Trở về để truyền cảm hứng
(QT) - Phạm Nguyễn Thanh Vincent chỉ hơn kém học trò tầm 1, 2 tuổi. Thế nhưng, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đều kính trọng gọi anh bằng “thầy”. Không chỉ chia sẻ kiến thức, Vincent đang ngày ngày truyền cảm hứng cho những giáo viên tương lai.

Trở về để truyền cảm hứng

(QT) - Phạm Nguyễn Thanh Vincent chỉ hơn kém học trò tầm 1, 2 tuổi. Thế nhưng, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đều kính trọng gọi anh bằng “thầy”. Không chỉ chia sẻ kiến thức, Vincent đang ngày ngày truyền cảm hứng cho những giáo viên tương lai.

Giờ lên lớp của Vincent

Tìm về cội nguồn

Trái với hình ảnh chín chắn trên bục giảng, sau giờ lên lớp, Phạm Nguyễn Thanh Vincent (sinh năm 1993), trú tại quận Cam, California, Mỹ lại là một chàng trai trẻ trung, năng động, hoà nhã với mọi người. Vincent cao gầy, trông khá “bụi” với mái tóc vuốt ngược, quần Jeans và áo kẻ. Thấy anh vui cười trong vòng tay thân thiết của học trò, nhiều người tưởng Vincent là một sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường. Sự nhầm lẫn này cũng dễ hiểu bởi chàng trai Mỹ gốc Việt mới tốt nghiệp Đại học California tháng 6/2016. Thanh Vincent cho rằng, cơ duyên đã đưa mình đến với Quảng Trị.

Tốt nghiệp chuyên ngành Chính trị tại Mỹ, Vincent tình nguyện tìm về quê cha đất tổ để làm “một điều gì đó thật ý nghĩa”. Từ sự sắp xếp của Bộ Ngoại giao hai nước, chàng trai Mỹ gốc Việt được cử đến Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị dạy tiếng Anh. Ngày Vincent lên đường, bố mẹ anh khá lo lắng. Đây không phải là lần đầu tiên chàng trai trẻ xa nhà song chuyến đi này của Vincent sẽ kéo dài gần một năm, ở một mảnh đất hoàn toàn xa lạ. Tuy vậy, bố mẹ Vincent đều tin con trai mình sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Rời California vào một ngày mưa, chiếc máy bay chở Vincent hạ cánh xuống sân bay Phú Bài, Huế trong không gian tràn ngập ánh nắng.

Vincent rất vui mừng khi thấy một giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đến đón với nụ cười hồn hậu. Những ngày sau đó, chàng trai Mỹ gốc Việt gặp lại nụ cười ấy trên môi rất nhiều người. Đối với Vincent, chuyến tình nguyện sang Việt Nam dạy học lần này giống như một nghi lễ trưởng thành. Sinh ra trên đất Mỹ trong một gia đình có ba chị em. Vòng quay của cuộc sống và lịch học dày đặc khiến Vincent không có nhiều thời gian trau dồi vốn ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.

Ngay thời gian để các thành viên trong gia đình quây quần trò chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ cũng khá ít ỏi. Thế nên, khác với thành tích học tập ấn tượng tại trường, “gia tài” tiếng Việt của Vincent chỉ dừng lại ở những câu chào hỏi thông thường. Điều này khiến bố mẹ anh rất phiền lòng. Ông bà thường nắm tay Vincent và bảo: “Bố mẹ chỉ mong con trân quý nguồn cội của mình”.

Trong kí ức của Vincent, hai chuyến trở về Việt Nam thăm ông bà nội ở Khánh Hòa là một trải nghiệm khá khó khăn. Chàng trai sống trong một quận đông dân cư, giàu có nhất nhì bang California phải chật vật làm quen với tiết trời nóng bức, không máy điều hòa và muỗi nhiều vô kể…Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với Vincent vẫn là ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Điều đó khiến anh vô cùng hổ thẹn. Trở về Mỹ với nhiều tâm sự, Vincent lao vào học tiếng Việt. Các bạn người Mỹ gốc Việt của Vincent thường nói với nhau: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.

Đến lúc bắt tay vào học, Vincent mới hiểu sâu sắc ý nghĩa câu nói đó nhưng anh không nản chí. Vincent vẫn mong chuyến trở về quê nội tiếp theo có thể giao tiếp như một người Việt Nam thực thụ. Và rồi, anh đã làm được điều đó. Thậm chí, Vincent còn mời nhóm bạn sang nơi bố mẹ mình sinh ra, lớn lên để tham quan. Họ đến Khánh Hòa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lào Cai… với những trải nghiệm tuyệt vời. “Càng đi, mình càng yêu hơn đất nước Việt Nam. Mình muốn làm một điều gì đó cho quê cha, đất tổ, đặc biệt là những mảnh đất còn gặp nhiều khó khăn”, Vincent chia sẻ.

Người truyền cảm hứng

Tận tình giải đáp thắc mắc cho sinh viên

Đến giờ, căn phòng nhỏ trong kí túc xá của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã trở nên quen thuộc đối với Phạm Nguyễn Thanh Vincent. Căn phòng khá gọn gàng, được chủ nhân của nó bố trí hợp lý nơi làm việc, nghỉ ngơi và nấu nướng. Trên các bức tường, Vincent dán kín những bức tranh khổ A4 với nhiều hình vẽ, màu sắc, dòng chữ... “Nhờ những bức tranh này mà mình nhớ mặt, biết tên và hiểu về hoàn cảnh, sở thích, ước mơ…của các sinh viên đang theo học. Giờ thì hình ảnh về các bạn ấy đã nằm ở đây nhưng mình vẫn chưa muốn tháo những bức tranh xuống”, đặt tay lên lồng ngực, Vincent bộc bạch.

Có lẽ Thanh Vincent sẽ không bao giờ quên lần đầu tiên đứng trên bục giảng với tư cách là một người thầy. Những ngày trước đó, anh luôn bồn chồn, lo lắng. Vincent liền tìm đến những giảng viên giàu kinh nghiệm tại trường để nhờ tư vấn, liên lạc với thầy cô của mình ở Mỹ, đọc thêm sách báo…Anh khắc ghi lời nhắn nhủ của một thầy giáo già: “Đừng chăm chăm vào kiến thức, hãy truyền cảm hứng và niềm đam mê cho các bạn ấy”. Và rồi, đúng như kỳ vọng của Vincent, lần đầu tiên đứng lớp diễn ra suôn sẻ. Chuông báo hết giờ nhưng nhiều sinh viên vẫn muốn nán lại trao đổi, trò chuyện với anh. Sau hôm ấy, tên thầy Vincent được nhắc đến trong nhiều câu chuyện. Ai cũng mong chờ những tiết học lấy sinh viên làm trung tâm của Vincent.

Tùy từng chủ đề, chủ điểm mà chàng trai đến từ Mỹ tạo điều kiện để sinh viên thoải mái thuyết trình, trao đổi, thảo luận. Vincent cũng tạo ra một bầu không khí vui tươi trong lớp học với những trò chơi. Anh cho biết: “Vì tuổi đời chênh lệch khá ít nên mình hiểu các bạn sinh viên thích gì, cần gì. Tuy vậy, mình luôn chuẩn bị một cách tốt nhất cho mỗi giờ lên lớp và điều cần thiết đầu tiên là nở nụ cười”. Không chỉ qua những giờ học bổ ích, Vincent còn chiếm trọn tình cảm của sinh viên bởi một trái tim rộng mở. Hàng tuần, anh đều thu xếp thời gian mời các bạn sinh viên đi uống cà phê để giao lưu, trò chuyện bằng tiếng Anh. Vincent cùng học trò của mình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát cháo cho bệnh nhân; trò chuyện với nạn nhân bom mìn; giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…Không những thế, anh không ngại vượt đường sá xa xôi để tới nhà, thăm hỏi, tìm hiểu gia cảnh của các sinh viên trong lớp.

Đến nay, bước chân Vincent đã in dấu ở nhiều miền quê, từ vùng bãi ngang đến các bản làng xa xôi. Em Nguyễn Thị Minh Lành, sinh viên lớp Anh K19 tâm sự: “Đối với chúng em, thầy Vincent không chỉ là giảng viên mà còn là người bạn, người anh thân thiết. Thấy thầy đến thăm nhà, cùng vào bếp nấu bữa cơm, phụ giúp làm vườn…, chúng em rất xúc động. Em và các bạn thường nói với nhau sẽ học tập các đức tính tốt đẹp của thầy Vincent để sau này trở thành những giáo viên tốt”. Đến giờ, quỹ thời gian Vincent ở Quảng Trị không còn nhiều. Vì thế, anh đang “chạy đua hết tốc lực” để cống hiến cho công việc “giảng dạy”.

Chẳng biết từ bao giờ mái trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã trở thành tổ ấm và các giảng viên, sinh viên là những người thân của Vincent. Anh cảm thấy mình đang sống trong những tháng ngày đẹp nhất của tuổi trẻ.

Quang Hiệp