Xây dựng vùng trọng điểm lúa chất lượng cao
(QT) - Trên cơ sở bám sát nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, những năm qua huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác thế mạnh ở các tiểu vùng kinh tế như gò đồi, đồng bằng và kinh tế biển. Ngoài các “vựa lúa” lâu năm như Trung Hải, Trung Sơn, mấy năm trở lại đây Gio Linh đã hình thành vùng lúa dọc tuyến đường xuyên Á ở các xã Gio Mai, Gio Quang. Một số xã như Gio Thành, Gio Mỹ trước đây chỉ sản xuất bấp bênh một vụ thì nay đã sản xuất được hai vụ cho năng suất cao, kết hợp với nuôi cá-lúa dọc sông Cánh Hòm. Tính đến nay, diện tích lúa gieo trồng hàng năm trên toàn huyện Gio Linh là 6.900 ha, năng suất đạt 49- 54 tạ/ ha, sản lượng đạt 34.802,7 tấn. Trước hết phải khẳng định rằng, Gio Linh là địa phương được hưởng lợi từ các công trình thuỷ lợi lớn như Trúc Kinh, Hà Thượng, Kinh Môn nên các địa phương trồng lúa đã cơ bản chủ động được nguồn nước tưới. Một khi đã chủ động được nguồn nước, nông dân ở các địa phương mạnh dạn áp dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, tập trung xây dựng nền sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tạo ra những cánh đồng có quy mô sản xuất tập trung, chuyên canh, có khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Các loại giống lúa mới như HT1, HC95, P6... đã được đưa vào gieo trồng mang lại kết quả rất khả quan. Theo đó hình thành nên các vùng chuyên canh, vùng trồng lúa chất lượng cao ở các xã Trung Hải, Trung Sơn, Gio Quang, Gio Phong, Gio Thành, Gio Mỹ...với diện tích canh tác hàng năm trên 2.700 ha.
 |
Nhiều nông dân sử dụng phương tiện cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng xuất lao động. |
Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp ở Gio Linh là tốc độ cơ giới hoá phát triển rất nhanh, nhất là ở một số xã như Gio Quang, Gio Mai, Trung Hải, Trung Sơn. Theo thống kê hiện nay ở các xã này đã có trên 90% hộ dân sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp, riêng ở xã Gio Quang đã có 7 máy gặt đập liên hợp. Việc đưa cơ giới vào sản xuất không chỉ rút ngắn thời gian mùa vụ mà còn giúp nông dân mở rộng diện tích sản xuất, tăng năng suất lao động giúp người nông dân có thêm điều kiện đầu tư, thâm canh tạo ra nông sản có tính hàng hoá cao. Hiện nay ở xã Gio Quang số hộ làm nghề nông có diện tích từ 4-11 mẫu chiếm hơn 30% trong tổng số hơn 500 hộ làm nông của toàn xã. Hầu hết họ đều là những lao động trẻ rất năng động và tích cực tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây chính là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Được xác định là xã trọng điểm lúa của huyện, Trung Hải có tổng diện tích gieo trồng hàng năm là 1.231 ha. Những năm qua, Trung Hải đã từng bước thực hiện có hiệu quả chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế nông nghiệp để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Hàng chục hộ gia đình đã đầu tư mua sắm xe ô tô, máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; nhiều hộ nông dân đã có mức thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm, sản lượng lương thực bình quân đầu người từ 300 kg năm 1998 đến năm 2011 đạt gần 1.300 kg/người. Đồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Chủ tịch UBND xã Trung Hải cho biết:“Để xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng, các thế hệ con em người Trung Hải luôn phát huy sức mạnh tập thể, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế toàn diện. Ngoài việc đầu tư thâm canh cây lúa chất lượng cao, xã còn chú trọng đầu tư mạnh mẽ về chăn nuôi, cây hoa màu và kinh doanh dịch vụ, với diện tích cây hoa màu 90,5 ha, diện tích hồ nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm đạt gần 75 ha, 120 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện.”. Với quyết tâm khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế trên từng tiểu vùng kinh tế, ngoài việc đầu tư thâm canh vùng lúa chất lượng cao, huyện Gio Linh còn chú trọng xây dựng được nhiều mô hình có giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích như mô hình lúa-cá tại các xã Gio Mai, Gio Mỹ... với diện tích 75,6 ha, cho giá trị 70 triệu đồng/ha; mô hình lạc đông xuân-dưa hè thu ở vùng cát xã Gio Mỹ với diện tích 17,8 ha, cho giá trị 55 triệu đồng/ha; mô hình chuyên nuôi cá với diện tích 326 ha, đạt giá trị 75 triệu đồng/ha; mô hình mướp đắng-xúp-lơ, với diện tích 25 ha ở thôn Lan Ðình, mô hình dưa hấu xen sắn KM 94 với diện tích 20 ha tại thôn Lễ Môn, xã Gio Phong... Nhiều hộ gia đình đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, biết tổ chức sản xuất có hiệu quả đối với cây trồng, vật nuôi mới; đầu tư mua sắm thiết bị máy móc đưa vào sản xuất như: máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp, máy chế biến sau thu hoạch như máy đánh bóng gạo tại xã Gio Quang... Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Nguyễn Huy Hùng cho biết: “Việc triển khai các mô hình nông nghiệp có giá trị kinh tế cao là rất cần thiết, giúp cho người dân vừa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi một cách có hiệu quả, từ đó tăng thêm thu nhập gia đình. Hàng năm ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, các địa phương đã huy động sức mạnh tổng hợp trong nhân dân về vốn tự có, cơ sở vật chất, kỹ thuật, sức lao động...để phát triển sản xuất, đến năm 2012, toàn huyện có 4.160 ha cánh đồng cho giá trị kinh tế cao. Những năm tới, huyện Gio Linh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và đưa các giống cây trồng, vật nuôi đã được khẳng định vào sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất, khai thác tiềm năng đất đai nhằm tăng giá trị, hiệu quả trên một đơn vị diện tích...” Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN