Cần có biện pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong giáo dục
(QT) - Không chỉ trong ngành kinh tế với các dự án được đầu tư kinh phí lớn; được phê duyệt, thẩm định vội vàng; “móc ngoặc” với các đối tác để đưa máy móc, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, gây tổn hại lớn cho ngân sách nhà nước mà ngay trong ngành Giáo dục- đào tạo cũng cho thấy có những lãng phí lớn cần được nhìn nhận và chấn chỉnh. Sinh thời, Phó GS Văn Như Cương đã từng chia sẻ: “Lãng phí trong giáo dục còn cao hơn tham nhũng và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.

Cần có biện pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong giáo dục

(QT) - Không chỉ trong ngành kinh tế với các dự án được đầu tư kinh phí lớn; được phê duyệt, thẩm định vội vàng; “móc ngoặc” với các đối tác để đưa máy móc, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, gây tổn hại lớn cho ngân sách nhà nước mà ngay trong ngành Giáo dục- đào tạo cũng cho thấy có những lãng phí lớn cần được nhìn nhận và chấn chỉnh. Sinh thời, Phó GS Văn Như Cương đã từng chia sẻ: “Lãng phí trong giáo dục còn cao hơn tham nhũng và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”.

Lãng phí trong giáo dục diễn ra ở nhiều mặt, dễ nhận thấy nhất là trong đào tạo giáo viên. Hầu hết các tỉnh, thành phố dù lớn hay nhỏ, dân số ít hay nhiều đều có một vài trường đào tạo giáo viên, từ giáo viên dạy mầm non đến bậc tiểu học, THCS, THPT. Trước đây việc đào tạo giáo viên được giao cho các trường sư phạm nhưng hiện nay nhiều trường đại học không mang tên sư phạm vẫn được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo hướng trường đại học đa ngành, đa nghề. Mặc dù Bộ GD&ĐT chủ động nắm và giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cho các trường đào tạo giáo viên, song việc cân đối giữa nhu cầu thực tế và giao chỉ tiêu hầu như không bao giờ khít khao, thậm chí số lượng chỉ tiêu Bộ giao luôn nhiều hơn nhu cầu dẫn tới không ít trường tuyển không đủ số lượng được giao, như Trường CĐSP Quảng Trị nhiều năm được giao chỉ tiêu cao nhưng số lượng tuyển sinh rất ít…

Do có nhiều trường đào tạo giáo viên (theo TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho biết cả nước có 120 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó chất lượng khá, tốt chỉ khoảng 15-20%), nhiều trường đại học địa phương đào tạo ngành sư phạm một cách ồ ạt, như Đại học Quảng Bình có năm đào tạo tới 1.200 sinh viên, Đại học Hà Tĩnh đào tạo 1.000 sinh viên/năm; Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) đào tạo 1.100 sinh viên/năm... Vì thế có khoảng hơn 65.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm, trong lúc số giáo viên được tuyển vào biên chế ngày càng ít nên nhiều sinh viên ngành sư phạm chịu cảnh thất nghiệp. Gần đây dư luận xôn xao trước tình trạng chỉ một huyện ở tỉnh Đắk Lắk đã phải giải quyết 500 giáo viên hợp đồng dôi dư. Đầu năm học vừa rồi huyện Gio Linh, Quảng Trị cũng đã cắt hợp đồng với 67 giáo viên, nhân viên do thừa chỉ tiêu.

Theo số liệu công bố của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện thừa khoảng 26.700 giáo viên và hàng chục ngàn sinh viên các trường sư phạm ra trường mỗi năm không có việc làm. Cứ tính mỗi người trong thời gian đào tạo 3-4 năm, gia đình chi phí trung bình 150-200 triệu đồng, chưa kể các chi phí hỗ trợ đào tạo của nhà nước thì số tiền lãng phí là rất lớn.

Không chỉ lãng phí do các trường đào tạo thừa giáo viên, mà còn lãng phí trong việc biên soạn, thay đổi các chương trình, sách giáo khoa. Mỗi lần thay đổi như thế ngân sách nhà nước phải bỏ ra số tiền hàng ngàn tỷ đồng. Một cán bộ công tác lâu năm ở Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Một trong những cơ hội “đổi đời” của chuyên viên các cục, vụ ở Bộ GD-ĐT là được làm dự án, bởi lương của dự án được tính theo USD”. Vị cán bộ này cho biết thêm: “Trong khoảng hơn chục năm qua, riêng Bộ GD-ĐT có hàng chục dự án sử dụng tiền vay nước ngoài nhưng người dân không biết hoạt động, chi tiêu của các dự án đó, ngoài một số dự án bị làm rùm beng trên truyền thông như đổi mới chương trình sách giáo khoa, đề án ngoại ngữ 2020, các đề án đào tạo tiến sĩ”... Các đề án gây tốn kém, lãng phí nhiều, nhưng chất lượng đào tạo học sinh không thấy rõ, thậm chí sau đó lại trở về với cách làm cũ.

Một lãng phí khác cũng cần thấy rõ đó là cuộc chạy đua để có nhiều giáo viên được đào tạo vượt chuẩn, trên chuẩn. Lâu nay giáo viên tốt nghiệp trường trung học sư phạm là đủ điều kiện để dạy các trường tiểu học; tốt nghiệp cao đẳng để dạy trường THCS và tốt nghiệp đại học để dạy các trường THPT nhưng hiện nay do một số quy định của nhà nước nên giáo viên đã phải đi học lên đại học, trên đại học, lại phải chi phí thêm số tiền lớn không cần thiết, bởi ai đã đi dạy rồi mới thấy rằng để dạy các lớp THPT chỉ cần tốt nghiệp cử nhân một cách thực chất ở các trường đại học sư phạm là đủ. Sau đó với quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ tự học, tự nghiên cứu, bổ sung những kiến thức cần thiết; không nhất thiết phải đi học thêm thạc sĩ, tiến sĩ mà cuối cùng cũng chỉ để dạy cấp 3.

Do việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ là không quá khó nên nhiều giáo viên xin đi học, để có cơ hội tăng lương, thăng tiến và gắn thêm mác cho oai, chứ nhiều người trong số đó không có công trình gì nghiên cứu tiêu biểu, thậm chí khi được giao đề tài họ rất lúng túng, có người không viết nổi một biên bản cuộc họp chuyên môn? Bởi thế có tình trạng một hiệu trưởng trường PTTH ở ngay thành phố Đông Hà đã từ chối không nhận cô giáo có bằng thạc sĩ ?!

Thời gian gần đây, Bộ GD&ĐT có đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ, nhằm “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”. Đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng trong đó bao gồm việc đào tạo 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Đề án này không được nhiều người đồng tình vì nó gây ra sự lãng phí. Một số ý kiến phản biện cho rằng “Dùng ngân sách đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là biếu không nước khác”, đào tạo tiến sĩ trong nước một cách ồ ạt là không đảm bảo được chất lượng. Trước đó, Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” có tổng kinh phí 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, đề án đã qua hai giai đoạn, chi phí hàng nghìn tỷ đồng nhưng kết quả vẫn còn quá xa so với kỳ vọng. Nhiều dự án, đề án của Bộ GD-ĐT lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhưng sau nhiều năm triển khai nhận được kết luận: chưa đạt mục tiêu, quá tham vọng... Đây là một sự lãng phí lớn trong tình hình kinh phí chi cho giáo dục nước ta còn eo hẹp. Có đề án qua kiểm toán, Bộ GD&ĐT phải nộp lại hơn 50 tỷ đồng, do không đạt mục tiêu (Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ, kinh phí 14.000 tỷ đồng). Đó là chưa kể không ít trường, không ít ngành giáo dục các tỉnh, thành phố đầu tư mua sắm các trang thiết bị dạy học có giá trị nhiều tỷ đồng nhưng không có giá trị sử dụng.

Đất nước ta còn rất nghèo, nhiều trường đi mượn thêm cơ sở vật chất; nhiều phòng học không đạt chuẩn; nhiều học sinh phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn… Vì thế cần phải trân trọng, nâng niu từng đồng tiền đầu tư của nhà nước và phải có các giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng lãng phí, bòn rút ngân sách trong giáo dục, hoặc lãng phí dưới bất kỳ hình thức nào.

Giáo dục là tương lai của đất nước, của dân tộc vì thế cần phải thúc đẩy và làm cho tương lai ấy ngày càng tươi sáng hơn…

N.B