Đẩy mạnh cải thiện nước sạch, môi trường ở nông thôn
(QT) - Quảng Trị là tỉnh có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, quanh năm phải hứng chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt, hạn hán… Vấn đề đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, đây là nguyên nhân chính gây mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về mắt, ngoài da. Vì vậy, việc cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của mọi người, nhất là khu vực nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 20% hộ gia đình thiếu ...

Đẩy mạnh cải thiện nước sạch, môi trường ở nông thôn

(QT) - Quảng Trị là tỉnh có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, quanh năm phải hứng chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt, hạn hán… Vấn đề đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, đây là nguyên nhân chính gây mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về mắt, ngoài da. Vì vậy, việc cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của mọi người, nhất là khu vực nông thôn. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 20% hộ gia đình thiếu nước sạch và chỉ khoảng 50% hộ gia đình có khả năng tiếp cận với các nguồn nước giếng, nước sông. Tuy nhiên, không ít trong số đó đang sử dụng nguồn nước trực tiếp mà không có bất cứ biện pháp xử lýdo chưa hiểu được đầy đủ khái niệm thế nào là nước sạch. Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đã triển khai, thực hiện nhiều biện pháp và bước đầu tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận nguồn nước sạch được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tình trạng thiếu nước sạch và chất lượng môi trường vệ sinh trong nhiều năm qua là một trong những vấn đề còn tồn tại chưa được giải quyết triệt để.

Xây dựng hầm bioga góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường

Ông Trương Duy, Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch, Triệu Phong cho biết: “Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, thời gian qua, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn đã trang bị cho địa phương xây dựng các bãi thu gom rác thải và cung cấp các dụng cụ như xe chở rác, dụng cụ bảo hộ lao động nên địa phương đã thành lập được các đội thu gom rác thải nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân địa phương, đồng thời góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của xã”. Bên cạnh các yếu tố thiên tai, lũ lụt, thì trong thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch một phần là do cách sử dụng nước trong cộng đồng còn lãng phí rất lớn, nhiều nơi người dân xem nước là nguồn tài nguyên vô tận, chưa thấy hết giá trị của việc thiếu hụt nguồn nước trong tình hình môi trường đang bị biến đổi, nguồn nước bị ô nhiễm và ngày càng cạn kiệt. Song song với đó là đời sống và nhận thức của người dân ở vùng nông thôn đang còn thấp, việc đầu tư xây dựng các công trình như bể lọc nước, nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm thu gom rác tập trung rất khó khăn. Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn do chất thải từ sản xuất nông nghiệp và các nguồn phát sinh chất thải khác như: dư lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; chất thải trong chăn nuôi; nước thải sinh hoạt, làng nghề; rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, sức khỏe của người dân và cộng đồng khu dân cư, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác xử lý gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh chưa được người dân thực sự quan tâm, có nhiều hộ dân vứt bừa bãi ra ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước làm phát tán dịch bệnh. Trong khi các công trình cấp nước tập trung vẫn đang còn quá ít nên phạm vi phục vụ còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế . Xuất phát từ thực tế và xác định nước sạch, vệ sinh môi trường là vấn đề vô cùng cấp bách, có tầm quan trọng đối với sự sống con người, nhất là số lượng trẻ tử vong liên quan đến nguồn nước không phải là ít. Thời gian qua, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể đã chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường như: tổ chức các lễ phát động hướng dẫn rửa tay với xà phòng, cấp phát tờ rơi; phát động nhân dân tổ chức khơi thông cống rãnh, hố ga, ao tù nước đọng, phát quang bờ cây, bụi cỏ làm cho đường giao thông xanh, sạch, đẹp trên địa bàn khu dân cư; thi tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường và được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Cùng với đó, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn bản, đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn để tuyên truyền, vận động giúp người dân tự thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức trách nhiệm và tầm quan trọng của nước sạch vệ sinh môi trường để có được nguồn nước đầy đủ, hợp vệ sinh trong sinh hoạt, có nhà tiêu hợp vệ sinh, bể dự trữ nước, hệ thống thu gom, xử lý rác thải. Qua đó, nhận thức của người dân trên địa bàn bước đầu được nâng lên đáng kể, góp phần giảm thiểu tỷ lệ số người bị mắc các bệnh liên quan đến nguồn nước không hợp vệ sinh, làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân nông thôn. Ông Hồ Trọng Ninh, Giám đốc Trung tâm Y tế Gio Linh cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các trạm y tế trên địa bàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn vận động người dân thu gom rác để đúng nơi quy định để vận chuyển về điểm tập trung của huyện. Bên cạnh đó chúng tôi tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để họ thay đổi hành vi thành thói quen thường xuyên tổng vệ sinh trong gia đình, đường làng ngõ xóm”. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể đóng trên địa bàn, trong đó có Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam, Chương trình Phát triển vùng mục tiêu tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Công ty P&G Việt Nam triển khai dự án nhằm cải thiện nước sạch và vệ sinh môi trường như: “Nước an toàn cho cộng đồng dễ bị tổn thương trong mùa lụt bão”, “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ”… góp phần tăng tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, thực hiện mục tiêu cải thiện điều kiện sống, sức khoẻ của người dân, cũng như công cuộc xoá đói giảm nghèo và từng bước hiện đại hoá nông thôn. Ông Tôn Thất Kỳ Văn, Trưởng Chương trình phát triển vùng Quảng Trị - Đắc Nông cho biết: “Chúng tôi sử dụng biện pháp kích hoạt vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ để cho người dân tại các địa bàn khó khăn được nâng cao nhận thức, hiểu biết hơn về tác hại của việc thiếu nguồn nước sạch và vệ sinh an toàn để họ dần dần chuyển đổi hành vi và họ tự nhận thấy nhu cầu cần thiết của việc xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo an toàn phù hợp với từng gia đình”. Theo khuyến cáo, nếu bảo đảm nguồn nước sạch để sử dụng và vệ sinh môi trường tốt sẽ góp phần khống chế được khoảng 80% bệnh tật. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể thì mỗi cá nhân cần tự nâng cao ý thức, hành động để bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống, sức khỏe của chính mình, người thân và cộng đồng. Bài, ảnh: THÁI DƯƠNG