Truyền thống 70 năm và những đóng góp quan trọng của ngành Nội vụ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
* HỒ NGỌC AN, TUV, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị Cách đây 70 năm, trong cao trào Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DCCH). Cơ cấu Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ ...

Truyền thống 70 năm và những đóng góp quan trọng của ngành Nội vụ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc

* HỒ NGỌC AN, TUV, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Trị

Cách đây 70 năm, trong cao trào Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào đã bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (DCCH). Cơ cấu Chính phủ lâm thời gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Như vậy, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sau ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam DCCH 2/9/1945, Bộ Nội vụ với đội ngũ cán bộ, công chức ít ỏi nhưng đã nhanh chóng thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, bắt tay ngay vào việc nghiên cứu xây dựng nhà nước kiểu mới. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ đã tham mưu và chuẩn bị nhiều văn bản, sắc lệnh về Tổng tuyển cử, soạn thảo Hiến pháp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, thiết lập chế độ công chức mới... Các sắc lệnh, nghị định đó là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc xây dựng nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cách mạng . Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện, chấn chỉnh, tăng cường cơ quan dân cử địa phương, thực hiện bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp; xây dựng, theo dõi thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; quản lý biên chế và bồi dưỡng cán bộ hành chính; xây dựng chế độ lương, trợ cấp xã hội ở khu vực hành chính, sự nghiệp; nghiên cứu theo dõi thực hiện quyền lập hội... Chuẩn bị cho ngày nước nhà thống nhất, ngày 20/2/1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 29/CP về việc thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ. Năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 135/ HĐBT quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Ngày 30/9/1992, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX đã quyết định Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang Bộ. Ngày 9/11/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/NQ-QH11 ngày 5/8/2002 về việc quy định danh sách các Bộ và cơ quan ngang Bộ của Chính phủ. Theo đó, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ được đổi tên thành Bộ Nội vụ. Ngày 8/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/ NĐ-CP về việc chuyển Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Hành chính Quốc gia vào Bộ Nội vụ (năm 2011 chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ sang Bộ Quốc phòng). Ngày 17/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2008/NQ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức Nhà nước đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đánh giá cao sự phát triển và những cống hiến to lớn của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước, Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (năm 2005), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2015). Đây là niềm vinh dự, tự hào hết sức to lớn của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành Nội vụ. Cùng với sự trưởng thành và phát triển của ngành Nội vụ trong cả nước, ngành Nội vụ tỉnh Quảng Trị đã góp phần vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương. Từ 1945 đến 1954, nhiệm vụ của công tác tổ chức trong giai đoạn này là tập trung tham mưu thiết lập bộ máy chính quyền các cấp của tỉnh, tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khoá I ở địa phương, xây dựng, đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Năm 1954, hoà bình lập lại trên miền Bắc, đất nước bị chia cắt, tỉnh Quảng Trị cũng bị chia cắt làm 2 tại vĩ tuyến 17. Chính phủ thành lập Đặc khu hành chính Vĩnh Linh cùng miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 1/5/1972 Quảng Trị được giải phóng, hệ thống chính quyền cách mạng các cấp được thành lập từ xã đến tỉnh. UBND cách mạng lâm thời có Quyết định số 474/QĐ ngày 20/6/1974 về việc thành lập Phòng tổ chức thuộc UBND cách mạng lâm thời để chuyên trách về công tác Tổ chức nhà nước.
Đại hội Đảng bộ Sở Nội vụ lần thứ II, nhiệm kỳ 2015- 2020 - Ảnh: TL
Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, thực hiện chủ trương của Trung ương hợp nhất các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Cuối tháng 3/1975, Phòng Tổ chức Chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập. Tháng 5/1979, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập. Ngày 31/6/1989 Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Nghị quyết tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Quảng Trị được thành lập theo Quyết định 01/QĐ-UB ngày 10/7/1989 của UBND tỉnh Quảng Trị.Ngày 20/11/2003 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 248/2003/ QĐ-TTg và ngày 19/12/2003 UBND tỉnh có Quyết định số 3025/2003/QĐ-UB về việc đổi tên Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thành Sở Nội vụ. Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ- CP của Chính phủ, tháng 5/2008, Ban Tôn giáo, Ban Thi đua khen thưởng, Trung tâm Lưu trữ tỉnh được sáp nhập về Sở Nội vụ. Năm 2011, Sở Nội vụ được giao thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên . Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay sau khi lập lại tỉnh (1/7/1989), ngành Tổ chức nhà nước Quảng Trị đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có kết quả các nghị quyết của Đảng và các văn bản quy định của Chính phủ liên quan đến công tác tổ chức nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 1990-1995, ngành Tổ chức nhà nước đã tập trung tham mưu tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 1992-1997; kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng cán bộ bổ sung cho các sở, ban, ngành, huyện, thị xã; thành lập mới các doanh nghiệp nhà nước; thực hiện chuyển xếp lương mới cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 25/ CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ; triển khai thực hiện Nghị quyết số 38/CP ngày 4/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Kết quả nổi bật trong giai đoạn này là đã tham mưu trình Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh, từ 3 huyện, 1 thị xã, với 123 xã, phường, thị trấn lên 6 huyện, 2 thị xã, với 139 xã, phường, thị trấn; thực hiện việc lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị số 364/HĐBT của Chính phủ. Từ năm 1995-2008, tiếp tục tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành và các phòng, ban cấp huyện; thực hiện sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế, đã tham mưu sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (từ 26 cơ quan xuống còn 19 cơ quan) và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (từ 124 cơ quan xuống còn 112 cơ quan), quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn đảm bảo tinh gọn, không bỏ sót, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; triển khai có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 mà nổi bật là triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” trong lĩnh vực đất đai tại UBND cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn; rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước; thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp; tham mưu ban hành quy định phân cấp quản lý trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; ban hành chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức; ban hành quy định số lượng, chức danh cán bộ, công chức cấp xã, Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tăng về số lượng và chất lượng; tham mưu thành lập mới 2 huyện (huyện Đakrông và huyện đảo Cồn Cỏ), mở rộng địa giới hành chính và thành lập thêm 2 phường thuộc thị xã Quảng Trị, kịp thời tham mưu giải quyết 10 tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính kéo dài nhiều năm đảm bảo ổn định tình hình, không để xảy ra tình trạng mất trật tự an ninh tại những nơi tranh chấp. Phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu vươn lên khắc phục những khó khăn, hạn chế, từ năm 2008 đến nay với chức năng, nhiệm vụ của một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, ngành Nội vụ đã nỗ lực, tập trung tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp có hiệu quả trên các lĩnh vực: Cải cách hành chính; tổ chức bộ máy, biên chế; cán bộ công chức, viên chức; xây dựng chính quyền; công tác thanh niên, hội; thi đua, khen thưởng; quản lý nhà nước về tôn giáo; văn thư lưu trữ, góp phần quan trọng trong việc tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh. Về cải cách hành chính nhà nước, đã tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Thực hiện cơ chế “một cửa” tại hầu hết các cơ quan hành chính ở địa phương, cơ chế “một cửa liên thông” được triển khai thực hiện có hiệu quả ở một số cơ quan, đơn vị; rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND các cấp ban hành; thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính đến người dân, tổ chức; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng tiêu chuẩn ISO, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh phân cấp về công tác quản lý tổ chức cán bộ, tuyển dụng, chính sách tiền lương, quản lý hội. Về tổ chức bộ máy, biên chế và tổ chức phi chính phủ, đã tập trung rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện bảo đảm tinh gọn, có hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị. Công tác quản lý biên chế được tổ chức thực hiện chặt chẽ và hiệu quả hơn, việc giao và thực hiện kế hoạch biên chế hàng năm sát với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tập trung xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức tại 21 sở, ban, ngành, 10 huyện, thành phố, thị xã và 684 đơn vị sự nghiệp trong toàn tỉnh theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP và 41/2012/ NĐ-CP của Chính phủ. Công tác quản lý hội từng bước đi vào nền nếp, việc cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ các hội, tổ chức phi chính phủ được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo sự quản lý của nhà nước, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, tạo điều kiện để hội và tổ chức phi chính phủ hoạt động tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Về xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trên cơ sở Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, địa phương và thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Nét mới và tạo đột phá trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là đã tham mưu xây dựng ban hành và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút, tạo nguồn nhân lực có chất lượng; xây dựng, ban hành và tổ chức quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức, xét tuyển và xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức; tổ chức thi tuyển công chức theo ngành, lĩnh vực được tuyển dụng và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức theo chức danh, vị trí việc làm đã đem lại kết quả khả quan, đã hỗ trợ công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học bằng ngân sách của tỉnh đối với 386 trường hợp gồm 9 tiến sĩ, 320 thạc sĩ, 51 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 6 bác sĩ chuyên khoa cấp II; đã tuyển dụng theo chính sách thu hút 204 trường hợp gồm 10 thạc sĩ được đào tạo từ nước ngoài, 52 thạc sĩ đào tạo trong nước, 69 tốt nghiệp đại học thủ khoa, xuất sắc, loại giỏi và 73 bác sĩ; tuyển tạo nguồn nhân lực 83 trường hợp gồm 1 thạc sĩ đào tạo nước ngoài, 2 thạc sĩ đào tạo trong nước, 57 tốt nghiệp đại học thủ khoa, loại giỏi và 23 bác sĩ, dược sĩ. Đến nay toàn tỉnh đã có 35 tiến sĩ và tương đương, 706 thạc sĩ và tương đương (chiếm 3,9% tổng số CBCC, VC). Thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được kịp thời, đầy đủ và theo đúng quy định. Nổi bật trong thực hiện chính sách tiền lương là thực hiện triệt để việc phân cấp thẩm quyền quyết định nâng bậc lương, tạo sự chủ động cho các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức. Về xây dựng chính quyền và địa giới hành chính, đã tham mưu tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường theo Nghị quyết số 26/2008/ QH12 của Quốc hội. Kiện toàn kịp thời nhân sự UBND các cấp theo Luật Tổ chức HĐND và UBND. Tham mưu thực hiện sắp xếp, bố trí số lượng, chức danh cán bộ, công chức cấp xã; ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và thôn, bản, khu phố đúng quy định; tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã theo đúng quy chế của UBND tỉnh ban hành; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã ngày càng được nâng cao. Đến nay đội ngũ cán bộ công chức cấp xã có 7 thạc sĩ, 795 đại học (chiếm 28%), 1.391 cao đẳng và trung cấp (chiếm 48,3%). Công tác địa giới hành chính được quan tâm chú trọng, việc quản lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được thực hiện chặt chẽ. Kết quả nổi bật trong công tác quản lý địa giới hành chính là tham mưu điều chỉnh, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành lập mới và nâng cấp các đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và công tác quản lý điều hành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các vùng, miền trong tỉnh; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính, không để xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh tại các điểm tranh chấp. Về công tác Thanh niên, đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020; tuyển chọn, bố trí 7 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND tại 7 xã thuộc huyện Đakrông theo Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, Bộ Nội vụ; tuyển chọn 12 đội viên tri thức trẻ bố trí về các xã thuộc huyện Đakrông, Vĩnh Linh và Hải Lăng theo Đề án 500 công chức xã để tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với 682 thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo. Đồng thời tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến tôn giáo; thực hiện tốt những nội dung cơ bản về quản lý các hoạt động tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, đảm bảo các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường trong khuôn khổ pháp luật, góp phần cùng các cấp, các ngành vận động quần chúng tín đồ, chức sắc chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của nhà nước, đấu tranh với những âm mưu lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo phá hoại đoàn kết dân tộc, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Về công tác Thi đua khen thưởng, đã tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa công tác Thi đua - Khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tác động tích cực đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh và an sinh xã hội. Trong 5 năm qua, đã tham mưu trình Chủ tịch nước tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đối với 1.042 trường hợp, 110 Huân chương Độc lập cho thân nhân các gia đình có nhiều liệt sĩ, tặng thưởng Cờ thi đua UBND tỉnh cho 259 tập thể và tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 3.745 tập thể, cá nhân; tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng cho 711 tập thể, tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cho 520 cá nhân. Đồng thời giải quyết tồn đọng khen thưởng thành tích trong kháng chiến, đối tượng chính sách theo Quyết định 98/QĐ- CP của Thủ tướng Chính phủ. Về công tác Văn thư - Lưu trữ, thực hiện Luật Lưu trữ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ đối với các cơ quan Trung ương, địa phương, ngành Nội vụ đã tham mưu UBND các cấp triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả như ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ; quyết định ban hành quy chế khai thác và sử dụng tài liệu tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh; quyết định danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử tỉnh, đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về soạn thảo, ban hành, quản lý văn bản, thu thập, chỉnh lý, bảo quản an toàn, tổ chức sử dụng tài liệu đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Công tác thu thập, chỉnh lý, bảo quản, khai thác sử dụng tài liệu được chú trọng thực hiện, tiếp nhận tài liệu 19 cơ quan nộp lưu vào Kho Lưu trữ tỉnh với số lượng 497.9 mét giá của 19.700 hồ sơ, tài liệu; phục vụ 3.790 lượt người khai thác 5.941 hồ sơ, tài liệu. Ghi nhận những đóng góp của ngành Nội vụ nói chung và Sở Nội vụ nói riêng, ngày 19/8/2015, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Sở Nội vụ Quảng Trị. Chặng đường vẻ vang 70 năm qua với những thành tựu quan trọng đã đạt được sẽ là động lực to lớn để cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ tỉnh Quảng Trị tiếp tục vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới.