Một mai nơi này...
(QT) - Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giáo dục Vĩnh Linh (Quảng Trị) vẫn tiếp tục giữ vững truyền thống hiếu học, thi đua “Hai tốt”, đạt tới sự phát triển cao nhất, rực rỡ nhất, làm rạng danh mảnh đất Vĩnh Linh lũy thép anh hùng. Biu vừa chạy vừa ngoái cổ lại giọng đầy giục giã: -Nhanh lên đi mệ, có nhiều bạn phía trước vui lắm! Cô Nguyễn Thị Trường âu yếm nhìn theo nhịp chân sáo của đứa cháu ngoại mà trong lòng ngập tràn bao niềm vui. Mới đây mà đã mấy mươi năm rồi. Người xưa ví von rằng: “Thời gian như bóng câu vụt qua cửa” chẳng sai chút nào. Còn nhớ lúc cô vừa chào đời (tháng 9/1954), cô nghe mẹ kể lại rằng, Vĩnh Linh đang ở giai đoạn đầu của hoà bình lập lại nên cuộc sống thật sự khó khăn, vất vả. Sữa hay bột là khái niệm quá xa xỉ. Không có cơm ăn, mẹ phải nhai sắn cho đứa con gái bé nhỏ ăn. Chao ôi là khổ!
 |
Học sinh Trường Mầm non Hoa Phượng tham gia hội thi “Bé học luật an toàn giao thông và bảo vệ môi trường” -Ảnh: PN |
Đến khi cô bằng tuổi cháu ngoại bây giờ thì ba mất. Mẹ lại thường xuyên bận công tác phụ nữ. Thế nên khi đi học lớp vỡ lòng tại Tân Trại, Vĩnh Giang, cô vừa đi học vừa phải địu em theo sau lưng. Khi em ngủ, chị lại xin thầy, cô cho em nằm lên bàn giáo viên để viết bài được dễ hơn. Khi hiểu biết được đong đầy theo năm tháng, cô mới hiểu rõ hơn truyền thống hiếu học của quê mình. Nhà giàu thì gửi con vào trường phủ, trường tỉnh, trường ở Huế. Đại đa số nhân dân lao động với cuộc sống đói nghèo “ăn cơm bữa diếp”, “sắn dầm, nước ruốc” mặc dù không thể cho con đến trường cũng không chịu cảnh thất học mà cố gửi con vào thầy dạy tư, dạy các lớp liên gia để “học năm, ba chữ làm người”. Nhờ vậy mà từ năm học 1925-1926 đến năm học 1944 -1945, mặc dù huyện Vĩnh Linh nhiều gia đình đông con nghèo khó nhưng các con lớn lên đều được đến trường. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Vĩnh Linh được giải phóng nhưng lại bị chia cắt một phần phía Nam, huyện trở thành Đặc khu trực thuộc Chính phủ, Trung ương - Tiền đồn của miền Bắc XHCN. Từ đây, giáo dục Vĩnh Linh bắt đầu cuộc hành trình tiến về phía trước với những cơ hội lớn và thử thách gian nan. Chiến tranh ác liệt, Khu ủy Vĩnh Linh chỉ đạo các ban ngành giáo dục tiếp tục để các lớp học sinh được học đến nơi đến chốn dưới các căn hầm chữ A, quyết không để mất đi tấm lòng hiếu học của con em Vĩnh Linh. Không chỉ duy trì việc học mà việc thi của học sinh vẫn được nối tiếp như trong điều kiện hòa bình. Trường cùng một số bạn cùng thi học sinh giỏi lớp 4 (đề thi bao gồm cả văn lẫn toán) ở dưới những căn hầm chữ A. Bên ngọn đèn dầu leo lét, lâu lâu dội tiếng bom đạn nhưng các em vẫn làm bài say sưa và nghiêm túc. Phải chăng đó là những hạt giống hiếu học của Vĩnh Linh sau này?! Nhớ có lần, nghe mẹ kể về chuyện học K.8, ở Tân Kỳ - Nghệ An, 3 cô con gái nằm im trên giường lắng nghe rồi một cô kết luận: “Chuyện học của mẹ nghe li kì như phim vậy”. Mấy hôm sau, cô con gái đầu đi tìm cả đống tư liệu, đọc cho hai em gái nghe: “Chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc Mỹ huy động hàng ngàn lượt máy bay cùng với pháo bờ Nam ở căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, pháo hạm đội 7 đánh phá dữ dội nhằm hủy diệt Vĩnh Linh, cắt dứt đường liên lạc huyết mạch giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Máy bay B.52 được huy động hàng chục đợt rải thảm xuống Vĩnh Linh với đủ loại bom. Sự mất mát, đau thương diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Dữ dội và ác liệt song quân dân Vĩnh Linh vẫn kiên cường đứng vững trên tuyến đầu đánh Mỹ với nhiều chiến công vang dội. Để đảm bảo an toàn cho các thế hệ tương lai, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định sơ tán toàn bộ học sinh các cấp từ vỡ lòng, phổ thông đến học sinh sư phạm ở khu vực Vĩnh Linh ra các tỉnh ngoài tiếp tục học tập. Kế hoạch trên được gọi là kế hoạch 8 (gọi tắt là K.8). Chiến dịch K.8 do Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực làm trưởng ban. Tham gia triển khai kế hoạch có nhiều bộ cùng nhiều lực lượng khác. Yêu cầu của chiến dịch là phải đảm bảo sự thắng lợi, an toàn và tuyệt đối bí mật”.
 |
Các bạn cùng học lớp 7 - K8 của cô giáo Nguyễn Thị Trường năm 1967 tại Nam Hà -Ảnh: TL |
Cuộc sống học sinh K8 ở nơi sơ tán trong thời kỳ chiến tranh tuy khổ thật nhưng cũng rất đầm ấm tình thầy trò, đặc biệt sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào ở Tân Kỳ, Nghệ An. Mọi thứ phục vụ cho ăn ở, sinh hoạt, học tập đều được khai thác từ rừng và sự giúp đỡ của người dân. Nhà ở, lớp học, bàn ghế, giường nằm đều do học sinh tự làm lấy bằng cách vào rừng kiếm nguyên vật liệu. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, điều kiện rất khó khăn nhưng tất cả đều đùm bọc nhau vượt qua khó khăn và ai nấy đều học rất giỏi… Có củ sắn, củ khoai gì cũng chia sẻ cho nhau, yêu thương đùm bọc nhau vượt qua khó khăn thử thách. -Mệ ngoại, mai mốt Biu sẽ học trường này tề! Tiếng cháu ngoại vang lên cắt ngang dòng hồi tưởng. Nhìn theo hướng chỉ tay của đứa cháu trai đầu tiên về ngôi trường xinh xắn, nép mình sau những tán cây cổ thụ to cao tỏa bóng mát, nỗi nhớ về khóa học ngày ấy bỗng nhiên trỗi dậy. Khóa học lúc đó có 14 lớp, trong đó có 2 lớp: đặc biệt Toán và đặc biệt Văn (lớp đặc biệt giống như lớp chuyên, lớp chọn bây giờ). Mỗi người từ một phương đến nhưng yêu thương sâu đậm như tình anh em cật ruột. Trong lớp đặc biệt văn, cô Trường là người nhỏ bé nhất (về tuổi tác và hình dáng) lại hay khóc nhè vì nhớ mạ ở nhà, nhớ cả ba và em trai đã mất. Mỗi khi đêm về nhìn thấy Trường khóc là chị Thìn, chị Hường, chị Quế... lại gần và ôm cô em nhỏ nhắn vào lòng, dỗ dành: “Nín đi, cố lên cô bé học giỏi, đừng để mạ buồn”. Các chị lại đưa ra các bài văn, bài toán khó để cùng nhau giảng giải, chia sẻ. Trước những tình cảm thân thương ấy, Trường thấy khuây khỏa, quên đi nỗi buồn và lại lao vô giải các bài toán, làm các bài văn khó cùng các chị. Sau khi học bài xong, chị em lại ngồi ôm nhau cùng hát bài hát thân yêu: “Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương, quê ta đó đứng đầu sóng gió.....” mà thấy ấm lòng, rồi ôm nhau cùng ngủ, với nụ cười tươi rói trong giấc mơ một ngày mai tươi sáng. Sau khi giảng dạy ở Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Hồ Xá, đến năm 2000 thì cô chuyển sang Trung tâm giáo dục thường xuyên Vĩnh Linh. Cô đã cùng anh chị em đồng nghiệp chung tay chung sức xây dựng trung tâm để xoá đi quan niệm: “học bổ túc”. Các cô lớn tuổi như cô Minh, cô Hường thật sự là những người chị cả, chăm lo lớp học, bày vẽ, chỉ bảo cho lớp trẻ sau này. Đặc biệt là vai trò của thầy giám đốc trung tâm: thầy Lê Khoa, thầy Nguyễn Duy Nhất và cô phó giám đốc Lê Thanh Tâm. Ban giám đốc đã thật sự lo lắng, trăn trở cho sự phát triển và hội nhập của trung tâm ngang tầm với các trường công lập. Cô Trường cùng một số cô giáo như cô Thủy, cô Tâm, cô Lựu... hàng năm đều được trung tâm động viên là giáo viên chủ nhiệm giỏi. Hàng năm, tỉ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp cao và có nhiều giải giỏi văn hóa các bộ môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, cùng các giải cao nhất về các kỳ thi giải toán trên máy tính casio... Năm 2009, dẫu đã nghỉ hưu nhưng cô Trường vẫn được trung tâm hợp đồng giảng dạy. Cô coi đây là một niềm vui lớn không muốn chia xa mà luôn luôn muốn cống hiến thêm chút gì đó dù nhỏ bé với đơn vị, với xứ sở “trăm mến ngàn thương” này. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2011, cô đã viết bài thơ với bao tấm lòng yêu thương ấp ủ mấy mươi năm qua: “ Khi tôi đến trung tâm tuổi đã quá dốc rồi!/Hồn như mây và lòng sáng như trăng/Ngôi trường ấy, đón tôi về như mẹ/Đón con yêu ở lại với mình/Tôi đã có những ngày vui rất lớn/Những ân tình tha thiết, rất sâu/Mỗi lớp học là thiên đường bé nhỏ/Ôm ấp tôi trong thế giới nhiệm màu/Học trò tôi tươi vui như chim sẻ/ Mắt như sao, tình bát ngát như sông…”. Mai này Biu sẽ vào trường mầm non, bắt đầu làm quen với những tên gọi mới: “các bạn”, “cô, trò”. Những điều cố, rồi mệ, rồi mẹ hay kể có thể lướt qua trong tâm trí nhưng điều hiển hiện trước mắt Biu chính là mái trường mầm non khang trang mang tên Trường mầm non Hoa Phượng. Đây không chỉ là trường trọng điểm chất lượng cao, trường đạt tiêu chuẩn trường kiểu mẫu của bậc học mầm non huyện Vĩnh Linh mà còn đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ngành học mầm non tỉnh Quảng Trị. Trường mầm non Hoa Phượng thành lập ngày 1/6/1979 với tên gọi Nhà trẻ liên cơ, quy mô 75 cháu, chia làm 3 nhóm lớp. Nhà trường chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu từ 32 đến 36 tháng tuổi, có 17 cán bộ giáo viên. Năm 2004 trường được Bộ GD&ĐT công nhận trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I, năm 2011 UBND tỉnh Quảng Trị công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Và năm học mới này, Trường mầm non Hoa Phượng là trường đầu tiên đạt chuẩn Quốc gia mức độ I của tỉnh Quảng Trị. Dắt cháu ngoại đi tham quan trường mẫu giáo để chuẩn bị vào năm học mới mà lòng cô rộn ràng bao hồi tưởng xưa và nay. Mọi thứ cứ như một cuốn phim lặng lẽ ngược dòng ký ức làm sáng rõ hiện thực tươi đẹp đang sống động trước mắt. Trên đống tro tàn sau chiến tranh, Vĩnh Linh đã hồi sinh. Những đồi đất đỏ loang lổ hố bom, những cánh đồng chua mặn đã nhường chỗ cho rừng cây, thảm lúa mượt mà. Người Vĩnh Linh luôn vững vàng trước sóng to, gió cả, làm nên sự tích thần kỳ, để lại cho hậu thế những chiến công vang dội. Vĩnh Linh vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ; được cả nước tin yêu, bạn bè quốc tế mến phục tặng nhiều danh hiệu vẻ vang: “Tiền đồn miền Bắc XHCN”, “Mảnh đất kim cương”, “Tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh lũy thép”... Giáo dục Vĩnh Linh là một phần của đời sống quê hương trên mọi chặng đường lịch sử. Năm tháng đi qua và những gì cô Nguyễn Thị Trường đã trải nghiệm cùng mảnh đất này chỉ là hạt cát trắng bé nhỏ so với kỳ tích lớn lao mà nhân dân Vĩnh Linh đã đạt được. Sau này, khi Biu hoàn thành xong lớp mẫu giáo, các cấp học Vĩnh Linh đều có những ngôi trường khang trang, đáng để tự hào. Ngày mai, trong tập học của Biu những dòng chữ đầu tiên mệ ngoại viết tặng cho cháu chính là “ Ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi thế giới ” (Leibniz). ĐOÀN PHƯƠNG NAM