Thông điệp hòa bình từ “câu chuyện chiến tranh”
(QT) - Cùng với các đồng sự của mình, cựu binh Mỹ Ron Osgood đã nhiều lần quay lại Việt Nam để gặp gỡ các nhân chứng chiến tranh. Tất cả chỉ để thực hiện ước vọng lớn nhất của đời ông là gửi thông điệp hòa bình từ “câu chuyện chiến tranh” đến với thế hệ trẻ trên đất nước Mỹ hôm nay. Học từ “câu chuyện chiến tranh” Một buổi sáng cuối năm 2010, tại Khoa Truyền thông (Trường Đại học Indiana), giảng viêng Ron Osgood có tiết dạy môn học Lịch sử về cuộc chiến tranh giữa quân đội Mỹ và nhân dân Việt ...

Thông điệp hòa bình từ “câu chuyện chiến tranh”

(QT) - Cùng với các đồng sự của mình, cựu binh Mỹ Ron Osgood đã nhiều lần quay lại Việt Nam để gặp gỡ các nhân chứng chiến tranh. Tất cả chỉ để thực hiện ước vọng lớn nhất của đời ông là gửi thông điệp hòa bình từ “câu chuyện chiến tranh” đến với thế hệ trẻ trên đất nước Mỹ hôm nay. Học từ “câu chuyện chiến tranh” Một buổi sáng cuối năm 2010, tại Khoa Truyền thông (Trường Đại học Indiana), giảng viêng Ron Osgood có tiết dạy môn học Lịch sử về cuộc chiến tranh giữa quân đội Mỹ và nhân dân Việt Nam. Khi chiếc máy chiếu phát thước phim đầu tiên ghi lại hình ảnh một cựu chiến binh Việt Nam đang say sưa kể về những trận đánh hào hùng, toàn bộ sinh viên đã ồ lên và sau đó không gian như tĩnh lặng hòa vào dòng hồi ức của nhân vật.

Những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam luôn thu hút Ron Osgood (người đeo kính) và Mand Jefferey.

Để có tiết học ý nghĩa đó, Ron Osgood cùng đồng sự đã nhiều lần quay lại Việt Nam, gặp những cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hành trình của họ bắt đầu từ tháng 6/2010 với sự hỗ trợ của Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Bộ Ngoại giao Việt Nam). Ron Osgood bộc bạch: “Tôi muốn nắm tay những người từng ở bên kia chiến tuyến và chia sẻ buồn vui với họ. Chiến tranh là điều không ai mong muốn. Nó chỉ để lại nỗi đau...”. Mỗi chuyến quay lại Việt Nam đều có ý nghĩa đặc biệt đối với Ron Osgood. Trước kia, ông từng tham gia chiến tranh Việt Nam với cương vị là kỹ thuật viên và làm việc tại Hạm đội VII của quân đội Mỹ. Có lẽ vì thế nên Ron Osgood hiểu những đau thương, mất mát mà nhân dân hai nước phải gánh chịu. Ron Osgood cho biết, sau chiến tranh, ông thường xuyên mất ngủ vì bị ám ảnh. Đó cũng chính là động lực thúc giục ông làm nhiều công việc từ thiện xã hội và can đảm nhìn nhận lại quá khứ. Bước ra từ chiến tranh và hiện tại là giảng viên, Ron Osgood ý thức nhiệm vụ gieo khát vọng hòa bình trong lòng thế hệ trẻ Mỹ hôm hay. Mong muốn ấy càng nhân lên khi ông phụ trách giảng dạy môn Lịch sử tại trường Đại học Indiana. Đứng trên bục giảng, thấy nhiều sinh viên hờ hững với môn học này, Ron nghĩ ngay đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Ông lục tìm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng chiến tranh để ghi lại câu chuyện cùng hình ảnh của họ. Ý tưởng ấy nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều đồng nghiệp và các kỹ thuật viên. Thế rồi, chương trình “Câu chuyện chiến tranh” ra đời trong niềm vui vô bờ của Ron Osgood.

Ron Osgood và Mand Jefferey trò chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Đức Toàn.

Để giúp học sinh có cái nhìn đa chiều về chiến tranh, Ron Osgood cùng các đồng sự đã chịu khó lục tìm chứng tích chiến tranh trong kho tàng lịch sử. Họ không cho phép mình tự hài lòng với những câu chuyện từ phía cựu binh Mỹ. Ngay khi chương trình “Câu chuyện chiến tranh” bấm máy, Ron nghĩ ngay đến việc quay trở lại Việt Nam để tìm gặp những cựu chiến binh Việt Nam. “Nhân chứng mà chúng tôi chọn lựa không đơn thuần dừng lại ở các tướng lĩnh quân đội, anh hùng lực lượng vũ trang mà có thể là những cô du kích, anh bộ đội rất đỗi bình thường. Mỗi câu chuyện sẽ là cái nhìn trực diện về sự tự hào dân tộc, nỗi trăn trở, sợ hãi và cả mất mát trong chiến tranh” – Mand Jefferey, giảng viên Trường Đại học bang Tennessee, cộng sự của Ron Osgood cho biết. Đến Việt Nam, Ron Osgood và đồng sự đã cất công tìm tự liệu, quay phim, thu âm những câu chuyện qua lời kể của nhiều cựu chiến binh Việt Nam. Đặc biệt, một số câu chuyện chiến tranh còn xoay quanh các liệt sĩ đã hi sinh nhưng hình ảnh và những dòng nhật ký của họ vẫn được triệu triệu người nhớ đến như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm... Cùng với việc khai thác câu chuyện trong quá khứ, Ron Osgood và các đồng sự cũng khuyến khích nhân vật nói lên ước vọng gửi gắm cho thế hệ trẻ nước Mỹ hôm nay. Và đó là thông điệp giản dị, ngắn gọn nhưng hết sức sâu sắc của Ron Osgood và các đồng sự về chiến tranh và hòa bình. Đi tìm nhân chứng chiến tranh Gần hai năm trôi qua, kể từ ngày chương trình “Câu chuyện chiến tranh” được bấm máy, bước chân Ron Osgood cùng đồng sự đã in dấu ở nhiều miền quê Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, hình ảnh những con người hồn hậu biết gác lại quá khứ, thân thiện và vô cùng hiếu khách càng in đậm trong lòng Ron Osgood. Đặc biệt, ông rất trân trọng những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử nơi đây.

Ông Nguyễn Minh Kỳ và vợ từng là nhân vật trong chương trình “Câu chuyện chiến tranh”.

Ron Osgood chia sẻ: “Gặp những người từng ở bên kia chiến tuyến, tôi cảm nhận trái tim họ dường như có lửa. Họ yêu đất nước mãnh liệt, sống có lí tưởng và rất yêu chuộng hòa bình”. Trong danh sách điểm đến của đoàn làm phim, tỉnh Quảng Trị là một trong những địa danh được nhắc đến nhiều nhất. Ron Osgood và Mand Jefferey thường bảo, đây là miền đất lửa, cái nôi sản sinh ra nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung. Đến Quảng Trị, họ đã gặp gỡ và trò chuyện với những người lính nổi tiếng một thời như Nguyễn Minh Kỳ, Dương Tú Anh, Thân Thị Hương Giang, Nguyễn Văn Quy, Nguyễn Văn Toàn... Điều đặc biệt là câu chuyện của các cựu chiến binh nơi đây thu hút sinh viên ngoài sức tưởng tượng của Ron. Nhiều bạn trẻ đã viết thư hoặc trao đổi trực tiếp với Ron Osgood chia sẻ mong muốn được nghe thêm câu chuyện từ một số nhân vật. Đó là lí do khiến Ron Osgood cùng đoàn làm phim tiếp tục trở lại Việt Nam và hẹn gặp một số cựu chiến binh ở Quảng Trị nhiều lần.

“Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người cần noi gương họ để sống tốt hơn” - Anh Nguyễn Hữu Chung, chuyên viên Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Bộ Ngoại giao Việt Nam), đồng hành cùng đoàn làm phim “Câu chuyện chiến tranh” chia sẻ.

Giờ đây, mỗi khi nhắc đến tên một cựu chiến binh ở Quảng Trị, Ron Osgood hay Mand Jeffrey đều có thể miêu tả khá chính xác vẻ bên ngoài, tính cách và kể lại câu chuyện họ từng được nghe. Tầm tháng 7/2010, Ron Osgood có chuyến thăm gia đình ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh, người được mệnh danh là “Hùm xám Đường 9” một thời. Đến giờ, Ron Osgood cùng đồng sự vẫn không ngờ người lính từng thoắt ẩn, thoắt hiện trong hàng trăm trận đánh nảy lửa vẫn còn rất trẻ trung và tráng kiện đến vậy. Lúc ấy, Ron Osgood chỉ ước có thật nhiều thời gian để ghi lại câu chuyện xoay quanh hơn 400 trận đánh mà ông Nguyễn Minh Kỳ từng tham gia. “Qua các mẫu chuyện, chúng tôi mới hiểu tại sao ông Kỳ được mệnh danh là “Hùm xám Đường 9” và lí do nào khiến quân đội Mỹ - ngụy tuyên bố sẽ trả giá 600 lượng vàng nếu ai đó bắt hoặc giết được ông ấy”. Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện chiến tranh ở tỉnh Quảng Trị luôn được sinh viên của Ron Osgood yêu cầu phát lại nhiều lần như: Cuộc hạnh ngộ giữa cựu chiến binh Nguyễn Đức Toàn với gia đình cựu binh Mỹ Phillip Allen Kientzler và ông Bill Deeter; chuyện du kích xã Gio Hải đánh bại Trung đội Dơi Nhện qua lời kể của bà Thân Thị Hương Giang; diễn biến trận “Bạch Đằng giang trên sông Hiếu” trong hồi ức của ông Dương Tú Anh... Qua mỗi chuyến gặp gỡ, Ron Osgood, Mand Jefferey cùng đồng sự đã ghi nhận nhiều mẫu chuyện bên lề chương trình. Họ xúc động bởi biết các cựu chiến binh ở Quảng Trị tuy không giàu có nhưng đều yêu đời, luôn nỗ lực cống hiến cho quê hương, đất nước. Ron Osgood đã rất ngạc nhiên khi biết cựu chiến binh Nguyễn Minh Kỳ ngày ngày còn tiết kiệm lương hưu, vận động nhiều cá nhân, tổ chức để hỗ trợ các gia đình chính sách, con em đồng đội gặp khó khăn. Rồi ông Dương Tú Anh đến nay vẫn lục tìm tài liệu chiến tranh, ghi lại những dòng hồi ký cho mai sau. Và ông Nguyễn Đức Toàn say mê với công việc tìm kiếm mộ liệt sĩ... “Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người cần noi gương họ để sống tốt hơn” - Anh Nguyễn Hữu Chung, chuyên viên Trung tâm Báo chí Nước ngoài (Bộ Ngoại giao Việt Nam), đồng hành cùng đoàn làm phim “Câu chuyện chiến tranh” chia sẻ. Đến nay, “Câu chuyện chiến tranh” vẫn là tâm điểm của môn Lịch sử tại Trường Đại học Indiana. Ngoài đồng nghiệp, nhiều sinh viên đã tình nguyện cùng Ron Osgood và Mand Jeffrey góp sức xây dựng chương trình. Hiện tại, cựu binh Mỹ Ron Osgood đang tiếp tục “thai nghén” một chương trình nữa mang tên “My Viet Nam – Your Iraq” (tạm dịch: Việt Nam của tôi – Irắc của bạn). “Đây sẽ là bức thông điệp đề cập đến hậu quả của chiến tranh và ước vọng hòa bình mạnh mẽ hơn, giàu sức tác động hơn” – Ron Osgood cho biết. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP