Nhiều lợi thế khi đầu tư vào Quảng Trị
(QT) - Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, doanh nghiệp và nhà đầu tư có nhiều lợi thế khi đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Những lợi thế so sánh đặc thù của tỉnh Quảng Trị so với các tỉnh trong khu vực: Tăng trưởng kinh tế đạt khá, tạo đà cho những năm tiếp theo. Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang, Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và 13 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện trên tất cả các vùng. Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, đã cơ bản hình thành được 2 chuỗi đô thị theo các trục Bắc - Nam và Đông - Tây với 13 đô thị, tỷ lệ dân số thành thị chiếm 29,4% dân số toàn tỉnh. Việc tỉnh quan tâm tạo việc làm mới đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội. Giai đoạn 2011-2015 đã tạo việc làm mới cho hơn 48.900 lao động, bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho gần 9.780 lao động, trong đó chủ yếu là tạo việc làm mới tại địa phương chiếm 82,4%. Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với các dự án trọng điểm đang được Trung ương thẩm định đầu tư như: dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200MW với tổng vốn đầu tư 2,26 tỷUSD do Công ty Điện lực Quốc tếThái Lan (EGATI) đầu tư; dự án Cảng biển Mỹ Thủy với tổng vốn đầu tư 13.000 tỷ đồng đang được nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm; Chính phủ đã đồng ý bổ sung Quảng Trị vào các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo được đưa vào danh sách 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm; Cửa khẩu La Lay được nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên Cửa khẩu quốc tế La Lay... Trong thời gian tới, khi tuyến đường nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về Khu kinh tế Đông Nam và Cảng biển Mỹ Thủy hoàn thành, Quảng Trị sẽ có 2 hành lang kinh tế: Đó là Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây (PARA - EWEC) sẽ là một lợi thế lớn của tỉnh Quảng Trị trong việc mở rộng thị trường, phát triển về đầu tư, giao thông, thương mại, du lịch trong toàn khu vực.
 |
Khu công nghiệp Nam Đông Hà đang thu hút nhiều dự án đầu tư - Ảnh: PV |
Bên cạnh đó, những cơ chế chính sách ưu đãi, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đối với các nhà đầu tư trong việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, được thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 của tỉnh Quảng Trị tăng 10 bậc (xếp thứ 43/63 tỉnh thành). Tỉnh Quảng Trị cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư cũng như áp dụng các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất, kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh, đảm bảo phương châm kịp thời, nhất quán của hệ thống chính trị, phong cách làm việc rõ ràng, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị - 2016, tổ chức vào ngày 17/4 tới đây, lãnh đạo tỉnh sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết hợp đồng tín dụng cho 21 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là hơn 10.431 tỷ đồng; trong đó có 4 dự án ký kết hợp đồng tín dụng tại hội nghị với tổng vốn được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết cho vay là hơn 4.760 tỷ đồng. Đồng thời BIDV cũng cam kết sẽ tham gia tài trợ vốn và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các chương trình thúc đẩy kinh doanh, các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hội nghị tập trung vào 4 nhóm chủ đề chính là: Thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh Quảng Trị gắn với phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây; phát triển du lịch, trong đó du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử cách mạng, du lịch biển đảo; giải pháp về tăng cường thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Quảng Trị; liên kết du lịch Quảng Trị với các tỉnh miền Trung và các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị sẽ lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế-xã hội đối với công tác quản lý, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư. Bên thềm hội nghị, nếu có nhu cầu, lãnh đạo tỉnh sẽ có các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đối thoại, trao đổi những thông tin, cơ chế, chính sách và cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Trị. Sau khi hội nghị kết thúc, các đoàn đại biểu, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đăng ký lịch làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu khảo sát thực địa, tìm hiểu cụ thể hơn về môi trường đầu tư tại Quảng Trị. Định hướng phát triển của tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, mục tiêu chung là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Rà soát, gỡ bỏ các rào cản, tạo sự thông thoáng trong lưu thông hàng hóa và phương tiện vận tải trên tuyến đường 9 và tuyến đường từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến Đông Hà. Thiết lập hệ thống giám sát thực hiện thủ tục hành chính, xử lý nghiêm, kịp thời cán bộ có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thiết lập cơ chế và hệ thống các tiêu chí phù hợp để doanh nghiệp nhận xét hoạt động của một số cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ đạo, chấn chỉnh việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn cho Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo trong thời gian tới phù hợp với xu thế hội nhập gắn với nâng cao hiệu quả khai thác lợi thế của Hành lang kinh tế Đông Tây. Hoàn thiện Đề án thành lập Khu Kinh tế Cửa khẩu La Lay. Triển khai, khởi động Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Việc cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm với những phần việc cụ thể. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức công vụ của cán bộ, công chức, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực cấp phép đầu tư, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, giao đất, thuê đất... Thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh; giảm bớt các rào cản ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa trên tuyến Quốc lộ 9. Vận hành hiệu quả mô hình “Một cửa- một lần dừng” tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo- Đensavan, mô hình một cửa điện tử tại các cơ quan nhà nước. Thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước và của địa phương; nâng cao tính minh bạch và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, đất đai cho doanh nghiệp. Tránh các cuộc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động của doanh nghiệp. PHƯƠNG NAM