(QT) - Từng cống hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ đất nước, trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng những cựu chiến binh (CCB) trên quê hương Quảng Trị vẫn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ, tích cực phát triển sản xuất kinh doanh, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ đồng đội vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hết lòng vì đồng đội
![]() |
Cựu chiến binh Trần Xuân Quý với niềm vui lúc nhàn rỗi |
Không chỉ là người đầu tiên có sáng kiến khai thác bãi biển Triệu Lăng vào hoạt động dịch vụ du lịch hay đưa mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đến với người dân địa phương, ông Trần Xuân Quý (sinh năm 1954) ở thôn 6, xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong) còn được biết đến là CCB nghĩa tình, hết lòng vì đồng chí, đồng đội. Căn nhà xây kiên cố theo kiến trúc biệt thự vườn của gia đình ông Quý là thành quả công sức lao động không mệt mỏi của người CCB, thương binh hạng 4/4, mang trong mình chất độc hóa học tỷ lệ 61%.
Dù cơ thể nhiều thương tích, sức khỏe không đảm bảo nhưng ông Quý cảm thấy bản thân đã rất may mắn khi được sống sót trở về quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Lửa đạn chiến tranh đã tôi luyện cho ông bản lĩnh kiên cường, vượt qua các thử thách nghiệt ngã của cuộc sống. Năm 1976 trở về quê hương sau ngày giải phóng, ông Quý đã làm rất nhiều nghề, kể cả việc chạy chợ buôn cá kiếm sống qua ngày. Đến năm 2000 ông nhận thấy tiềm năng nguồn hải sản tươi sống của vùng biển bãi ngang Triệu Lăng cùng với lợi thế bãi cát dài trải dọc chân biển nên đã tập hợp thêm 12 CCB khác trong thôn trình bày về ý tưởng thu mua hải sản do bà con đánh bắt và mở dịch vụ ăn uống phục vụ khách tắm biển.
Được đồng đội hưởng ứng, ông Quý viết đơn trình bày nguyện vọng của mình và các CCB địa phương để thành lập bãi tắm Nhật Tân. Nhờ lợi thế nguồn hải sản dồi dào, tươi ngon, bãi biển rộng rãi, nước sạch nên vào mùa hè khách đổ về bãi tắm ngày một đông. Từ những hàng quán nhỏ ban đầu của các CCB, nay đã có hàng chục hộ gia đình ở Triệu Lăng tham gia kinh doanh trên bãi biển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Hiện tỉnh đang đầu tư 28 tỉ đồng để xây dựng một số hạng mục hạ tầng ban đầu như mặt bằng, kè, điện chiếu sáng… Từ ý tưởng ban đầu của ông Quý, nay bãi biển Nhật Tân đã được tỉnh quy hoạch xây dựng thành một khu du lịch dịch vụ ven biển hiện đại trải dài dọc theo 4 km bờ biển xã Triệu Lăng.
Không chỉ là người “khai sinh” ra bãi biển Nhật Tân, ông Quý còn là người tiên phong nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Triệu Lăng. Năm 2007 qua phương tiện thông tin đại chúng, ông Quý thấy ở miền Nam có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát rất hiệu quả nên đã khăn gói lên đường học hỏi kinh nghiệm và về bắt tay xây dựng mô hình. Đến nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã được nhân rộng trên địa bàn xã Triệu Lăng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với sản lượng toàn xã đạt trên 600 tấn/năm.
Nhiều hộ gia đình chỉ một vụ nuôi tôm lãi ròng từ 800 – 900 triệu đồng. Riêng gia đình ông Quý, vụ tôm đầu năm 2017 lãi ròng 700 triệu đồng. Bây giờ, khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông Quý dành phần lớn thời gian chăm lo cho đồng chí, đồng đội bằng cách hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm làm ăn cho các CCB trên địa bàn. Với vai trò Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị huyện Triệu Phong, ông tích cực tham gia vận động, kêu gọi xây dựng nhà tình nghĩa cho CCB có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp các đơn vị tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…
Phát huy truyền thống gia đình
![]() |
CCB Lê Văn Hiêu (giữa) chuyện trò với người dân về đoạn đường ông vận động nhân dân xây dựng |
Là cháu nội của Mẹ Việt Nam anh hùng có 3 con là liệt sĩ, bản thân ông cũng là con liệt sĩ đồng thời là một CCB gương mẫu có nhiều đóng góp cho địa phương, ông là Lê Văn Hiêu (sinh năm 1963) ở thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng. Từng là chiến sĩ bộ đội biên phòng ở Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Việt từ năm 1981 – 1990, ông Hiêu phục viên trở về địa phương làm nông nghiệp. Để phát triển kinh tế gia đình, năm 2000, ông Hiêu cùng một số người dân trong thôn góp vốn xây dựng lò gạch, ngói.
Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, sợ ảnh hưởng đến môi trường trong thôn nên ông bàn bạc mọi người đóng cửa lò gạch. Sau đó, ông dồn vốn liếng đầu tư cho nông nghiệp bằng cách mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp vừa phục vụ gia đình canh tác 1,5 mẫu đất lúa vừa phục vụ người dân trồng lúa trên địa bàn. Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, ông Hiêu còn tích cực trong công tác xã hội. Với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy bộ phận, Trưởng thôn Đại An Khê, Trưởng ban phát triển xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Hiêu đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở thôn Đại An Khê như: Họp dân lấy ý kiến tham gia, cách thức làm, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để mở rộng mặt đường bê tông hóa giao thông toàn thôn với chiều dài 3,8 km; mở rộng đổ bê tông mặt đường 5 m, nền đường 7 m.
Nhờ cách thuyết phục hợp tình hợp lý, dân chủ cơ sở được phát huy, các khoản thu chi thực hiện công khai, minh bạch nên ông đã vận động nhân dân hiến 3.000 m2 đất ở; 5.000 m2 đất sản xuất cùng với nhiều cây cối, vật kiến trúc trên đất có giá trị để mở rộng mặt đường đúng chuẩn. Đồng thời, ông cũng vận động người dân đóng góp 20kg thóc/khẩu/năm làm quỹ xây dựng giao thông. Từ nguồn quỹ này, thôn Đại An Khê đã tiến hành đổ đất san lấp mở rộng mặt đường chính, trị giá hơn 250 triệu đồng; bê tông được 2,8/3,8 km đường với tổng giá trị 1,68 tỉ đồng, trong đó vốn do nhân dân đóng góp 50%; lắp đặt các hệ thống bi, cống rãnh thoát nước trên các tuyến đường thôn để tránh xói lở.
Ngoài ra, thôn Đại An Khê đã cơ bản hoàn thành 13 km đường xóm và bê tông hóa 4,5/10 km giao thông nội đồng. Tổ chức vận động nhân dân hưởng ứng chương trình thắp sáng đường quê với 13 km đường được chiếu sáng, trong đó 5,6 km đường thôn, 7,4 km đường xóm với 262 bóng đèn, tổng kinh phí 260 triệu đồng. Vận động nhân dân xây mới, sửa chữa nhà ở, xây tường rào bê tông, cây xanh, cổng gia đình. Đến nay, toàn thôn có 265 hộ xây tường rào đẹp, có cổng nhà các hộ gia đình còn lại đều trồng cây xanh làm bờ rào. Tổ chức thu gom rác thải đúng thời gian, địa điểm quy định, không có tình trạng xả rác ở nơi công cộng… Những việc làm ý nghĩa của ông Lê Văn Hiêu đã giúp thôn Đại An Khê nói riêng, xã Hải Thượng nói chung đạt chuẩn NTM từ năm 2015.
Uy tín với bản làng
![]() |
Cựu chiến binh Hồ Thanh Phức thu hoạch tiêu |
Ở xã miền núi Linh Thượng, huyện Gio Linh, CCB Hồ Thanh Phức (sinh năm 1940) ở thôn Cù Đinh là người chủ gia đình kiểu mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian mới tìm được ông Phức. Đơn giản vì thời gian này đang vào vụ thu hoạch tiêu, cao su, người dân trong bản đều bận rộn lên rẫy, lên nương với mùa vụ nên nhà nào cũng cửa đóng, then cài.
Dò dẫm mãi, trời quá trưa chúng tôi mới tìm được một người dân địa phương chỉ đường lên rẫy tiêu, nơi ông cùng các thành viên trong gia đình đang làm việc. Chuyện trò với ông Phức, chúng tôi nhận thấy để có được sự bận rộn của đồng bào dân tộc thiểu số xã Linh Thượng trong sản xuất như ngày hôm này là cả một chặng đường dài. Nếu người dân trước đây chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, cứu đói giáp hạt của Nhà nước thì ngày nay bà con đã tự nỗ lực vươn lên để cải thiện cuộc sống gia đình. Từ ông, người dân ở Linh Thượng không chỉ xóa bỏ tập quán du canh, du cư để ổn định sản xuất mà còn biết đầu tư những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ chiến trường trở về, ông Phức được người dân địa phương tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ như: Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã, Chủ tịch Hội CCB xã… Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông Phức luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế bằng cách khai hoang trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, ông có 2 ha rừng tràm, 2 cao su, 5 sào cây hồ tiêu, 1,5 mẫu sắn, 6 sào lúa nước, 4 con trâu, 4 con bò… Từ cách nghĩ, cách làm của ông Phức đều được người trong thôn học tập làm theo. Hiện thu nhập chính của người dân thôn Cù Đinh nói riêng, xã Linh Thượng nói chung là nhờ vào trồng rừng sản xuất, khai thác mủ cao su và trồng sắn.
Kinh tế gia đình dần cải thiện, ông có cơ hội nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn. Đến nay, các con ông đều đã lập gia đình, công việc ổn định, trong đó 3/7 người có trình độ đại học. Uy tín của ông Phức còn thể hiện khi mỗi lần người dân trong thôn có việc gì thắc mắc đều tìm đến ông hỏi và tham khảo ý kiến. Nhiều khúc mắc, mâu thuẫn của người dân trong tranh chấp đất đai, cuộc sống gia đình được ông hòa giải bước đầu tại cơ sở, tránh kiện cáo gây mất tình nghĩa. Cứ mỗi lần tham gia hòa giải, ông lại kết hợp tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân hiểu biết và thực thiện tốt hơn. Cũng nhờ thế, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn Cù Đinh trở thành thôn điển hình của xã Linh Thượng.
Từ nguồn vốn của Nhà nước và các dự án, ông Phức đã tích cực vận động hiến đất, giải phóng mặt bằng bàn giao cho các đơn vị thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn. Hiện hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể nói, từ hình ảnh, uy tín của một CCB, ông Phức đã mang lại sự đổi thay đáng kể từ bộ mặt nông thôn đến chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Linh Thượng.
Người thương binh “tàn nhưng không phế”
![]() |
CCB Ngô Xuân Châu miệt mài đóng khung tranh |
Đó là cách gọi trìu mến mà bạn bè, hàng xóm, người thân thường sử dụng khi nhắc đến ông Ngô Xuân Châu (sinh năm 1963), thương binh hạng 1/4 ở khu phố 1, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Bị thương nặng ở chiến trường Campuchia trở về với tỷ lệ thương tật ảnh hưởng trên 85% sức khỏe, ông Châu từng bại liệt nằm một chỗ. Những cơn đau liên tục hành hạ trên khắp cơ thể khiến ông nhiều lần muốn đầu hàng số phận. Vậy nhưng, ý chí, nghị lực của người lính được tôi luyện trong những năm tháng chiến tranh đã giúp ông vượt lên hoàn cảnh, miệt mài tập luyện phục hồi chức năng, vật lý trị liệu để có thể tự đứng lên bằng đôi chân của mình.
Rồi ông Châu may mắn gặp được một người con gái Huế tên Hoàng Thị Kim Đặng. Lúc này bà Đặng là chị gái của một thương binh khác cùng điều trị thương tật với ông Châu tại Đoàn thương binh 581, Bình Trị Thiên. Cảm phục nghị lực của ông Châu, bà Đặng sau này đã trở thành người vợ, người bạn tri kỷ cùng ông vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống. Hiện vợ chồng ông Châu có 1 căn nhà mặt phố nằm ở trung tâm thị trấn Cam Lộ, 1 xưởng đóng khung tranh; 1 sân bóng đá cỏ nhân tạo 4.000 m2 trên địa bàn huyện. Ngoài ra, vợ chồng ông còn có 1 gian hàng bán đồ thờ cúng; 1 gian hàng bán phụ kiện gà đá, chim cảnh; dịch vụ phục vụ đám cưới…
Nhìn cơ ngơi này sẽ chẳng ai ngờ rằng, đã có lúc vợ chồng ông nằm vào diện khó khăn về nhà ở. Đó là thời kỳ mới trở về quê hương sau thời gian dài điều trị phục hồi chức năng tại Đoàn thương binh 581. Sau chiến tranh, mọi thứ đều hoang tàn đổ nát trong khi vợ chồng ông không đủ sức khỏe để khai hoang, phát triển sản xuất như mọi người. Nhờ chút khéo tay về tranh ảnh nên ông Châu mở xưởng đóng khung tranh, bà Đặng kiếm thêm tiền bằng nghề buôn bán. Đồng cam, cộng khổ vợ chồng ông đã vượt qua khó khăn, chắt chiu dành dụm từng đồng để có được như ngày hôm nay.
Ông Châu chia sẻ: “Là thương binh nặng, thời kỳ đầu trở về quê hương, tôi gần như sống nhờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng nhờ sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình, sức khỏe tôi ngày một khá lên. Đặc biệt, khi 4 đứa con của vợ chồng tôi lần lượt chào đời, tôi nghĩ mình không thể cứ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà cần cố gắng để con mình sinh ra có cuộc sống tốt đẹp hơn. Động lực đó giúp tôi làm việc và quên đi những vết thương trên cơ thể”.
Nguồn thu từ các dịch vụ mà gia đình ông Châu đang kinh doanh, buôn bán sau khi trừ chi phí còn khoảng 300 triệu đồng/ năm. Nguồn thu đó với một người sức khỏe bình thường đã là điều không dễ, với một thương binh nặng như ông càng đáng khâm phục. Dù vậy, theo ông Châu, tài sản lớn nhất mà ông có được là người vợ hiền và 4 người con của ông hiện nay đều khỏe mạnh và có việc làm ổn định.
Thương người như thể thương thân
![]() |
Cựu chiến binh Trần Trọng Vĩnh hướng dẫn con gái chị Nguyễn Thị Cúc học hành |
CCB Trần Trọng Vĩnh (sinh năm 1957), thương binh hạng 4/4 ở khu phố 7, phường 2, thành phố Đông Hà được nhiều người biết đến là người có tấm lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Từ năm 1981 phục viên trở về quê sau vết thương ở chân tại chiến trường Campuchia, ông Vĩnh đã được người dân trên địa bàn tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí quan trọng như Bí thư, Chủ tịch phường 2 lúc bấy giờ.
Đến năm 2011, ông Vĩnh nghỉ hưu theo chế độ và hiện đang là Bí thư Chi bộ 7 kiêm Trưởng Ban Bảo vệ dân phố phường 2. Cũng vì thế, ông Vĩnh là người thường xuyên tiếp cận và hiểu rất rõ những hoàn cảnh khó khăn cũng như các đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn phường. Ngoài việc tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Vĩnh còn hay giúp đỡ người nghèo khó. Nhờ đất hương hỏa của cha mẹ để lại, ông Vĩnh đã xây dựng được 30 phòng trọ cho thuê với tổng thu nhập mỗi tháng gần 20 triệu đồng. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Vĩnh. Tuy nhiên, cũng từ những dãy nhà trọ cho thuê này, ông Vĩnh đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn có chỗ nương thân lúc hoạn nạn.
Như trường hợp của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Cúc, ở khu phố 3, phường 4, lâm hoàn cảnh khó khăn do chồng thường xuyên say xỉn, đánh đập. 8 năm về trước chị Cúc không chịu nổi cảnh người chồng thiếu quan tâm gia đình đã bồng 2 con nhỏ bỏ nhà đi và đến xin ở trọ tại nhà ông Vĩnh. Cảm thương hoàn cảnh chị Cúc không có việc làm, nuôi 2 con nhỏ ông Vĩnh đã bàn bạc với vợ cho chị Cúc ở trọ 2 năm không lấy tiền thuê trọ. Hàng ngày, ông bà còn thay nhau chăm con nhỏ cho chị Cúc tìm việc làm.
Chị Cúc tâm sự: “8 năm qua, mẹ con tôi sống được là nhờ vợ chồng ông Vĩnh cưu mang. Cũng nhờ ông bà giúp đỡ, các con tôi mới có được nơi ăn chốn ở, học hành tử tế. 6 năm nay tôi đã trả tiền thuê trọ vì mình đã có tiền thu nhập hàng tháng bằng việc bán trái cây ở chợ Đông Lễ nhưng nghĩa tình của gia đình ông Vĩnh, mẹ con tôi không bao giờ quên”. Cũng với tình cảm “thương người như thể thương thân”, ông Vĩnh đã cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ, tái hòa nhập cộng đồng.
Điển hình là năm 2016, ông đã giúp đỡ, cảm hóa một người ở khu phố 6, phường 2. Được biết, H.V. đi tù 2 năm trở về quê do tội buôn bán ma túy nhưng có mẹ già mất sức lao động, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cần vốn sản xuất nhưng không thể vay vốn ngân hàng. Để giúp H.V. hoàn lương, ông Vĩnh đã đứng ra tín chấp bảo lãnh cho H.V vay 300 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mở nhà máy sản xuất nước đá. Nhờ vậy, H.V. đã có công việc ổn định, sống lương thiện bằng sức lao động của mình để chăm sóc mẹ già.
Lâm Thanh