Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại
Tướng Đồng Sỹ Nguyên và chiếc xe Zil từng vượt Trường Sơn những năm chống Mỹ.Những ám ảnh về tư tưởng bất an, đắm chìm trong đơn độc của một người lính lái xe bình thường trên đường TS đã khơi gợi ở vị tư lệnh "nhất dạ sinh bá kế" Đồng Sỹ Nguyên quyết tâm, hướng chỉ đạo chiến thuật "Binh chủng hiệp thành" (tất cả phải chiến đấu hiệp đồng, tất cả phải phục vụ theo những bánh xe lăn, lấy xe làm trọng tâm)...Có thể nào quên những gian nan trong mùa mưa ở TS năm 1968, những nỗi đau quá lớn trước sự ...

Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại

(LĐCT) - "Tướng Đồng Sỹ Nguyên với Trường Sơn huyền thoại" - bộ phim tài liệu-chân dung đầu tiên về tướng Đồng Sỹ Nguyên (Hãng phim Truyền hình TPHCM sản xuất-TFS, biên kịch-đạo diễn Nguyễn Hải Anh) sẽ được trình chiếu trên HTV9. Thời gian trình chiếu sẽ liên tục 5 ngày liền từ 7 giờ 25 sáng ngày 15.5 đến 19.5 - đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn. Sau buổi duyệt phim ngày 17.4, ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc TFS, từng là một nhà quay phim chiến trường - chia sẻ: "Những người làm phim còn trẻ, họ chưa đi qua chiến tranh, nhưng bộ phim về tướng Đồng Sỹ Nguyên của họ đã thể hiện đúng bản chất sự kiện, họ đã biết khái quát sự kiện". Chỉ đến khi phim được hoàn tất ở khâu cuối cùng, Nguyễn Hải Anh mới đặt tên cho phim. "Bởi vì, làm xong phim, cho đến lúc này, tôi mới hiểu sâu, quả thật, mỗi một người lính Trường Sơn (TS) là cả một câu chuyện huyền thoại trên đường TS huyền thoại" - chị nói. Trong 5 tập phim của mình, Hải Anh tiết chế tối đa việc sử dụng phim tư liệu, vẽ chân dung vị tướng theo lối căn bản: Thân thế, quê hương, con đường hoạt động cách mạng, con đường binh nghiệp, đặc biệt khoảng thời gian từ 15.1.1967 - khi Đồng Sỹ Nguyên chính thức "nhập tuyến", được cử là Tư lệnh Đoàn 559 kiêm chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần tiền phương - cho đến ngày đất nước thống nhất 30.4.1975, và sau này... Tướng Đồng Sỹ Nguyên là chân dung vị tướng lĩnh chiến tranh cách mạng thứ năm (sau các phim về Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thiếu tướng Vũ Lăng, Trung tướng tình báo Nguyễn Đình Ngọc) của Hải Anh. Làm phim về vị tư lệnh cuối cùng của con đường TS huyền thoại, được mệnh danh là "người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn, kiến trúc sư hệ thống đường hầm màu lam", Hải Anh tiếp tục phát huy khả năng thể hiện tích cách và nội tâm nhân vật. Xem phim, có thể thấy lại một đoạn đời như một nốt trầm buồn trong cuộc đời Đồng Sỹ Nguyên (những năm 65-66).

Tướng Đồng Sỹ Nguyên và chiếc xe Zil từng vượt Trường Sơn những năm chống Mỹ.
Những ám ảnh về tư tưởng bất an, đắm chìm trong đơn độc của một người lính lái xe bình thường trên đường TS đã khơi gợi ở vị tư lệnh "nhất dạ sinh bá kế" Đồng Sỹ Nguyên quyết tâm, hướng chỉ đạo chiến thuật "Binh chủng hiệp thành" (tất cả phải chiến đấu hiệp đồng, tất cả phải phục vụ theo những bánh xe lăn, lấy xe làm trọng tâm)...Có thể nào quên những gian nan trong mùa mưa ở TS năm 1968, những nỗi đau quá lớn trước sự hy sinh của những người lính TS trong mùa hè đỏ lửa 1972 ở Quảng Trị,..Tướng Đồng Sỹ Nguyên chính là người đề nghị xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... Phim cũng đưa ra những ý kiến của cựu binh Mỹ, người nước ngoài nói về đường TS, về tướng Đồng Sỹ Nguyên. Thán phục, kinh ngạc những gì người lính TS đã làm được, đã trải qua, bà Verigina Moris - một nhà báo Anh, tác giả cuốn "Đường mòn Hồ Chí Minh-con đường dẫn tới tự do" - kể: "Ông ấy (tướng Đồng Sỹ Nguyên) biết rõ từng mét vuông của đường mòn Hồ Chí Minh, khung cảnh hoạt động của con đường trong suốt cuộc kháng chiến. Và đó là lý do tại sao ông ấy và cuộc kháng chiến đã thành công". Trong tập 5 - tập cuối của phim, Nguyễn Hải Anh khắc hoạ chân dung Đồng Sỹ Nguyên trong thời bình, sự đóng góp của ông đối với công cuộc tái thiết đất nước trên cương vị lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, đặc biệt là vai trò trong việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) tới Đất Mũi (Cà Mau) có tổng chiều dài 3167km. Nhưng trên hết, đó là chân dung Đồng Sỹ Nguyên - một nhân cách, một người chồng, người cha... "Đường mòn Hồ Chí Minh - một bản hùng ca trầm hùng mà trong đó tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những nhạc trưởng chỉ đạo xuất sắc nhất dàn hợp xướng ở những chương hồi cuối cùng với những liên khúc khải hoàn ca" - đó là những gì mà nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Hải Anh cảm nhận.

Thuỳ Ân