Giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(QT) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là tập hợp những ý kiến, đánh giá và xếp hạng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về chất lượng điều hành nền kinh tế, cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên 9 lĩnh vực gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Đây là kết ...

Giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(QT) - Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là tập hợp những ý kiến, đánh giá và xếp hạng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về chất lượng điều hành nền kinh tế, cải cách hành chính của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên 9 lĩnh vực gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI). Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi giúp DN và các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn. UBND tỉnh đã ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư như thuê đất, thuế, đào tạo lao động…và trích ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp và khu kinh tế, khu du lịch nhằm tạo quỹ đất “sạch” để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, giấy CNQSD đất.

Lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Thái Lan và các nhà đầu tư Thái Lan kiểm tra thực địa, nghe giới thiệu về quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Đặc biệt trong năm 2012, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam; Hội nghị thứ trưởng Ngoại giao 3 nước Việt Nam- Lào- Thái Lan về Hành lang kinh tế Đông- Tây; Hội nghị xúc tiến đầu tư Hàn Quốc vào Quảng Trị; Hội chợ triển lãm quốc tế “Nhịp cầu xuyên Á”. Thông qua các sự kiện này, tỉnh Quảng Trị đã có dịp quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó tỉnh đã tích cực vận động, thu hút các nhà đầu tư. Tính đến cuối tháng 6/2013 đã thu hút 130 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 33.104 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới nhưng số lượng DN trên địa bàn vẫn tăng mạnh (tăng 213 DN so với năm 2012), đặc biệt có nhiều DN đã vượt qua khó khăn duy trì ổn định sản xuất- kinh doanh là tín hiệu khả quan và đóng góp tích cực vào nền kinh tế tỉnh Quảng Trị. Căn cứ vào bảng xếp hạng về chỉ số PCI trong 6 năm qua của tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chuyển biến nhưng thiếu tính ổn định và bền vững. Năm 2007 xếp hạng thứ 47 (thuộc nhóm điều hành trung bình); năm 2008 xếp hạng thứ 40 (trung bình); năm 2009 xếp thứ 46 (khá); năm 2010 xếp thứ 16 (tốt); năm 2011 xếp thứ 13 (tốt); năm 2012 xếp thứ 37 (khá). Chỉ số PCI của tỉnh năm 2012 giảm 24 bậc so với năm 2011, đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố. So với các tỉnh Bắc Trung bộ thì Quảng Trị đứng thứ hai, so với các tỉnh duyên hải miền Trung thì Quảng Trị đứng thứ 7, trong khi đó năm 2011 Quảng Trị đứng thứ 3. Trong 9 chỉ số thành phần PCI được xếp hạng năm 2012, tỉnh Quảng Trị có 3 chỉ số tăng thứ hạng và 6 chỉ số giảm thứ hạng. Đó là 3 chỉ số về dịch vụ hỗ trợ DN; tính năng động và đào tạo lao động, 6 chỉ số vừa giảm điểm vừa giảm thứ hạng gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý. Sự tụt hạng của chỉ số PCI năm 2012 có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân cơ bản được xác định đó là việc công khai, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác quỹ đất và bố trí tái định cư, GPMB chưa kịp thời. Công tác đối thoại giữa DN với chính quyền chưa chủ động và thiếu thường xuyên. Một bộ phận cán bộ công chức còn thiếu ý thức trong việc phục vụ DN, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu, có thái độ cửa quyền đối với nhân dân và DN. Sự phối hợp giữa các ban, ngành trong hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN chưa đồng bộ và thiếu chặt chẽ. Việc hỗ trợ DN sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh còn nhiều hạn chế. Đặc biệt với hơn 90% DN trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất- kinh doanh nên việc tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại không được thuận lợi. Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN và nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh bởi đây là vấn đề cốt lõi của việc cải thiện chỉ số PCI, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị cần tìm ra các giải pháp phù hợp. Trước hết phải nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc những tồn tại và hạn chế trong thu hút, kêu gọi đầu tư. Tập trung rà soát lại các chỉ số thành phần, trong đó tập trung phân tích một cách thấu đáo để tìm ra nguyên nhân tại sao các chỉ số này tụt hạng từ đó tìm ra các giải pháp cụ thể. Trước tiên là các chỉ số về tiếp cận thông tin (gia nhập thị trường), tính minh bạch, chi phí không chính thức và cải cách thủ tục hành chính. Muốn cải thiện các chỉ số này thì phải thực hiện công bố các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh; công khai quy hoạch phát triển các khu, cụm CN trên các trang thông tin điện tử của tỉnh; các văn bản được phép công bố phải được đưa lên trang thông tin kịp thời và khoa học. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt mô hình một cửa liên thông; rà soát để giảm thiểu các quy trình, thủ tục không cần thiết, tăng cường ứng dụng CNTT, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại các cơ quan; giảm thời gian thanh tra, kiểm tra, rút ngắn thời gian đăng ký, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Nâng cao trách nhiệm, ý thức trong công việc của cán bộ, công chức, tăng cường giáo dục đạo đức, thái độ ứng xử văn minh kết hợp với tăng cường thanh tra công vụ nhằm xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, địa phương có hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây nhũng nhiễu đối với DN và người dân. Về chi phí không chính thức đây là chỉ số nhạy cảm. Để cải thiện chỉ số này trước hết cần phải công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính để DN và nhà đầu tư dễ dàng tiếp nhận và tìm hiểu thấu đáo. Mặt khác cần phải có giải pháp đồng bộ và kiên quyết của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội trong việc mạnh dạn tố giác và xử lý nghiêm các cá nhân có biểu hiện vụ lợi, gây khó khăn. Có cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết các thủ tục cho người dân, DN và có các quy định thưởng, phạt công khai. Riêng đối với chỉ số tiếp cận đất đai (giảm từ thứ 6 xuống thứ 33), trước hết phải kiện toàn sự thống nhất trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý chặt chẽ đất đai, chống lãng phí trong sử dụng nguồn tài nguyên đất. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Công khai quy hoạch tái định cư, đảm bảo quyền lợi cho người dân, tổ chức có đất bị thu hồi. Rút ngắn thời gian giao đất cho nhà đầu tư. Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất, bố trí khoa học, hợp lý để thu hút các dự án đầu tư có tính khả thi; khẩn trương và tích cực trong công tác đền bù, GPMB đảm bảo đúng tiến độ của dự án, gắn việc đầu tư với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trong điều kiện là tỉnh nghèo và nguồn hỗ trợ từ Trung ương có hạn nên tỉnh cần phải tích cực vận động các nguồn tài trợ ODA để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, đô thị... Mặt khác tỉnh cần chủ động tổ chức đối thoại định kỳ giữa chính quyền và DN, tạo cơ hội để các DN và nhà đầu tư tiếp xúc, trao đổi về những khó khăn vướng mắc và cùng bàn giải pháp tháo gỡ. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA