(QT) - Giao thông vận tải (GTVT) là ngành sản xuất vật chất đặc biệt, vừa trực tiếp tạo ra giá trị, vừa thúc đẩy các ngành kinh tế khác tạo ra giá trị, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Nhờ mạng lưới giao thông vận tải phát triển, các mối liên hệ kinh tế- xã hội (KT-XH) nội tỉnh, liên tỉnh được tăng cường, thúc đẩy nhanh hơn. Vì thế, có thể nói giao thông vận tải “đi trước một bước” trong quá trình phát triển KT- XH của mỗi địa phương, mỗi vùng và cả quốc gia.
![]() |
Cầu Cửa Việt, một trong những cầu có kiến trúc và kĩ thuật thi công hiện đại của tỉnh. Ảnh: Trần Tuyền |
Những tiến bộ của ngành GTVT đã có tác động to lớn đến sự thay đổi phân bố sản xuất và phân bố dân cư của cả một vùng, miền, thúc đẩy phát triển nền KT- XH, nhất là thúc đẩy sự phát triển mọi mặt ở những vùng sâu, vùng xa; củng cố tính thống nhất của nền kinh tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước và kết nối mối giao lưu kinh tế quốc tế. Với mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH, bảo đảm QP-AN, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH, cùng với cả nước, ngành GTVT Quảng Trị đang nỗ lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Trong quá trình thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, ngành GTVT tỉnh đã ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng nên các công trình giao thông có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Hiện hệ thống giao thông Quảng Trị có 8.690 km đường bộ gồm 434 km quốc lộ, 255 km tỉnh lộ, 871 km đường đô thị, 1.204 km đường huyện, 881 km đường xã, 4.946 km đường thôn và 99 km đường chuyên dùng. Trong gần 10 năm từ 2011- 2018, tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, toàn tỉnh mở mới và nâng cấp được hơn 1.000 km đường; xây dựng và sửa chữa 36 cầu, 44 ngầm, tràn và 1.231 cống các loại. Từ năm 2010, tất cả các xã đều đã có đường ô tô về đến trung tâm xã và đến nay đã được kiên cố hóa. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu, hướng dẫn thi công, nghiệm thu đường giao thông nông thôn trên toàn tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp, cải tạo làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Quảng Trị đã xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng mang tầm chiến lược như: Cầu treo Đakrông, cầu Cửa Việt, cầu Đại Lộc và đường nối cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1, cầu Vĩnh Phước, cầu Sông Hiếu và đường hai đầu cầu, cầu An Mô, cầu Cam Hiếu, cầu Cửa Tùng, cầu Bắc Phước, cầu Thành Cổ, đường vào xã Vĩnh Ô, đường vào khu tái định cư Hoong Cóoc, đường vào xã Hướng Sơn, đường tránh lũ cứu hộ cứu nạn và phát triển kinh tế đảm bảo QP-AN vùng ven biển phía Nam của tỉnh, đường và xã A Ngo…
Ngành Giao thông vận tải tỉnh cũng đã thực hiện tốt dự án nâng cấp luồng vào Cảng Cửa Việt và kè chỉnh trị luồng tàu đưa vào sử dụng năm 2014; nâng cấp sửa chữa các bến xe: Hồ Xá, Hải Lăng, Khe Sanh, Đông Hà, thị xã Quảng Trị; lập quy hoạch dự án bến xe khách và bãi đỗ xe trên các huyện, nội thị theo mạng lưới rộng khắp, thuận lợi về vận tải.
Trong tổ chức thi công xây dựng các công trình, ngành GTVT Quảng Trị đã áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KHKT như: Áp dụng tích cực các tiêu chuẩn kĩ thuật mới thay thế cho tiêu chuẩn cũ, đó là các tiêu chuẩn Việt Nam thay thế cho các tiêu chuẩn ngành, bao gồm tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu. Áp dụng công nghệ tin học trong khảo sát, thiết kế, lập dự án, kiểm tra dự toán công trình. Các phần mềm sử dụng có bản quyền và được cập nhật thường xuyên. Áp dụng rộng rãi các tiến bộ KHKT và công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình cầu như: Công nghệ đúc hẫng khẩu độ nhịp lớn từ 80- 130 m được áp dụng tại cầu Cửa Việt, cầu Sông Hiếu; dầm bê tông cốt thép dự ứng lực kéo sau 36- 42 m; dầm Super T 42 m được áp dụng tại các cầu Đại Lộc, Vĩnh Phước, An Mô, cầu Thành Cổ. Cầu vòm bê tông cốt thép khẩu độ nhịp 42 m tại cầu Khe Mây; cọc khoan nhồi đường kính lớn từ 1- 1,5m thi công tại các khu vực nước sâu, địa chất phức tạp, chiều dài cọc lên tới 72 m; sử dụng giàn giáo kết hợp ván khuôn trượt để thi công trụ cầu Rào Quán cao đến 42 m tại khu vực có điều kiện địa hình rất khó khăn, núi cao, vực sâu; công nghệ thi công mặt đường bê tông xi măng cường độ cao, công nghệ thi công cọc cát gia cố nền đường qua vùng đất yếu… đã tạo ra những công trình có chất lượng, thẩm mĩ cao…
Đánh giá về hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thi công công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị Nguyễn Đức Hà cho biết: “Các đơn vị thi công trên địa bàn đã liên tục ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật mới và phù hợp với địa hình vùng của tỉnh. Sự lựa chọn các công nghệ tiên tiến đó đã nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành, đảm bảo tiến độ thi công, góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng của ngành GTVT tỉnh”.
Để tạo được phong trào thi đua lao động sáng tạo, lãnh đạo Sở GTVT chú trọng, khuyến khích cán bộ các đơn vị trong ngành tham gia công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo cải tiến kĩ thuật nhằm nâng cao chất lượng công trình, rút ngắn thời gian thi công, nâng cao năng suất lao động. Kết quả, đã đạt được 2 giải Ba tại Hội thi sáng tạo kĩ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ 4, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen…
Trong thời gian tới, ngành GTVT tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa việc ứng dụng KH&CN trong xây dựng và khai thác bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn nhằm đưa yếu tố KH&CN đóng vai trò quan trọng trong quản lí chất lượng công trình và khai thác có hiệu quả hệ thống hạ tầng GTVT.
Việc lựa chọn, chuyển giao và ứng dụng thành công những công nghệ kĩ thuật hiện đại trong xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả trong xây dựng cầu, đường của ngành GTVT Quảng Trị, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế của tỉnh, góp phần củng cố QP-AN và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Võ Thái Hòa