Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách cho người có công (NCC) trên địa bàn, thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách bằng các hình thức khác nhau, đặc biệt là việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân ở cơ sở về các vấn đề liên quan đến chính sách đối với NCC. Đây là một cách làm hay nhằm tăng tính công khai, dân chủ, minh bạch trong thực hiện chế độ chính sách, đồng thời tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách tại địa phương.
![]() |
Tổ chức đối thoại với Nhân dân về chính sách đối với người có công tại huyện Triệu Phong - Ảnh: L.N |
Từ trước đến nay, chính sách NCC với cách mạng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Theo đó, nhiều chính sách mới đối với Bà mẹ VNAH, liệt sĩ, thân nhân và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC cách mạng…đã được ban hành. Đối tượng ưu đãi được mở rộng, trợ cấp ưu đãi được xác định và điều chỉnh tương ứng với mức chi tiêu bình quân toàn xã hội. NCC với cách mạng và thân nhân của họ được Nhà nước, xã hội quan tâm chăm sóc, giúp đỡ và tùy vào từng đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi, được ưu tiên tuyển sinh, học nghề tạo việc làm, được hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều bất cập, như cơ chế, chính sách đãi ngộ, một số vấn đề cụ thể trong việc xác định, công nhận Bà mẹ VNAH, thương binh, liệt sĩ, chế độ chất độc hóa học, giải quyết trợ cấp luôn có sự thay đổi cần tiếp tục hoàn thiện. Cùng với đó, một số chế độ chính sách khi được triển khai tại địa phương vẫn chưa thực sự thỏa đáng, gây ra nhiều vướng mắc, trăn trở đối với người dân và các đối tượng NCC...Do đó, việc tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân là một trong những cách làm mới để tổ chức triển khai có hiệu quả việc thực hiện chính sách cho NCC trên địa bàn.
Theo đó, Sở LĐ,TB&XH đã tổ chức nhiều đợt tiếp xúc, đối thoại với người dân tại các cụm xã như: Cụm xã Triệu Vân-Triệu Lăng- Triệu An (huyện Triệu Phong), cụm xã Vĩnh Lâm- Vĩnh Sơn- Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh); xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng), xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), xã Cam Chính (huyện Cam Lộ)... Thông qua công tác đối thoại trực tiếp với Nhân dân, mục tiêu hướng đến là chuyển tải toàn bộ nội dung, chế độ chính sách, trình tự thủ tục giải quyết các chế độ chính sách đến trực tiếp với Nhân dân. Trên cơ sở đó, người dân chuyển tải những nội dung đã nắm bắt được cho những người dân ở trong vùng hoặc khu dân cư có quan tâm đến lĩnh vực chính sách người có công.
![]() |
Được sự hỗ trợ của nhà nước, các đối tượng chính sách có thêm điều kiện để xây dựng nhà mới khang trang hơn - Ảnh: L.N |
Quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề mà người dân quan tâm nhất là việc thực hiện các chính sách người có công với cách mạng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chế độ Bà mẹ VNAH; chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; chế độ trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách hỗ trợ về nhà ở, chính sách chăm lo học tập, giải quyết việc làm cho thân nhân của NCC…Nhóm vấn đề thứ hai cũng được nhiều người dân quan tâm đó là sự chậm trễ, thiếu tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chính sách, nhất là chính quyền địa phương ở cơ sở.
Tại các buổi tiếp xúc đối thoại, Nhân dân, đối tượng chính sách rất phấn khởi vì được gặp gỡ, phản ánh trực tiếp về những vấn đề chưa rõ, vấn đề liên quan đến quyền lợi bản thân. Đồng thời, bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng và quan trọng là được sự giải thích, giải quyết trực tiếp của Sở LĐ,TB&XH làm cho người dân thấu hiểu đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với chính sách NCC, tránh được tình trạng thắc mắc lâu dài dẫn đến khiếu nại vượt cấp, khiếu nại đông người.
Trên cơ sở tiếp thu những kiến nghị, thắc mắc của người dân trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách NCC, ngành LĐ,TB&XH có cơ sở kiểm điểm, đánh giá lại việc triển khai thực hiện các chủ trương chính sách, đồng thời đề ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, góp phần giải quyết đúng, đủ các chế độ ưu đãi cũng như quyền lợi cho người có công, tạo mối quan hệ gần gũi giữa Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước với Nhân dân.
Mặt khác, thông qua các buổi đối thoại trực tiếp, Sở LĐ, TB&XH đã kịp thời phát hiện những sai phạm trong quản lý, những hành vi gian dối, lợi dụng kẽ hở để man khai hồ sơ thụ hưởng các chế độ ưu đãi; những hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, nhũng nhiễu trong việc thực thi nhiệm vụ thực hiện chính sách của cán bộ công chức, từ đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý làm trong sạch đội ngũ cán bộ làm công tác LĐ, TB&XH, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
![]() |
Tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ -Ảnh: N.K |
Đối thoại với Nhân dân là tăng cường mối quan hệ giữa Sở LĐ, TB&XH với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với Nhân dân để tìm hiểu nắm được những tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách đi vào cuộc sống cũng như các vấn đề người dân bức xúc, qua đó kịp thời chấn chỉnh trong sự lãnh đạo, tổ chức thực hiện đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chính sách NCC.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hoàng Tuấn Anh thông tin thêm: “Chúng tôi xác định, đối thoại trực tiếp với Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong những năm tiếp theo, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên giao. Trong thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH sẽ tập trung thời gian, bố trí cán bộ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với Nhân dân về chính sách NCC. Đặc biệt là tại các xã, cụm xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khiếu nại, khiếu kiện đông người.
Đồng thời, mở rộng nội dung tiếp xúc, tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành như tư vấn giải quyết việc làm xuất khẩu lao động, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, chính sách xóa đói giảm nghèo. Kịp thời phản ánh những kiến nghị của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội”.
Lệ Như