Phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)- cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PCGD,XMC tỉnh (viết tắt là BCĐ tỉnh) đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện tham mưu tỉnh, BCĐ cấp tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch và các văn bản để hướng dẫn các cấp triển khai có hiệu quả công tác PCGD, XMC.
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc với BCĐ tỉnh để kiểm tra PCGD tiểu học mức độ 3, XMC mức độ 2 tại tỉnh Quảng Trị năm 2022 -Ảnh: TV
Hiện nay, toàn tỉnh có 399 cơ sở giáo dục, bao gồm mầm non, phổ thông và giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, trong đó 378 cơ sở giáo dục công lập. Ngoài ra, còn có 33 trung tâm ngoại ngữ, tin học tư thục, 12 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, 8 đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Riêng cấp tiểu học, có 150 cơ sở giáo dục, trong đó có 148 trường công lập và 2 trường ngoài công lập với 339 điểm trường.
Đến tháng 2/2023, toàn tỉnh có 14.624 cán bộ quản lý, công chức, viên chức và người hợp đồng lao động, trong đó cấp tiểu học 3.890 người. Trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT Quảng Trị đạt chuẩn, trong đó tỉ lệ trên chuẩn rất cao.
Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019, hiện nay số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo vẫn còn cao với 924 người, trong đó tiểu học 696 giáo viên, THCS 228 giáo viên. Trong đó giáo viên phải tham gia đào tạo nâng chuẩn theo quy định có 795, giáo viên đã tham gia đào tạo từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực 514 người, số giáo viên còn lại phải tham gia đào tạo nâng chuẩn 281, trong đó đang đào tạo 49 giáo viên.
Với mục tiêu nâng cao dân trí, toàn tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác PCGD, XMC. Năm 1996, Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học- chống mù chữ, về đích sớm 4 năm so với kế hoạch chung của toàn quốc. Năm 2005, Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD THCS; năm 2006, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD tiểu học đúng độ tuổi; năm 2013, được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Phát huy kết quả đạt được, BCĐ tỉnh đã chỉ đạo cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng PCGD mầm non, tiểu học, THCS và đang thực hiện kế hoạch phổ cập bậc trung học từ năm 2012 theo Đề án phổ cập bậc trung học tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2012- 2020.
Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban thường trực BCĐ PCGD, XMC tỉnh Lê Thị Hương cho biết, để chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PCGD tiểu học, XMC, ngành GD&ĐT, BCĐ tỉnh đã tham mưu và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện. UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, kiện toàn BCĐ tỉnh để chỉ đạo điều hành việc thực hiện PCGD,XMC. Đối với cấp huyện, xã cũng đã thành lập hoặc kiện toàn BCĐ và có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.
Ngành GD&ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai các nhiệm vụ để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu PCGD, XMC; thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận kết quả PCGD, XMC theo quy định.
Xác định PCGD tiểu học, XMC cần phải quan tâm đến vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên tỉnh đã có những chủ trương và những giải pháp mạnh mẽ để thực hiện. Theo đó, đã tăng cường sự phối hợp giữa thành viên BCĐ tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội, bộ đội biên phòng để thực hiện nhiệm vụ PCGD, XMC.
Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động học sinh đến trường, học viên ra lớp XMC. Năm 2020, huyện Hướng Hóa đã mở được 6 lớp XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 179 học viên tại xã Húc và xã Hướng Linh. Huyện Cam Lộ phối hợp với Trại giam Nghĩa An, Bộ Công an mở 1 lớp XMC với 23 học viên là các phạm nhân. Riêng năm học 2022- 2023, trên cơ sở kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, huyện Hướng Hóa mở 3 lớp XMC với 65 học viên, huyện Cam Lộ mở 1 lớp XMC với 17 học viên.
Mặt khác, các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng nhằm nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật trong Nhân dân. Huy động nguồn lực trong xã hội xây dựng quỹ khuyến học, kịp thời hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh gặp khó khăn vươn lên trong học tập…
Mới đây, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có đợt kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương để xem xét công nhận Quảng Trị đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 và XMC mức độ 2 năm 2022. Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Trưởng đoàn công tác Bộ GD&ĐT Trịnh Hoài Thu khẳng định, công tác PCGD tiểu học, XMC của tỉnh đạt kết quả cao, bền vững, tạo nền tảng để nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh. Tỉnh Quảng Trị đủ điều kiện để đề nghị Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, XMC mức độ 2. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ đào tạo.
Cơ sở vật chất trường lớp học đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tỉ lệ phòng học/lớp đảm bảo quy định. Tổng số trẻ em 6 tuổi huy động vào lớp 1 đạt 99,97%, trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỉ lệ 96,09%. 100% xã đạt PCGD tiểu mức độ 3, 100% đơn vị cấp huyện đạt PCGD tiểu học mức độ 3. Tất cả các thôn, bản, khu phố đều có giáo viên phụ trách PCGD, XMC; đủ cơ sở vật chất và các điều kiện để tổ chức công tác XMC...
Để công tác PCGD và XMC thời gian tới đạt được kết quả cao hơn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Trịnh Hoài Thu đề nghị BCĐ tỉnh tiếp tục tham mưu với tỉnh quan tâm công tác PCGD, XMC để nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, vai trò của công tác PCGD, XMC. Tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tạo tiền đề nâng cao chất lượng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.
Ngành GD&ĐT tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo tiếp tục đổi mới công tác quản lý, thực hiện hiệu lực, hiệu quả công tác GD&ĐT nói chung và công tác PCGD, XMC nói riêng trong bối cảnh đất nước đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Tuấn Việt