Nâng cao chất lượng giáo dục miền núi
(QT) - Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, động viên học sinh đến trường học tập, đặc biệt là học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. Đến thăm Trường Mầm non Xy (xã Xy, Hướng Hóa), một ngôi trường đóng tại địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi chính là cơ sở vật chất được xây dựng kiên cố, khang trang, phục vụ tốt nhu cầu dạy học, cũng như vui chơi của trẻ. Cô giáo Đỗ Uyên Thiên Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 8 nhóm, lớp, với 158 trẻ, tất cả đều là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Năm 2015, được sự hỗ trợ của ngành giáo dục tỉnh, huyện, các chương trình dự án và lực lượng Biên phòng đóng quân trên địa bàn, nhà trường đã tiến hành xây dựng hệ thống sân chơi cho trẻ, khuôn viên, các công trình phụ trợ, mua sắm đồ dùng dạy học, nên các hoạt động của nhà trường diễn ra thuận lợi, phụ huynh yên tâm cho con em đến trường.
 |
Giờ hoạt động ngoài trời của cô trò Trường mầm non Xy (xã Xy, Hướng Hóa) |
Huyện Hướng Hóa có dân số khoảng 82 ngàn người, trong đó có hơn 50% là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Những năm qua, từ nguồn vốn xã hội hóa, các chương trình, dự án, vốn sự nghiệp hàng năm, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường học. Riêng trong năm 2015, huyện đã đầu tư trên 13 tỷ đồng thực hiện 12 công trình gồm phòng học và các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Qua đó, góp phần cải thiện cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, từ năm học 2014 - 2015, ngành giáo dục huyện Hướng Hóa bắt đầu triển khai mô hình trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, góp phần hạn chế tình trạng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học hoặc không đến trường do nhà xa, địa bàn cách trở và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Đây là địa phương đầu tiên ở Quảng Trị triển khai mô hình giáo dục mang tính đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn là một trong 3 trường ở huyện Hướng Hóa được chọn triển khai mô hình trường PTDT bán trú. Thầy giáo Mai Văn Luyện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi triển khai mô hình này, chất lượng giáo dục đã được nâng cao, số học sinh bỏ học, đến lớp không chuyên cần giảm rõ rệt. Hiện nay có hơn 90 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được ăn ở trong những căn phòng khang trang, sạch đẹp do tổ chức Tầm nhìn thế giới xây tặng. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh được ở bán trú phải có nhà cách xa trường từ 3 km trở lên và sẽ được hưởng chính sách mỗi tháng 400 ngàn đồng, 15 kg gạo của Chính phủ. Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Hệ thống giáo dục của huyện có hơn 60 trường ở 4 cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông, 1 trường PTDT nội trú và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Những năm qua, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất trường học, huyện Hướng Hóa cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đào tạo cán bộ là đồng bào các dân tộc thông qua các biện pháp ưu tiên tuyển dụng học sinh cử tuyển; có chế độ ưu tiên cho cán bộ là người bản địa… Quảng Trị có hơn 10% dân số là người đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống tập trung tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và một phần của huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ. Với mục tiêu giảm dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn và thuận lợi, tỉnh tập trung mọi nguồn lực củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp, đặc biệt là các trường PTDT nội trú, bán trú. Hiện nay ngoài Trường PTDT nội trú tỉnh, ở các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có các trường PTDT nội trú do UBND cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Riêng đối với mô hình các trường PTDT bán trú, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có thêm 6 trường trên cơ sở chuyển đổi các trường tiểu học và trung học cơ sở đóng tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, nâng số trường theo mô hình này lên 9 trường, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Bài, ảnh: TƯ ĐIỀN