Ngày 5/8/2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời. Tỉnh ủy Quảng Trị khóa XIV đã ban hành Chương trình hành động số 72- CTHĐ/TU, ngày 31/12/2008 để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết “tam nông” này. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngành chức năng, sự quan tâm đầu tư, chăm lo của toàn xã hội, sự nỗ lực đồng hành, hợp tác của nông dân trong tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có chuyển biến rõ nét và thu được những thành tựu quan trọng.
Làng quê Triệu Thành, Triệu Phong khởi sắc -Ảnh: Đ.T
Có thể thấy, để thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và dành nguồn lực thích đáng để thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo được luồng sinh khí mới, bước phát triển mới trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển khá toàn diện.
Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Trồng trọt phát triển theo hướng chuyên canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, canh tác tự nhiên gắn với liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được chú trọng.
Độ che phủ rừng tăng lên 50% năm 2021 (so với 45,4% năm 2008). Chăn nuôi chuyển dần theo hướng trang trại tập trung, đảm bảo môi trường và an toàn dịch bệnh. Nuôi trồng thủy, hải sản phát triển theo hướng thâm canh, đa dạng đối tượng và phương thức nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh khai thác xa bờ và phát triển mô hình liên kết giữa khai thác và tiêu thụ sản phẩm. Nhận thức, trình độ, kỹ năng của người nông dân từng bước được nâng lên.
Tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đã có sự đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tiếp tục đầu tư. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang. Các loại hình dịch vụ ở nông thôn ngày càng được đa dạng và nâng cao về chất lượng phục vụ. Toàn tỉnh hiện có 52 hợp tác xã được công nhận hợp tác xã kiểu mới.
Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2022, có 69/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4,4 lần so với năm 2008. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm xuống còn 7,42%. Anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững.
Để tiếp tục dành sự quan tâm đầu tư, chăm lo cho lĩnh vực “tam nông”, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Nghị quyết 19); Kế hoạch số 09-KH/TW ngày 23/8/2022 của Bộ Chính trị về triển khai Nghị quyết 19, ngày 1/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII ban hành Chương trình hành động số 46 - CTr/ TU thực hiện Nghị quyết 19.
Cùng với tập trung quán triệt đầy đủ, sâu sắc 5 quan điểm được xác định tại Nghị quyết 19, Chương trình hành động số 46 - CTr/TU một lần nữa khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư đảm bảo phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền địa phương. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Mục tiêu đề ra là tốc độ tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 từ 3 - 3,5%; giai đoạn 2026-2030 đạt từ 2,5-3%. Có thêm 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 huyện nông thôn mới nâng cao, 1 huyện nông thôn mới kiểu mẫu; có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2020. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 85 - 90%, trong đó tỉ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân hằng năm từ 1 - 1,5%. Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%...
Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Trị có nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao; các ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại và tạo “đầu ra” ổn định cho nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Người dân nông thôn văn minh, có thu nhập cao. Nông thôn hiện đại, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.
Chương trình hành động số 46 - CTr/TU cũng đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn, khơi dậy khát vọng vươn lên của đông đảo nông dân, chung tay củng cố vững chắc nông nghiệp - bệ đỡ của nền kinh tế - phát triển “tam nông” theo hướng hiệu quả, bền vững.
Đan Tâm