Nơi lưu giữ ký ức chiến tranh
(QT) - Cô bé Nguyễn Thị Thùy Trang, học sinh lớp 6, Trường THCS Lê Hồng Phong, Cam Lộ (Quảng Trị) đã đứng tần ngần rất lâu trước gian trưng bày các loại bom mìn tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, nơi mà lần đầu tiên em cùng các bạn được đến tham quan. Những vỏ bom bi nhắc em nhớ đến vụ tai nạn thương tâm mà một người cùng thôn không may gặp phải trong lúc đi rà phế liệu, dẫn đến một chân bị mất vĩnh viễn... Buổi ngoại khóa hôm nay khá đặc biệt đối với các em học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong. Nhờ kinh phí tài trợ thông qua tổ chức Renew, các em được về thành phố Đông Hà để tham quan Bảo tàng tỉnh, và đặc biệt là đến thăm Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị. Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh ác liệt của chiến tranh, những hậu quả do bom mìn còn sót lại trong thời bình gây ra đối với người dân, các em học sinh đã thực sự rất xúc động.
 |
Các em học sinh tham quan Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn Quảng Trị |
Em Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ: “Em đã được biết một vài vụ tai nạn xảy ra đối với những người sống quanh mình khi tham gia rà tìm phế liệu chiến tranh, nhưng hôm nay đến đây, được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh thương tâm này, em mới thực sự cảm nhận được sự nguy hại của bom mìn gây ra đối với người dân vô tội. Chúng em đã hiểu là cần phải làm như thế nào khi phát hiện thấy bom mìn trong môi trường xung quanh mình”. Nhờ buổi ngoại khóa này đã mở mang rất nhiều tầm hiểu biết cho Trang và các bạn về những tác hại khôn lường của bom mìn cũng như học được nhiều kiến thức, kỹ năng phòng tránh nguy hiểm do bom mìn gây ra. Đây cũng chính là địa chỉ mà nhiều trường THCS, Tiểu học, THPT trong tỉnh tổ chức cho các em học sinh đến tham quan để hiểu hơn về hậu quả chiến tranh bằng thực tế sinh động nhất. Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn được UBND tỉnh Quảng Trị quyết định thành lập và do Dự án Renew phối hợp với Sở Ngoại vụ đưa vào hoạt động từ tháng 8/2011, đặt tại làng Trẻ em trên hết, thành phố Đông Hà. Trung tâm ra đời nhằm cung cấp hình ảnh trung thực nhất trong điều kiện có thể về những gì xảy ra trong chiến tranh và trong hòa bình trên mảnh đất bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất Việt Nam này. Bằng những hiện vật, những hình ảnh tư liệu sinh động được trưng bày tại trung tâm, khách đến tham quan sẽ hiểu thêm về sự khốc liệt của chiến tranh, về ảnh hưởng và tác hại của bom mìn sau chiến tranh, về nỗ lực vượt qua mất mát, đau thương, đói nghèo của người dân cũng như cố gắng của chính quyền, nhân dân và các tổ chức quốc tế trước thách thức này; đồng thời hiểu sâu sắc thêm giá trị của hòa bình, sự vươn lên của đất và người Quảng Trị trong công cuộc tái thiết quê hương. Anh Nguyễn Thành Phú, quản lý Trung tâm cho biết: “Từ khi khai trương đến nay trung tâm đã đón hơn 1.500 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế quan trọng như đoàn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, tổ chức UNDP, đại sứ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ailen, Đài Loan, các bộ, ngành trung ương, các hãng thông tấn báo chí quốc tế... Phần lớn khách đến tham quan trung tâm trưng bày là cựu chiến binh Mỹ, họ rất xúc động khi xem lại những hình ảnh tư liệu, hiện vật chiến tranh”. Đặc biệt, trung tâm đã đón hơn 4.000 lượt học sinh từ các huyện mà dự án Renew triển khai hoạt động là Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông đến tham quan thực tế. Các gian trưng bày được chia thành những nội dung cụ thể như: Phần giới thiệu về hậu quả chiến tranh, những nỗ lực rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh của người dân địa phương, các hoạt động rà phá của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền và quân đội, các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân bom mìn với những hình ảnh tư liệu chân thực, hiện vật tương đối phong phú, phản ánh sinh động thực tế sự khốc liệt của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng như những nỗ lực của chính quyền, nhân dân và các tổ chức quốc tế nhằm khắc phục hậu quả bom mìn. Tại trung tâm còn có một phòng chiếu phim đa phương tiện với sức chứa khoảng 50 người thường xuyên mở cửa, trình chiếu các bộ phim tư liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam dành cho khách tham quan. Để minh chứng sinh động thêm thực tế về hậu quả do bom mìn gây ra, các cán bộ của dự án Renew, đơn vị quản lý Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn đã mời những nhân chứng là nạn nhân bom mìn đến nói chuyện với các em học sinh. Tại buổi tham quan hôm nay, các em học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong được nghe câu chuyện của anh Nguyễn Xuân Tuấn, cũng là một người dân Cam Lộ, đã bị cụt mất một cánh tay khi tham gia tìm phế liệu chiến tranh cách đây mười năm. Bây giờ, Tuấn đã có công việc mới là bán vé số dạo và đang theo học cao đẳng ngành Công nghệ thông tin, em cũng tham gia vào sáng kiến “Người vận động” do tổ chức Handicaf Internationl tài trợ nhằm tuyên truyền, ủng hộ “Công ước bom chùm”. Chính những người như Tuấn, với thực tế bản thân là nạn nhân của bom mìn, sẽ là người vận động có hiệu quả nhất đối với những người khác về việc phải tránh xa bom mìn. Cùng với các hoạt động khác mà dự án Renew đang thực hiện trong lĩnh vực hoạt động bom mìn như khảo sát, đánh giá, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về bom mìn; rà phá bom mìn; giáo dục nguy cơ bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn và hỗ trợ phát triển cộng đồng, việc xây dựng Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị chính là địa chỉ tham quan đặc biệt ý nghĩa, không chỉ với khách tham quan nói chung mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thế hệ học sinh. Từ những tư liệu, hình ảnh, kiến thức được tiếp nhận bằng thực tế sinh động khi tham quan trung tâm sẽ trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để tránh xa bom mìn, đồng thời truyền đạt lại cho những người dân sống quanh mình về những tác hại, nguy cơ của bom mìn để họ biết cách phòng tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra. Bài, ảnh: THANH TRÚC