảo chỉ mang tính hình thức, khó có thể vào đời sống và không tạo được niềm tin của cộng đồng đối với chính sách quản lý tài sản công. Trong dự thảo hiện nay, cơ quan quản lý tài sản công đồng thời cũng là cơ quan có vai trò giám sát việc quản lý tài sản công (bên cạnh thẩm quyền giám sát của cộng đồng và của Quốc hội). Như vậy, việc giám sát nào sẽ được ưu tiên, kết quả giám sát nào sẽ được xem xét nếu có sự không thống nhất về kết quả giám sát của các cơ quan này? Về nguyên tắc công khai: Đây cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong quản lý và sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, công khai như thế nào lại không được quy định cụ thể. Trong dự thảo, trách nhiệm công khai tài sản công của cả nước thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu toàn dân là Bộ Tài chính; sau đó là các cơ quan hành pháp từ Trung ương đến địa phương, UBND các cấp và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công. Tuy nhiên, dự thảo hoàn toàn không có các quy định rõ ràng về cơ chế và hình thức công khai như thế nào để cộng đồng có thể biết và giám sát việc quản lý tài sản công. Đề nghị cần bổ sung thêm các điều luật quy định rõ ràng về hình thức công khai, quy trình công khai, phạm vi và việc định kỳ công khai tài sản công; thậm chí cần xem xét nghĩa vụ trả lời yêu cầu cung cấp thông tin về tài sản công của đại diện cộng đồng trong những trường hợp nhất định. Xin cảm ơn Quốc hội. PHẠM HỒNG NAM (lược ghi)