Vụ bài thi 8,5 điểm thành... 0 điểm: Do máy hay do tắc trách?
(TTO) - Sau thông tin vụ bài thi 8,5 điểm biến thành 0 điểm (Tuổi Trẻ ngày 24 và 25-7), Tuổi Trẻ đã nhận được hơn 500 email và rất nhiều điện thoại bạn đọc phản hồi xung quanh vụ việc này.

Vụ bài thi 8,5 điểm thành... 0 điểm: Do máy hay do tắc trách?

(TTO) - Sau thông tin vụ bài thi 8,5 điểm biến thành 0 điểm ( Tuổi Trẻ ngày 24 và 25-7), Tuổi Trẻ đã nhận được hơn 500 email và rất nhiều điện thoại bạn đọc phản hồi xung quanh vụ việc này.

Phụ huynh luôn theo dõi sát sao việc thi cử, học hành của con nhưng có nhiều điều ngoài tầm tay của họ. Trong ảnh: phụ huynh được tư vấn chọn nguyện vọng cho con trước kỳ tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
>> Một bài thi 8,5 điểm thành... 0 điểm >> Xin lỗi Thảo vì những lầm lỗi của người lớn >> Nỗi đau của cô học trò giỏi

Để hiểu thêm các quy trình liên quan đến việc chấm thi, chúng tôi tìm đến những người có tham gia các quy trình chấm thi, lên điểm kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM.

* Một giáo viên chấm thi lớp 10 (giấu tên):

Quá tin tưởng vào máy móc!

Những bài thi điểm 0 thường được các tổ chấm lưu ý kỹ. Về tâm lý giáo viên chấm thi, với những bài thi này, chúng tôi luôn xem đi xem lại để có thể không phải cho các em điểm liệt. Theo quy định, mỗi bài thi do hai người chấm, mỗi người sẽ ghi điểm lên một phiếu chấm riêng. Nếu có sai biệt quá lớn, hai giám khảo sẽ có tranh luận để thống nhất điểm. Sau đó được kiểm dò lại với điểm trên máy tính. Những bài thi phúc khảo cũng được chấm theo quy trình như vậy.

Câu trả lời của bộ phận khảo thí Sở GD-ĐT cho rằng sai sót do khâu nhập điểm, nhưng khi chấm phúc khảo xong phải lập biên bản chấm điểm với điểm số chấm được, tại sao không phát hiện sai điểm? Phải chăng cũng giống tình trạng ở Quảng Nam là ráp nhầm phách mới không phát hiện? Sở phải tổ chức kiểm tra lại toàn bộ điểm của đợt tuyển sinh vừa rồi, công bố cho công chúng biết, để thể hiện tinh thần trách nhiệm trước xã hội. Đồng thời tìm nguyên nhân, xử lý những người có liên quan để tránh sai sót sau này.

BÙI VĂN TRƯỜNG (TP.HCM)

Theo tôi, có thể sai sót rơi vào khâu kỹ thuật làm phách, nhập mã phách vào máy tính hoặc khâu nhập điểm vào máy. Trong trường hợp có nhầm mã phách giữa các bài thi có thể dẫn tới tình huống có ít nhất hai thí sinh ráp nhầm điểm với nhau.

Thực tế, trong các kỳ thi khác tại trường, nhiều HS mếu máo khóc khi nhận kết quả điểm 0. Kiểm tra lại: khâu chấm, ghi điểm trên giấy không sai nhưng lỗi do khâu nhập mã phách không chính xác (thiếu mất chữ số chẳng hạn). Khi ráp lại, máy tính không hiểu nên tự động chuyển thành điểm 0. Trường hợp này có thể cả hai lần chấm, giám khảo đều cho đúng điểm nhưng máy tính hai lần chuyển thành điểm 0. Lỗi do khâu nhập dữ liệu quá tin tưởng vào máy móc, không kiểm tra phách, mã phách.

* Một cộng tác viên phòng khảo thí Sở GD-ĐT TP.HCM (đề nghị giấu tên):

Có ảnh hưởng đến kết quả học sinh khác?

Năm nay, Sở GD-ĐT TP thực hiện việc cắt và ráp phách theo quy trình mới. Quy trình này khá phức tạp và rất dễ nhầm lẫn: đánh mã số cho mỗi bài thi xong và cắt phách, sau đó đánh mã số lần thứ hai rồi làm thêm một số công đoạn nữa bài thi mới đến tay giám khảo. Mục đích của việc này là để người chấm không thể nhận ra bài làm của HS mình.

Tôi không trực tiếp làm ở bộ phận cắt và ráp phách nhưng theo tôi, sai sót có thể do người chép mã số các bài thi vào máy vi tính, ví dụ bài thi của Thanh Thảo này có mã số là 01 thì người ta lại chép số 01 đó cho Thanh Thảo khác. Khi giám khảo chấm điểm xong thì cứ vào điểm trên máy theo mã số bài thi chứ không xem lại tên họ, ngày tháng năm sinh của thí sinh.

Khi Thanh Thảo đề nghị chấm phúc khảo cũng vậy. Họ rút bài thi ra theo mã số chứ không theo tên của thí sinh (vì tôi được biết việc ráp phách không thực hiện trên 100% số bài thi mà chỉ thực hiện với một tỉ lệ nhất định nhằm kiểm tra có sự nhầm lẫn không). Ở lần thứ hai này, bài thi được rút ra để chấm lại vẫn là bài thi của thí sinh khác. Nếu thật sự sai ở khâu này thì Sở GD-ĐT TP.HCM cần phải ráp phách lại và kiểm tra các bài thi của hàng loạt thí sinh khác có mã số gần em Thanh Thảo. Bởi rất có thể danh sách số phách đã bị lệch dòng ngay từ đầu. Nếu đúng như vậy, kết quả thi lớp 10 của một số thí sinh sẽ phải thay đổi.

H.HG. - P.Đ. ghi

* Ông HUỲNH CÔNG MINH - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:

Sai quy trình phúc khảo

Tối qua 25-7, trả lời Tuổi Trẻ về nguyên nhân sự cố, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho biết đã xác định sai sót ở khâu lên điểm và thông báo điểm của hội đồng phúc khảo. Bài thi của em Thảo được các giám khảo chấm đúng là 8,5 điểm. Do sai sót trong khâu nhập điểm đợt chấm thứ nhất, điểm 8,5 của em biến thành điểm 0. Trong quá trình phúc khảo, bài được rút ra chấm đúng là bài của em. Sau khi chấm phúc khảo, bài thi của em không thay đổi kết quả (tức vẫn giữ nguyên 8,5 điểm). Bộ phận nhập điểm đã tách riêng những bài có thay đổi điểm và những bài giữ nguyên kết quả. Có 83 trong tổng số 1.133 bài phúc khảo có thay đổi điểm số, bài em Thảo nằm trong số những bài không thay đổi kết quả.

Khi báo kết quả, bộ phận khảo thí chỉ thông báo danh sách những em có thay đổi kết quả, bỏ sót trường hợp em Thảo. Sai sót này là sai quy trình phúc khảo, bộ phận nhập điểm chỉ so sánh kết quả giữa hai lần chấm mà đúng ra phải đối chiếu với dữ liệu điểm cũ đã nhập trước đây. Như vậy, tổng cộng có 84 bài thi có thay đổi điểm sau đợt chấm phúc khảo.

Trả lời câu hỏi liệu có còn bài thi nào khác có thay đổi điểm bị bỏ sót như bài thi của em Thảo, ông Minh khẳng định: sau sự cố, sở đã kiểm tra lại tất cả 1.133 bài phúc khảo, trong số những bài không thay đổi kết quả (1.050 bài), ngoài bài thi em Thảo, không có bài nào nhầm lẫn. Về việc xử lý sai phạm liên quan đến vụ việc này, ông Minh cho biết ngày 27-7, sở sẽ họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm từng cá nhân sai sót trong quy trình nhập điểm, sẽ thông báo kết quả và có hình thức xử lý đúng mức.

PHÚC ĐIỀN ghi