(QT) - Mặc dù đã đến cuối mùa mưa lũ, nhưng hiện tại trên địa bàn huyện Hải Lăng, lượng mưa quá ít, mực nước tích trữ ở các hồ chứa hiện đạt rất thấp, các chân ruộng vẫn còn nguyên gốc rạ và cỏ dại. Tình trạng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019 sắp tới.
![]() |
Các hồ chứa nước trên địa bàn huyện Hải Lăng đều đạt chưa đến 50% dung tích |
Có mặt tại cánh đồng sản xuất lúa 2 vụ của xã Hải Thành, theo quan sát của chúng tôi, mặc dù là một xã vùng trũng nhưng năm nay do lượng mưa quá ít nên các chân ruộng vẫn đang còn khô nước. Không có mưa lụt nên nền đất ruộng cứng, cỏ dại và lúa chét phát triển mạnh. Trao đổi với chúng tôi, lão nông tri điền Nguyễn Đức Hậu không giấu được vẻ lo lắng: “Thông thường mọi năm đến thời điểm này người dân ở đây đã phải trải qua ít nhất vài ba trận lụt, còn đồng ruộng thì ngập nước hoàn toàn. Nhưng năm nay đến thời điểm này đã gần cuối tháng 10 âm lịch nhưng chưa có trận lụt nào. Mưa lụt mặc dù có ảnh hưởng đôi chút đến đời sống của nông dân nhưng sẽ giúp diệt bớt chuột bọ, hạn chế cỏ dại và phân hủy gốc rạ, bổ sung thêm một lớp phù sau màu mỡ cho đồng ruộng. Đến đầu tháng 11 âm lịch mà vẫn không có lụt thì vụ đông xuân chắc chắn sẽ bị sâu bệnh và chuột phá hoại”, ông Hậu nói.
Theo Quyền Chủ tịch UBND xã Hải Thành Hoàng Xuân Hùng, mặc dù đang trong những tháng mùa mưa nhưng thời gian qua trên địa bàn xã hầu như không có trận mưa lớn, kéo dài nào. Trời không mưa, lụt không có nên đồng ruộng hầu như không bị ngập nước dẫn đến tình trạng cỏ dại, lúa chét phát triển mạnh, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019 là rất lớn. “Lụt về thì đồng ruộng được phủ thêm một lớp phù sa, cũng như góp phần tiêu diệt chuột, mầm bệnh trong đất, rầy các loại trong cỏ dại lúa chét và phân hủy gốc rạ. Nay không có lụt thì vụ đông xuân tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Hùng nhận định.
Đồng quan điểm với ông Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Trường Trương Quang Minh khẳng định, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến như thế này thì vụ đông xuân tới sẽ rất gay go. Anh Minh cho biết, là địa phương nằm trong vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng nên bình quân hằng năm xã Hải Trường phải chịu ảnh hưởng của 3 - 4 trận lụt. Nhưng năm nay đến thời điểm này chưa có trận lụt nào. Trên đồng ruộng hiện giờ chỉ có vài chỗ là có nước đọng do ảnh hưởng của mấy trận mưa nhỏ thời gian qua. “Người dân đang mong có một trận lụt vừa vừa để đồng ruộng đỡ cỏ, đỡ chuột hơn. Nếu cứ thế này thì vụ đông xuân tới không những cây lúa phải chịu nhiều ảnh hưởng do sâu bệnh và chuột phá hại mà còn xảy ra hiện tượng thiếu nước cho sản xuất”, anh Minh cho hay.
Cùng lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng đi kiểm tra mực nước tại hồ chứa nước Thác Kheo (xã Hải Lâm) có dung tích 2,5 triệu m3 , có nhiệm vụ cung cấp nguồn nước tưới cho diện tích sản xuất lúa 2 vụ của xã Hải Lâm, chỉ cho chúng tôi thấy mực nước hiện nay so với trước đây, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lê Đình Lễ cho biết, mức nước của hồ Thác Kheo hiện thấp hơn so với cao trình dự kiến khoảng 1,5 m. Nếu như những năm trước, sau khi hoàn thành tưới cho vụ đông xuân, hồ chứa nước Thác Kheo mới giảm về mức nước này, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất là rất rõ ràng. Theo ông Lễ, sở dĩ lượng nước hiện nay thấp là do điều kiện thời tiết diễn biến bất thường. Thông thường thời điểm tháng 9, 10, 11 hằng năm sẽ có mưa nhiều, xuất hiện 2 - 3 đợt lũ lụt, bổ sung khá nhiều nước cho các hồ chứa. Tuy nhiên năm nay mưa lũ không xuất hiện, chỉ có những đợt mưa nhỏ không đáng kể, không đủ tạo dòng chảy cấp nước tới các hồ.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, vụ đông xuân 2018 - 2019, toàn huyện dự kiến gieo cấy hơn 6.850 ha lúa, trong đó có 2/3 diện tích phải chủ động nguồn nước tưới bằng hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên đến nay đã là đầu tháng 12/2018 nhưng trên địa bàn huyện Hải Lăng vẫn chưa có mưa lụt, các hồ đập chứa nước chỉ đạt dung tích 50% so với mực nước chuẩn hằng năm, cá biệt có một số hồ chỉ đạt dung tích khoảng 30%. Còn đối với các xã vùng trũng, sau khi có mưa lũ về thì toàn bộ cánh đồng sản xuất lúa của các xã này sẽ ngập trong nước, góp phần tiêu diệt chuột, sâu bệnh. Vì vậy, bên cạnh nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ đông xuân và hè thu năm sau, hiện tượng mưa ít và chân ruộng không ngập lụt sẽ dễ bùng phát nhiều loại dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến vụ sản xuất đông xuân.
Lượng mưa ít, chân ruộng không ngập lụt... là hiện tượng thời tiết bất thường so với nhiều năm. Tình trạng này không những làm cho cây lúa ảnh hưởng mà có thể các loại cây màu vụ thu đông cũng khó đạt được năng suất theo đúng định mức thời vụ. “Để chủ động cho vụ sản xuất đông xuân sắp đến, đối với các hồ đập chứa nước, huyện đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, nạo vét lại hệ thống cống để chủ động trong việc tích nước. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nạo vét các kênh mương nội đồng, xây dựng phương án điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo dẫn nước kịp thời, tránh thất thoát nước. Đối với các xã vùng trũng cần tận dụng các ao hồ để chủ động nguồn nước cho sản xuất; tổ chức kiểm tra để có biện pháp xử lý mầm bệnh, tổ chức ra quân diệt chuột, quyết tâm không để ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân”, ông Lễ nhấn mạnh.
Lê An